“Sau nhiều lần hỏi hai người bạn đâu, sao không thấy đến đón về, một người đàn ông (Trung Quốc) đã trả lời em: Nó bán tụi mày cho tao giá 100 triệu đồng rồi”, D. cay đắng kể lại việc mình bị bạn bán.
Tin bạn tới “phút chót”
Chiều 20/12, sau một ngày trở về từ Trung Quốc, em Hà Thị Thùy D. (SN 1994), trú phường Đồng Phú, TP.Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn còn nguyên vẻ hoang mang và đau đớn khi bị chính bạn thân lừa bán sang Trung Quốc.
Ngồi cạnh bà nội và mẹ, D. hồi tưởng lại câu chuyện xảy ra với mình một cách rành rọt tới từng chi tiết.
D. kể rằng, trong thời gian ở Hà Nội học tiếng để xuất khẩu lao động sang Đài Loan, D. có quen một người bạn tên Trần Thị A. (SN 1996), là người dân tộc Tày, quê ở Yên Bái; Mai Tiến Tùng (SN 1996), quê Tuyên Quang (là người yêu A.) và Nguyễn Quân (SN 1993), quê Hải Dương.
Mặc dù chơi với nhau được khoảng 2 tháng, nhưng tình cảm của cả nhóm khá thân thiết và tin tưởng nhau.
Ngày 12/10/2015, sau khi Quân và Tùng rủ về quê Hải Dương chơi, cả A. Và D. đều vui vẻ nhận lời . 8h tối cùng ngày, cả nhóm dừng ăn cơm ở Móng Cái, (Quảng Ninh).
“Em không biết Hải Dương nên vẫn cứ nghĩ cả nhóm đang trên đường”, D. cho biết.
Khoảng 4h sáng hôm sau, cả nhóm tiếp tục đi đò qua sông, đến bên kia sông thì có hai người đang chờ sẵn. “Lúc này em mới biết mình đang ở Trung Quốc, em hỏi Quân và Tùng thì cả hai cùng nói đi sang Trung Quốc mua đồ. Em như người uống thuốc “lú”, Tùng và Quân nói gì cũng tin”, D. nhớ lại.
Quân và Tùng dẫn A. Và D. đến gặp một người đàn bà tên Hồng, rồi dặn đi cùng người này để mình đi mua đồ xong sẽ đến đón. Sau đó, D. và A. bị nhốt trong một căn nhà ở An Huy, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Hai ngày liền chờ bạn đến đón về nhưng không thấy, cả A. Và D. bắt đầu thấy lo âu, hốt hoảng. Vì biết tiếng Trung nên D. mạnh dạn hỏi hai người đàn ông canh giữ mình: “Sao bạn em dặn đi mua đồ xong sẽ quay lại đón, nhưng đến nay vẫn không đến?, nhưng chúng chỉ trả lời qua loa. Cho đến hai ngày sau, họ mới nói, cả hai đứa em đã bị bán với giá 100 triệu đồng.
Quá bất ngờ và tuyệt vọng, em và A. ngồi khóc thảm thiết. Nhìn bọn em như vậy, một người đàn ông dọa: Mày có tin tao chụp ảnh mày rồi giao bán lãi 100 triệu nữa không?”.
Trong thời gian bị nhốt ở căn nhà đó, A. và D. được hai người đàn ông canh giữ. Chúng cho 2 nữ sinh này một chiếc điện thoại (không sim, không có mạng internet) để chơi cho “đỡ buồn”.
“Em dùng điện thoại, được một lúc thì lần mò ra mật khẩu mạng wifi rồi vào zalo nhắn tin về cho gia đình biết về việc mình bị đưa sang Trung Quốc”, D. kể lại.
Cũng trong thời gian bị giam giữ ở đây, cả D. và A. đều nuôi ý định tìm cách trốn thoát. Nhưng căn nhà được canh giữ khá cẩn thận, nên cả hai đã không thực hiện được.
Cuộc chạy trốn ly kỳ
Sau 8 ngày bị giam giữ, D. và A. tìm được cơ hội “vàng” cho mình khi biết hai người đàn ông canh giữ đã say rượu, ngủ li bì.
“Thấy chúng ngủ say, A. tuột theo đường ống xuống tầng 1 dễ dàng, còn em không tuột được đã bị rơi xuống gây ra tiếng động. Họ nghe thấy thì mở cửa ra nhìn, cũng may lúc đó bọn em đã kịp trốn vào một vườn mía”, D. kể lại hành trình trốn chạy của mình.
D. cho biết, khi thoát khỏi nơi giam giữ, A. và D. chạy thục mạng, cho tới khi nhìn xuống hai bàn chân đã dính đầy máu, mới dừng lại xé áo buộc vào chân rồi chạy tiếp.
Chạy khoảng 30-40km, A. và D. tìm thấy một cây xăng và đứng lại nhờ người giúp đỡ. Sau đó, cả hai được đưa về đồn cảnh sát gần nhất.
Hy vọng được giải thoát về nước đang nhen nhóm thì D. và A. hoảng hồn thấy người phiên dịch đứng trước mặt mình (được công an gọi tới) chính là bà Hồng.
“Nhìn thấy bà Hồng, bọn em rất sợ mình bị bắt về một lần nữa nên đã khai rằng mình đi chơi bị lạc chứ không phải bị bán. Lúc đó, bà ta hứa sẽ tìm cách đưa hai đứa em về nước, nhưng chúng em không chịu mà nhất quyết đòi ở lại đồn cảnh sát”, D. cho biết.
Từ đồn cảnh sát, D. và A. được đưa vào một trại tập trung để ở, chờ thời gian hoàn tất thủ tục đưa cả hai về Việt Nam.“Trong trại tập trung, chúng em chỉ mặc 1 bộ quần áo, 10 ngày mới được tắm 1 lần. Nhưng đổi lại, có nhiều người cùng bị giam rất thương bọn em, họ thường xuyên cho đồ ăn được người nhà thăm nuôi”, D. nhớ lại.
Sau tròn 60 ngày ở Trung Quốc, D. và A. được trở về Việt Nam. “Trưa ngày 18/12, tôi nghe điện thoại của con gái từ số máy lạ, nó nói đang ở Móng Cái, tối mẹ ra Hà Nội đón con. Lúc đó, tôi đang bán cá ngoài chợ, nghe thấy thế thì thả hết đồ chạy về nhà chuẩn bị đi đón con”, bà Trần Thị Tuyên, mẹ D. bùi ngùi cho biết.
“Mặc dù hơn 70 tuổi, nhưng nghe D. nói được trở về nhà, bà vẫn muốn được ra tận nơi đón cháu. Đã 60 ngày trôi qua, kể từ ngày nghe tin cháu bị bán sang Trung Quốc đến hôm nay bà mới có một giấc ngủ ngon”, bà Nguyễn Thị Cọt (70 tuổi), bà nội D. mừng tủi cho biết.
Được biết, gia đình D. đã trình báo lên cơ quan công an và hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra.
Nguồn Nguoiduatin.vn