Nữ đạo diễn Phan Huyền Thư: “Nếu yêu thương, hãy giải thoát cho mẹ”

Phan Huyền Thư là một trong những phụ nữ thế hệ 7X đa tài, năng động và chân thực nhất mà tôi biết. Thật mừng là gần đây, những bài viết về chị có đính kèm với nỗi đau thuở ấu thơ trong một gia đình nghệ sĩ nổi tiếng đã giảm đi, thay vào đó là một cuộc đời bừng sáng rực rỡ, một cá tính đàn bà lạ mà hấp dẫn…

Đừng bi kịch hóa, chúng tôi vẫn đang rất ổn

Thưa chị, chị đã có một tuổi thơ không dễ chịu đựng với những thị phi nghiêng về phía người mẹ thương yêu. Vậy chị khi ấy có đồng cảm được với mẹ không? Chị có ở bên cạnh mẹ và thậm chí, học hỏi được từ mẹ?

Mỗi lần bị ép buộc phải “khai quật” lên những năm tháng tuổi thơ của mình, tôi vẫn đều thấy đau đớn như xưa…. Tôi cũng không hiểu được là mình cần phải hành xử thế nào, sống thế nào với quá khứ “kinh hoàng” ấy. Tôi vẫn tự hỏi, làm thế nào để một đứa bé gái chưa đầy 10 tuổi như tôi lúc ấy, vẫn buộc phải sống, buộc phải lớn lên, trưởng thành và rồi tự tạo cho mình một thói quen điềm nhiên đón nhận tất cả trên dọc đường đi của mình suốt 33 năm qua.

Tôi đã tìm ra cách tự vệ an toàn nhất là tự giấu mình đi để âm thầm trải nghiệm. Vậy nên, cuộc sống của tôi rất phong phú, luôn có áp lực và những bất ngờ. Điều hay nhất là tôi hiểu được chính mình cùng lúc học cách hiểu về con người…và cứ thế lớn lên.

Nữ đạo diễn Phan Huyền Thư: “Nếu yêu thương, hãy giải thoát cho mẹ”Với mẹ, tôi chẳng có suy nghĩ gì, không có được sự đồng cảm và cũng không thể nói rằng học hỏi được gì từ mẹ sau biến cố lớn nhất đời mình…. Đơn giản là không thể bắt một cô bé 9 tuổi, bất ngờ bị mất cha phải có trải nghiệm giống với một người vợ 32 tuổi, vừa ly dị chồng và phải hứng chịu những thị phi vì sự ra đi đột ngột của người đã từng là chồng mình. Đó là hai con người hoàn toàn khác nhau về vị trí và sự trải nghiệm. Mất chồng, người đàn bà có thể đi lấy chồng khác, sinh đứa con khác nhưng mất cha là vĩnh viễn mồ côi…

Cô bé mồ côi cha ấy đã bước chân vào cùng gia đình riêng của mẹ, yêu thương người em khác cha của mình, tôn trọng và chăm sóc người cha dượng của mình suốt 33 năm qua. Đó là tất cả những gì tôi làm cho mẹ vì tình yêu thương, vì chữ hiếu và vì cả sự tự trọng nữa.

Đúng là tôi chưa bao giờ nói: “Con yêu mẹ, con thương mẹ” vì tôi không thể nói câu ấy ra đằng miệng được! Nhưng tất cả những gì tôi vun vén, chăm sóc cho gia đình riêng của mẹ như chính gia đình chung của tôi và các em mới là điều cần thiết để cho mẹ yên lòng và cảm thấy hạnh phúc thay vì leo lẻo khen mẹ trẻ, mẹ xinh, mẹ hát hay… rồi tự cho mình cái quyền ích kỷ, thiếu tôn trọng mọi thành viên khác trong gia đình để trở thành gánh nặng cho mẹ và các em… Tôi luôn chọn cho mình cách hành xử mà mình không bao giờ phải ân hận. Chỉ luôn muốn cho đi chứ không cần nhận lại điều gì từ người thân yêu ruột thịt.

Nói thật lòng là tôi rất ngạc nhiên khi giới truyền thông rất hay đặt ra những quan tâm theo xu hướng muốn “bi kịch hóa’ hoặc “thiêng hóa” cái sợi dây liên hệ giữa “một đàn bà, một con trẻ” cách đây đã 33 năm. Năm nay mẹ tôi đã gần 70 tuổi, tôi cũng đã hơn 40. Và tôi thấy chúng tôi vẫn đang rất ổn. Hãy cứ tự đặt mình vào vị trí của người khác, các bạn sẽ hình dung được ra thôi.

Một công việc lặng lẽ

Sinh ra trong một gia đình làm nghệ thuật, sẵn dòng máu nghệ thuật chảy trong mình, đó là lợi thế để chị làm nghệ thuật như bản năng sẵn có, hay là một áp lực khiến chị luôn nỗ lực hơn để khẳng định mình?

Tôi thấy chẳng thích câu hỏi này lắm. Làm gì có cái “dòng máu nghệ thuật” nào chảy sẵn trong mình nếu như cha mẹ mình là những người làm nghệ thuật nhỉ? Rất nhiều người không hề có năng khiếu nghệ thuật cho dù gia đình họ có đến vài ba đời làm nghệ thuật. Mơ ước của tôi lúc nhỏ là lớn lên sẽ trở thành cô giáo. Tôi cũng thích các nhà văn hơn các ca sĩ. Tôi thích học vẽ nhất trong các loại hình nghệ thuật khi nhỏ được bố tôi cho học. Vậy là 5 tuổi học vẽ, sau đó học nhạc, bố tôi dạy cả nhạc và chữ cùng một lúc cho tôi. Bảy tuổi học đàn violon, rồi bố tôi mất. Tôi cứ nhẩn nha dạo chơi các nhạc cụ khác nhau và chưa bao giờ bỏ đọc sách, viết nhật ký, làm thơ, vẽ tranh, sáng tác truyện ngắn… cùng với việc thi vào nhạc viện học nhạc cụ dân tộc rồi chuyển sang học thanh nhạc… rồi liều lĩnh thi cả đại học lý luận sáng tác chỉ huy… ngay cả khi đã tốt nghiệp Tổng hợp Văn để đi làm báo. Viết kịch bản cũng phải học, làm đạo diễn cũng phải học, chấp nhận các thất bại cũng còn phải học nữa là…

Nữ đạo diễn Phan Huyền Thư: “Nếu yêu thương, hãy giải thoát cho mẹ”Đấy, bạn thấy không, tất cả đều bắt đầu từ chữ “Học” mà nên. “Nhân bất học, bất tri lý”. Cái mà tôi có ngày hôm nay là từ tính tò mò, hiếu học và thích khám phá của tôi mà ra, chứ năng khiếu suông chỉ như con rối vui mắt, mua vui thiên hạ. Và tôi cũng muốn nhân đây nhấn mạnh lại một điều chân thật từ thẳm sâu con người tôi: “Tôi chưa bao giờ muốn khẳng định mình” nên chưa bao giờ cần phải ra lệnh cho mình nỗ lực cái gì cả. Trước đây, khi chưa có gia đình thì còn ngang tàng thích thì làm, không thích thì tránh xa. Bây giờ đã sang tuổi trung niên, lại thêm cả đống con, nên cũng đã học được cách mưu sinh bằng công việc, biết nhân nhượng để đạt được mục đích của mình, biết chấp nhận để có hiệu quả tốt nhất có thể. Mà buồn cười nhất là mọi người toàn ghi nhận tôi ở sân “mưu sinh” là chính. Tôi cứ nói vui với bạn bè rằng: “Niêu cơm nhà cháu có chân, nó chạy ngoài đường nên đuổi nhau với nó mệt quá!”

Một số phim tài liệu của chị đã “xuất khẩu” được, như Cha mẹ xin lỗi con, Quyền được học… đây là con đường đi riêng của chị, hay là cách để thuyết phục khán giả trong nước chịu “ăn” món phim tài liệu phong cách mới?

Đối với tôi, việc các bộ phim được chọn chiếu trên BBC Worldwide trên 8 múi giờ quốc tế trong chuyên mục “My country” cách đấy mấy năm chỉ là một sự may mắn thôi. Nếu nói đến nỗ lực cá nhân để tự thuyết phục mình trong việc làm phim tài liệu thì tôi thấy đáng ghi nhận bản thân trong cuộc thi ASIAN PICHT năm 2008. Một mình tôi đấu với 193 dự án và vào vòng trong với 13 nước. Rồi lại giành được một trong ba gói sản xuất cho phim của mình cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Thực sự với cá nhân tôi, đó là một cuộc cách mạng lớn, một khóa tự đào tạo cho chính mình về kỹ năng đi chợ ý tưởng phim, vào cuộc cạnh tranh sản xuất phim và giao thương với tất cả các kênh truyền hình mạnh nhất của châu Á. Cũng tiếc là do chính sách riêng của Điện ảnh Việt Nam lúc đó chưa cho phép tôi có thể điều hành một Crews làm phim tài liệu mang tính chất quốc tế để sản xuất phim tại Việt Nam nên tôi đã từ chối gói sản xuất dành cho nhà làm phim độc lập lúc đó. Nhưng tôi là người kiên nhẫn, tôi không từ bỏ, để đến 2012, tôi đã có được “Cuộc đời sau trang sách”. Một phim tài liệu kéo dài 8 năm trong ý tưởng và mong muốn cá nhân mình để thực hiện bằng được, và tôi đã làm được điều đó.

Nhân tiện, công việc của tôi rất lặng lẽ! Điện ảnh Tài liệu chưa bao giờ là loại hình mang tính giải trí hút khách, cho nên cứ điềm tĩnh mà làm thôi. Muốn có khán giả thực sự thì trước hết phải hướng dẫn họ biết xem phim đã, hầu hết mọi người đều không phân biệt được phim phóng sự và tài liệu cơ mà!

Bắt mẹ hy sinh cho mình là bất nhẫn

Hai mẹ con chị có thể nói chuyện thoải mái với nhau không, và chia sẻ những vấn đề quan trọng? Chị khâm phục đức tính nào nhất của mẹ? Và mẹ ảnh hưởng thế nào tới chị?

Tôi không nghĩ là quan hệ riêng giữa tôi với mẹ đẻ của mình mà cũng được các bạn quan tâm kỹ lưỡng như vậy đâu! Có vẻ hơi bất nhẫn, nhưng tôi nghĩ, sở dĩ người ta thường cảm thấy ân hận khi nhắc đến việc cư xử, sống với mẹ mình chưa bao giờ đủ khi có điều kiện. Rồi đợi đến lễ Vu Lan báo hiếu hàng năm lại lên FB hay mạng xã hội để than thở, trách móc bản thân khi không có mẹ bên cạnh nữa. Tôi mất cha từ nhỏ, tôi hiểu thế nào là sự thiếu thốn bậc sinh thành trong cuộc sống và tôi không muốn lại ngồi than khóc trên mạng, rên rỉ rằng muốn báo hiếu mà quá muộn… Chính vì thế, tôi sống rất thực tế. Tôi cố gắng đáp ứng tối đa những gì về nhu cầu vật chất và cả nhu cầu tinh thần cho ba mẹ. Tôi chưa bao giờ muốn ba mẹ phải hy sinh điều gì cho mình và suốt mấy chục năm qua, tôi đã cố gắng thực hiện điều đó.

Chỉ có điều, tôi không thể sống giả dối hình thức được, nên bạn hỏi về việc khâm phục và học hỏi từ mẹ… Tôi chắc sẽ không trả lời được vì điều đó với tôi rất xa lạ. Tôi nghĩ, mẹ là người sinh ra mình, yêu thương mẹ thì hãy giải thoát cho mẹ gánh nặng trách nhiệm để mẹ được sống theo ý của mẹ… vì đời người rất ngắn ngủi. Cứ bắt người khác phải sống theo ý mình, hy sinh cho mình là điều bất nhẫn lắm. Tôn trọng mẹ mình với mọi sự lựa chọn trong cuộc sống chẳng hay hơn sao? Tôi cũng dạy các con trai mình như thế đấy!

Nữ đạo diễn Phan Huyền Thư: “Nếu yêu thương, hãy giải thoát cho mẹ”
                                                NSND Thanh Hoa và con gái Phan Huyền Thư.

Mỗi khi chị nhận giải thưởng cho thơ hoặc phim tài liệu, chị có cho mẹ biết đầu tiên, hay mẹ chị biết qua kênh thông tin khác? Và những lúc đó mẹ chị nói gì với chị?

Ở gia đình tôi, không có chuyện thiêng hóa các thành tích. Nên tôi không muốn mẹ biết và mẹ cũng chẳng biết hết việc tôi làm, các thành tích hay giải thưởng gì đâu. Tôi có thể tự tin mà nói rằng, hầu hết những công việc mẹ làm, tôi đều nắm được, nhưng công việc của tôi thì chưa chắc mẹ đã biết hết. Là vì tôi không nói, tôi gần như không chia sẻ với ai về công việc mình đang làm, chỉ khi nào nó hoàn thành sẽ có người biết đến nó… Còn mẹ tôi thì ngược lại, bà luôn muốn chia sẻ với tất cả mọi người những gì bà đang ấp ủ, cho dù nó có thể thực hiện được hay không…Đó chính là sự khác biệt của chúng tôi.

Khi bị dư luận “ném đá”, hoặc nhất thời bị từ chối, thất vọng và cô đơn, chị có nghĩ tới mẹ và có chia sẻ được với mẹ? Hay chị chỉ muốn mẹ thấy mình là người thành công và vững vàng? Trong những thành công của chị, mẹ chị có đóng góp phần nào?

Tôi nhớ, gần đây nhất, tôi nhắn tin inbox cho mẹ trên FB: “Con thấy mệt mỏi quá rồi! Tự nhiên hoang mang lo sợ. Chỉ sợ mình ốm nằm một chỗ mãi thì ai sẽ chăm sóc bọn trẻ con. Nếu chẳng may mình bị bệnh đột ngột qua đời thì ai sẽ tiếp tục nuôi chúng nó…”  Tôi kể cho bạn như vậy để thấy, giữa mẹ và con gái, là những câu chuyện rất đời thường, viển vông và yếu đuối… Nó hoàn toàn xa lạ với một bản thành tích sáo rỗng về vai trò và sự ảnh hưởng này nọ lẫn nhau trong sự nghiệp của mỗi người. Có những người vợ, người mẹ vô cùng nổi tiếng và thành công nhưng thất bại thảm hại trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Con cái họ, chồng họ bạc nhược, bất hạnh, cô đơn và sa ngã…. Nhiều lắm bạn ạ! Cũng có những người con thành công, nổi tiếng và cha mẹ họ lại là những người hoàn toàn vô danh nhưng vô cùng tuyệt vời trong vai trò làm cha mẹ, họ luôn là chỗ dựa tinh thần, luôn là bệ đỡ cho những khát vọng của con cái mình. Mơ ước của tôi là được trở thành một trong số những người mẹ ấy.

Cho tới giờ, hình ảnh mẹ Thanh Hoa trong mắt chị như thế nào?

À, NSND Thanh Hoa là mẹ tôi, ai cũng biết vậy!  Và khi nhắc đến mẹ, tôi luôn gọi là “chị ấy”, hoặc “chị Hoa”… một cách thành thật,  thoải mái, không chút bóng gió nào cả. Đơn giản là mẹ tôi trẻ, sống hồn nhiên nghệ sĩ và luôn là người của công chúng, là nghệ sĩ của nhân dân, trong “nhân dân” ấy cũng có tôi… nên “trong cái rủi có cái may” mà!

Nữ đạo diễn Phan Huyền Thư: “Nếu yêu thương, hãy giải thoát cho mẹ”
                                        Gia đình nghệ sĩ Thanh Hoa – Phan Lạc Hoa.

Trong năm 2015 này, dự án nào của chị là quan trọng nhất?

Tôi làm cùng lúc nhiều việc, tham gia nhiều lĩnh vực. Năm 2015 tôi cho là một năm bận rộn nhưng kém hiệu quả. Tôi sẽ điều chỉnh lại các lịch hoạt động để dành nhiều thời gian hơn cho văn chương trong năm tới. Tôi thấy mình đã làm được một số việc nho nhỏ… Nhưng những việc thực sự cần làm, những việc gì đó lớn lao hơn một chút thì tôi chưa làm được. Và tôi cần phải làm thôi!

Xin cảm ơn chị!

 

KBH (Phụ Nữ Ngày Nay)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN