Trước tình trạng hàng loạt cơ sở y tế tiêm chủng tại Việt Nam hết các loại vắc xin dịch vụ như 5 trong 1, 6 trong 1… một số gia đình có điều kiện sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để đưa con qua nước ngoài tiêm ngừa .
Vắc xin dịch vụ trong nước khan hiếm nên nhiều bậc phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo nhiều nơi để có được vắc xin dịch vụ tiêm cho con. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng được. Nhiều gia đình khá giả sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để đưa con “xuất ngoại” chích ngừa với tâm lí “Đắt xắt nên miếng”
Đưa con ra nước ngoài tiêm chủng kết hợp du lịch
Lo lắng cho sức khỏe của trẻ, nhiều bà mẹ hốt hoảng khi tới các trung tâm tiêm chủng trong nước thông báo “hết hàng, đang chờ hàng về”, nhiều người đã phải đôn đáo, đến từng ngày chờ đợi ở khắp các cơ sở y tế tại Hà Nội nhiều tháng nay nhưng vẫn không tìm ra nơi nào có văc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của Bỉ, ngừa sáu bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ do Hib) hoặc văcxin 5 trong 1 Pentaxim của Pháp ngừa năm bệnh (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib).
Chị Tina Nguyễn, một phụ huynh có con 10 tháng tuổi tại Q.Ba Đình, Hà Nội, cho biết, “Con mình giờ đã hơn 6 tháng. Khi con mình được 2 tháng, mình hỏi thuốc chích ngừa 6 trong 1 mà không có, bao ngày chồng mình chầu chực ở nơi tiêm chủng chờ vắc xin cho con mà không có. Hiện, cháu đã hơn 4 tháng chờ đợi rồi, ngày nào, tuần nào, tháng nào cũng hỏi mà đều nhận được câu trả lời “không biết khi nào có thuốc”!
Hiện nay, có rất nhiều gia đình có điều kiện chủ động đưa con ra nước ngoài để tiêm chủng như Thái Lan và Singapore… với mức giá gần chục triệu đồng/mũi với hi vọng “đắt xắt ra miếng”.
Chị Tố Như (Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ quá trình đi tiêm chủng cho con: “Con tôi sinh ra tại 1 bệnh viện lớn ở Hà Nội, mất nhiều tiền để sinh ở đây mà con tôi cũng chả có vắc xin 6 trong 1 để tiêm”.
Khi thấy trên mạng xã hôi truyền tay nhau thông tin những địa chỉ tiêm chủng uy tín ở các nước xung quanh, đặc biệt là Thái Lan và Singapore. Chị Như tức tốc tìm hiểu. Đặt lịch hẹn với bệnh viện xong, chị Như đặt ngay tour du lịch cùng chồng và con gái qua Singapore trong vòng 4 ngày. “Đi ngắm cảnh chỉ là phụ, mục đích chính là để tiêm ngừa cho con mà thôi”. Và cứ vậy trong vòng 3 tháng liên tục gia đình chị Như qua Singapore ba lần để hoàn thành lịch tiêm cho con. Chị Như cho biết phí cho tổng cộng ba lần tiêm ba mũi 6 trong 1 cho con ngốn hơn 50 triệu.
Còn chị N.Anh (Đống Đa, Hà Nội) đã rất vất vả tìm chỗ tiêm vắc xin trong nước cho con nhưng không đem lại hiệu quả. Chị quyết định đưa con mình qua Singapore để tiêm hồi tháng 9 và kết hợp với du lịch, chị này cho biết: “Lượng vắc xin 6 trong 1 ở đây còn rất nhiều, không có tình trạng khan hiếm như ở trong nước”, chị cũng cung cấp các địa chỉ mà tiêm chủng uy tín tại Singapore. Chị N..Anh cũng cho biết thêm, bạn bè chị nhiều bà mẹ chọn đi Thái tiêm chủng. Tuy chi phí rẻ hơn nhưng lượng Vắc xin ở Thái Lan cũng khan hiếm chẳng khác gì ở trong nước.
N.Anh chia sẻ, “Ba bệnh viện lớn bên Singapore mình chọn là Singapore General Hospital, Raffles và Mount E. Trong đó, General là bệnh viện công, giá thành rẻ nhất trong 3 viện mà chất lượng cực kỳ tốt nhưng đặt hẹn rất khó khăn và muốn thay đổi lịch cũng rất lâu. Raffles đặt hẹn không khó nhưng có hẹn rồi thì người đến vẫn phải chờ trung bình là 1 tiếng, rất bất tiện với các mẹ có con nhỏ. Mình cho bé tiêm ở Mount E thì rất nhanh, mình chỉ gọi điện đến hỏi xem có thuốc không và đặt hẹn. Thường mình sẽ đặt hẹn trước 2 tuần, nếu có thay đổi cũng rất dễ dàng, không khó khăn gì, mình thay đổi lịch liên tục mà các y tá vẫn rất nhiệt tình. Đến muộn cũng thoải mái, kể cả vào giờ nghỉ trưa”.
Một phụ huynh tại Hà Nội đưa con sang Singapore tiêm chủng so sánh giá tiêm văc xin không nhỉnh hơn nhiều so với giá tiêm văc xin tại các bệnh viện quốc tế ở Việt Nam, có loại khoảng 1-2 triệu đồng/mũi, có loại 3 triệu đồng/mũi.
Tuy nhiên, tổng chi phí một chuyến sang tận Singapore để tiêm văc xin sẽ tốn kém hơn nhiều. Anh Tuấn (Đào Tấn, Hà Nội) đã phải trả 240 SGD (tương đương 4 triệu đồng) cho một mũi tiêm ngừa gồm phí gặp bác sĩ 1 triệu đồng, phí tiêm mũi 6 trong 1 gần 3 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí khác. Lần gần đây nhất anh đưa con tới tiêm ở Singapore “tổng thiệt hại” khoảng 17 triệu đồng. Trong đó 4 triệu tiền tiêm, khám, 5 triệu phòng ngủ, ăn uống khoảng 3 triệu, vé máy bay 5 triệu hai bố con. Đồng tình với ý kiến của gia đình trên, chị N.Anh cũng cho rằng: “Tiền tiêm thuốc thì không đắt hơn so với trong nước. Nhưng chi phí đi lại, ăn ở mới là vấn đề, chi phí đội lên khá lớn”.
Thị trường Vắc xin thiếu nghiêm trọng
Vắc xin 6 trong 1 ngừa cùng lúc 6 dịch bệnh đã hết trên thị trường từ đầu năm 2015, đến đầu tháng 3 đã có trở lại, nhưng số lượng vô cùng ít, nhỏ giọt tới cuối năm nay, mỗi phòng khám, bệnh viện chỉ được phân phối vài chục liều.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y Tế lý giải, do nhà sản xuất thay đổi dây chuyền sản xuất, lô sản xuất vắc-xin bị hỏng, việc đặt vắc xin phải tuân thủ theo quy định, đặt từ trước… dẫn tới hiện tượng thiếu vắc-xin.
Cũng theo Cục Y Tế dự phòng , trước nguy cơ khan hiếm vắc-xin, ngay từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã có yêu cầu nhà sản xuất phải công bố số lượng vắc-xin có thể cung ứng được trong năm 2015 để thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân biết và nắm bắt thông tin.
Ở Việt Nam, mỗi năm có 1,6 triệu trẻ ra đời. Trong khi đó 2 loại văc xin dịch vụ là 6 trong 1 (Infanrix-Hexa) và 5 trong 1 (Pentaxim) nhập về năm 2014 chỉ có khoảng 400-500.000 liều. Năm ngoái theo thống kê của Bộ Y tế, số trẻ tiêm được một trong hai loại văc xin trên chỉ bằng 8% so với văxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Từ đầu năm 2015 đến nay, nhu cầu tiêm chủng của người dân tăng cao, đặc biệt là vắc xin dịch vụ. Trong đó, các loại bệnh có tỷ lệ tiêm chủng cao như sởi – quai bị – rubella; thủy đậu; tiêu chảy… Nhưng trên webside của Trung tâm dịch vụ khoa học kỹ thuật và y tế dự phòng – Hà Nội, cập nhật 23.10.2015 thì quá nửa loại vắc xin đang trong tình trạng hết. Không chỉ Hà Nội, tại các bệnh viện lớn nhỏ trong cả nước cũng đang trong tình trạng “khát” hàng.
PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur cho biết hiện nay “du lịch chữa bệnh” là một trào lưu trên thế giới, kể cả Việt Nam. Chích ngừa là một trong những dịch vụ y tế nên cũng không nằm ngoài trào lưu này. Tuy nhiên khi có ý định đưa trẻ sang nước ngoài tiêm phòng, người dân nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định chứ không thể có lời khuyên tối ưu chung cho mọi trường hợp. Các văc xin, công thức, lịch tiêm, đường tiêm trước khi được phép sử dụng tại Việt Nam đều được đánh giá trên người Việt Nam cho kết quả tốt. Vì vậy, vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đảm bảo được việc phòng bệnh cho trẻ.
Nguồn Tri Thức Trẻ