Viết về mẹ: Bốn mùa yêu thương của mẹ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức

Họ tên: Nguyễn Văn Công

Địa chỉ: Thường Tín, TP. Hà Nội

                                              ————————————

Mẹ không muốn tôi đi chút nào, mẹ muốn tôi được thỏa thích chơi đùa sau một năm học vất vả nhưng tôi vẫn quyết lên đường tìm kiếm thử thách mới…Tôi là sinh viên đại học năm đầu, tuổi đời còn trẻ và muốn khám phá, mùa hè tôi không chịu ngồi yên một chỗ và quyết định đi làm cho trưởng thành dần.

Mẹ sắm sửa đồ đạc cho tôi rất kỹ, nào thì balo, nào thì quần áo, kem đánh răng, khăn mặt và cả những cuốn sách tôi hay đọc nữa.. mẹ đều sửa soạn tươm tất hết…Bàn tay mẹ khô ráp, nhăn nheo cũng chỉ vì lo cho từ từ những việc nhỏ nhất.

Tôi học về Triết học và tôi muốn trải nghiệm vào một công việc khác những gì mình đã học cũng như thấu hiểu những gì thầy cô đã dạy trên lớp, cho dù cũng lường trước nó rất vất vả và khó nhọc đó là đi làm công nhân trên thành phố…và cho dù phải xa mẹ một thời gian, điều mà tôi thấy buồn cho lần đi đó nhất.

Còn nhớ mùa hè năm trước tôi đang cặm cụi vào sách vở để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay và năm nay thì tôi đã hoàn thành năm học đầu tiên. Mẹ bảo:

– Con đi làm cũng được không đi cũng được, nghỉ hè ở nhà với mẹ.

– Mẹ cứ để con đi, xong con về với mẹ ngay.

– Con đi làm sẽ khổ đấy con, nếu khổ thì về ngay với mẹ nhé.

– Mẹ yên tâm, con của mẹ kiên trì lắm, con sẽ nhớ mẹ nhiều.

Mẹ xoa đầu tôi nhẹ nhàng, điều mà 18 năm nay mẹ vẫn làm hàng ngày. Tôi yêu mẹ tôi lắm, mẹ đã hy sinh tất cả cho tôi. Tôi cũng muốn ở nhà phụ mẹ việc đồng áng, rồi tối đến hai mẹ con tâm sự với nhau, nhà tôi không có con gái mà. Nhưng cũng vì yêu mẹ nên con quyết đi lao động để cho mẹ thấy được con cũng đang dần trưởng thành rồi.

Mẹ chuẩn bị cho tôi đồ đạc rất kỹ càng, những lần trước khi lên để đi học tôi có thể chuẩn bị lấy nhưng lần này thì khác tôi sẽ đi làm tức là sẽ hòa mình vào một môi trường hoàn toàn mới. Không hào nhoáng, không quần áo đẹp, không chải chuốt tôi mang theo những bộ quần áo lao động, những bộ quần áo cộc để tiện đi lại là và làm việc cho tháng 7 nghỉ hè đại học đầu tiên của tôi.

Tạm biệt mẹ lên đường, tôi lên xe vẫy tay chào mẹ và thấy mẹ cứ nhìn theo xe đến khi khuất mới thôi, tôi biết mẹ lo cho tôi lắm nhưng tôi sẽ làm cho mẹ vui hơn nếu tôi trưởng thành sau mỗi mùa hè. Căn nhà nhỏ và mẹ dần khuất sau những dãy nhà cũng như lòng con thêm nhớ mẹ da diết. Nhà trống vắng, mình mẹ ở nhà sẽ rất buồn, quanh ra quanh vào với khu vườn trồng rau…nhưng con sẽ về ngay khi có thể.

Lên Hà Nội, tôi vẫn ở khu trọ đó nhưng vắng vẻ quá chỉ còn tôi với một cô gái nữa còn những bạn sinh viên khác đã về quê cả rồi. Tôi xin vào làm công nhân tại một công ty sản xuất gang thép, họ không biết tôi đang là sinh viên và có ý buộc tôi phải gắn bó lâu dài với công ty, tôi đành phải tỏ ra nhận lời với họ mặc dù biết là mình chỉ có thể làm trong tháng nghỉ hè duy nhất này thôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nói dối nhưng lời nói dối của tôi không gây hại tới ai nên tôi không thấy áy này.

Cuộc sống của công nhân mà trước đây tôi được biết đến qua sách vở thật khác so với hiện thực, lương chỉ có vỏn vẹn 2,5 triệu đồng, ngày làm 10 giờ đồng hồ và chỉ được nghỉ trưa 1 giờ; đồng thời nếu nghỉ trong tháng sẽ bị phạt 300 ngàn đồng một ngày. Cơ cực là vậy nhưng đã hứa với mẹ sẽ kiếm được tiền về mua quà cho mẹ làm tôi thêm động lực, tâm sự với mẹ nên tôi biết mẹ chỉ thích mua chổi lúa và các dụng cụ dọn dẹp, tôi quyết dành hết tiền để mua tặng mẹ những món quà đơn giản mà đầy ý nghĩa đó.

Những ngày sinh viên, gần 7 giờ tôi mới ngủ dậy và sửa soạn đến trường, nhưng ngày đầu tiên đi làm công nhân tôi đã đến trước 6 giờ để chuẩn bị cho công việc. Ngày đầu tiên đi làm tạo cho tôi cảm giác thật thích thú nhưng càng làm thì càng nhận ra nỗi vất vả và khó nhọc của người công nhân. Vừa làm tôi vừa để ý đồng hồ và đếm ngược từng phút để đến giờ nghỉ, công việc chỉ là một công đoạn trong chuỗi và gần như là chú robot suốt cả sáng, điều đó làm mắt tôi hoa lên, chân tay mỏi rụng rời. Điều này cũng dễ hiểu khi là sinh viên, chúng tôi học 45 phút là được nghỉ, ngồi trong lớp có thể nghe hoặc không nghe, ngủ hoặc giữ trật tự nhưng khi đã đi làm mà nhất là làm công nhân vận hành máy móc thì điều đó là không thể, không những thế phải hết sức tập trung nếu không sẽ bị bỏng do thép còn rất nóng.

Trưa đến, mẹ gọi tôi, khi thấy mẹ gọi tôi mừng khôn xiết, tôi biết mẹ rất lo cho tôi vì biết tôi chưa thể hòa nhập với môi trường mới. Nước mắt ngắn nước mắt dài trả lời mẹ, cuộc điện thoại của mẹ đã tiếp thêm cho tôi động lực để  hoàn thành “khóa huấn luyện mùa hè” mà tôi tự đặt ra. Tôi biết ở nhà mẹ cũng vất vả lắm, bố và anh trai tôi cũng đi làm xa, thật sự tôi cũng không nỡ xa mẹ nhưng tôi buộc phải làm thế để sau này tôi sẽ là chỗ dựa cho mẹ tôi lúc tuổi già. Chiều đến tôi tiếp tục làm như chú ong thợ cần mẫn.

Tất cả mọi tối mẹ đều gọi điện hỏi tình hình của tôi và có một câu mà ngày nào mẹ cũng dặn tôi mà tôi không thể quên được đó là: “Nếu con cảm thấy không muốn làm nữa thì về luôn với mẹ, không phải lấy lương đâu con nhé”.

Những giọt mồ hồ chảy ra không ngừng vì nóng, nóng vô cùng nhưng tôi vẫn cố chịu vì nó làm tôi yêu quý bố mẹ hơn, cảm thông và thống khổ với người công nhân hơn. Những gì học trên sách vở nhà trường có phần hào nhoáng, bóng bẩy nếu như không liên hệ với thực tế và tôi quyết sẽ đưa những gì mình thấy được trở lại với sách vở nhà trường.

Tôi trở về xóm trọ và gặp cô gái cùng xóm, cô bé ấy cũng là sinh viên năm nhất nhưng ở lại thành phố. Cô bé cũng đi làm như tôi nhưng cô còn có một nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả nữa đó là chăm mẹ ốm ở bệnh viện K, nghe cô bé kể chuyện mà tôi cứ nhớ về mẹ tôi, cầu mong cho bố, mẹ, anh trai và cả mẹ cô bé nữa luôn được bình an.

Trên thành phố cái gì cũng phải mua bằng tiền, nếu chỉ vẻn vẹn có 3 triệu tiền lương một tháng thì thật là một bài toán khó cho chi tiêu của người công nhân. Nếu nhận được đủ tiền lương thì cũng đã là tốt rồi vì theo những anh công nhân làm cùng tôi các anh còn kể công ty còn hay nợ lương, bảo hiểm y tế thì không đóng cho công nhân rồi công đoàn bị ban giám đốc chi phối và nguy hiểm hơn không may bị tai nạn lao động cũng chỉ nhận được một số tiền nhỏ bồi thường từ công ty, dù sao thì người công nhân vẫn là khổ nhất và chịu nhiều áp bức nhất.

Kiếm được đồng tiền khó nhọc mới thấm thía công lao của mẹ cha, nhớ lại những lúc ung dung tiêu tiền thậm chí là cho tiền người khác mới thấy mình đã có lỗi với cha mẹ như thế nào.

Tôi gắng gượng được gần một tháng thì nhận được tin sét đánh, mẹ tôi đi làm đồng không may bước hụt xuống cống và giẫm phải vỏ ốc bươu vàng ,rồi bị nhiễm trùng uốn ván làm bại mất ngón chân cái. Tôi xin nghỉ ngay lập tức và nhận được vỏn vẹn 1,5 triệu và ra bến xe để về với mẹ, trên đường về tôi đứng ngồi không yên, mắt mọng nước và chỉ muốn tuôn trào từng giọt. Nhà vắng bóng cha và anh, mình mẹ côi cút trước hiên nhà bên cạnh cốc thuốc giảm đau panadol, ruồi muỗi bay quanh ngón chân tím đen của mẹ, điều đó như xé lòng tôi ra từng khúc…

Khi thấy mẹ ngồi ở cồng và ngóng tôi, tôi chạy lại ôm lấy mẹ và khóc, khóc như một đứa trẻ tội nghiệp. Tôi thấy ngón chân cái của mẹ không động đậy được nữa không khác gì tim tôi ngừng đập nhưng mẹ vẫn cười và ôm tôi vào lòng và nói:

– Con biết mẹ nhớ con nhiều lắm không?

– Con xin lỗi mẹ! Con cũng nhớ mẹ lắm. Con đã về bên mẹ rồi mẹ ơi!

– Con về là mẹ mừng lắm rồi, mẹ biết con đã trưởng thành nhiều.

– Mẹ có thể đi lại như trước được không mẹ?

– Con yên tâm ,mẹ vẫn có thể đưa con đi tới bất kỳ đâu con muốn.

Tôi chỉ biết khóc và xoa ngón chân cái của mẹ, đuổi lũ ruồi khốn kiếp cứ bay quanh chỗ chân mẹ bị thương, nếu tôi ở nhà ra đồng cho mẹ có lẽ đã không thế này…hoặc ít ra thì sẽ đưa mẹ đi tiêm phòng uốn ván ngay lập tức nhưng điều tồi tệ đó lại đến.

Một tháng 7 đó đã giúp tôi nhận ra rất nhiều điều, tôi đã làm anh công nhân hiền lành chất phác và cũng hiểu thêm phần nào về nghề cao quý này, tôi đã hiểu rằng mẹ yêu tôi nhiều đến nhường nào, dù có đi đến chân trời góc bể nào, dù sau này có lập gia đình riêng thì mẹ vẫn là mẹ của con, con vẫn là con yêu của mẹ, mẹ vẫn là người yêu thương con nhất.

Mùa hè năm đó thật là “rực lửa” cả bên ngoài và trong lòng tôi, tôi đã thấy cái nóng đến cháy da cháy thịt của nghề công nhân làm thép và phần nào cũng thấu hiểu được cái nghề cao quý của các anh. Còn trong lòng tôi, lửa cũng cháy rực, chỉ trong gần một tháng ngắn ngủi mà tôi phải cố kìm nén nỗi nhớ mẹ và nó đã bùng cháy khi tôi về với mẹ. Ngọn lửa đó mãnh liệt vô bờ bến, xua tan đi mọi lạnh giá để con hiểu được con yêu mẹ đến nhường nào. Mùa hè yêu thương, mùa trải nghiệm, mùa nhân ái đều là mùa yêu thương của mẹ dành cho con. Con yêu mẹ nhiều lắm mẹ ạ.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN