Nhân kỷ niệm ngày Doanh Nhân Việt Nam 13/10, Phụ Nữ Ngày Nay đã có cuộc trao đổi với luật sư Duy Đức Võ – hiện đang là Trưởng điều hành của Cty Santa Lawyers tại Việt Nam về những vấn đề liên quan đến đầu tư và hoạt động doanh nghiệp tại Việt Nam.
Được biết ông là luật sư nội bộ cho nhiều công ty đa quốc gia kinh doanh tại Việt Nam, Hoa Kỳ và hiện đang đảm nhiệm cả công tác quản lý của công ty luật Santa Lawyers. Anh có nhận xét gì về môi trường đầu tư và tiềm năng phát triển kinh tế tại Việt Nam, đặc biệt là tại những trung tâm kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…? Có những thuận lợi và khó khăn gì?
Trong nhận biết của tôi, môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và tại các thành phố lớn vẫn có những ổn định nhất định , đó là về mặt thể chế chính trị, sự kiên định của Chính phủ và những giải pháp bảo vệ nhà đầu tư trong những tình hình có thể xấu đi, làm ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của khối FDI.
Về thuận lợi và khó khăn, theo tôi ở quốc gia nào khi đầu tư, nhà đầu tư đều đã hiểu và nắm rõ những quy trình đầu tư vào quốc gia đó, chấp nhận những rủi ro có thể có. Quan trọng và cốt lõi nhất là nhà đầu tư nào cũng muốn có sự bền vững và ổn định lâu dài.
Vai trò của luật sư được đánh giá rất cao trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu về luật và quy định về đầu tư. Anh nhìn nhận về vấn đề này như thế nào? Đặc biệt trong thời gian qua, Việt Nam đã mất điểm trong mắt nhà đầu tư khi xảy ra hàng loạt vụ biểu tình, đập phá các công ty có vốn FDI tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh…?
Là luật sư tư vấn các thương vụ và thường trực tiếp trò chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài, tôi và các đồng sự luôn hiểu rõ những băn khoăn, quan ngại của họ khi quyết định đầu tư vào Việt Nam. Và như trên tôi có nói, Việt Nam vẫn là một quốc gia ổn định về mặt thể chế so với các nước khác trong khu vực, và nếu làm tốt hơn nữa trong các thủ tục hành chính thì tôi tin khối FDI này vẫn ở lại Việt Nam.
Tại các diễn đàn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài thường nêu quan ngại về một số khó khăn về môi trường đầu tư ở Việt Nam như tìm kiếm lao động tay nghề cao, hay thực thi luật pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Anh đánh giá thế nào về những quan ngại này?
Quả thực tôi nhận thấy các nhân sự cao cấp hay kỹ thuật lao động có tay nghề cao, hiện nay thị trường Việt Nam rất còn khan hiếm. Tôi luôn tự hỏi phải chăng môi trường đào tạo tại Việt Nam đã không thể sản sinh thêm những lớp kế thừa hay họ bỏ đi và đầu quân ở các quốc gia cho họ nhiều lợi ích hơn?
Về sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần phải thay đổi nhiều hơn, nghiêm minh trong việc hành pháp và thực thi theo pháp luật Việt Nam, cũng như các Công ước quốc tế đã ký.
Các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng quan ngại về một sân chơi bình đẳng ở Việt Nam. Anh đánh giá thế nào về quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, nhằm tạo một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam?
Trong quan điiểm của tôi và tôi nghĩ nhiều người cũng đồng thuận với điều này, Việt Nam có một thể chế rất tốt, một hệ thống pháp luật được xây dựng rất nhiều, nhưng tiếc rằng quyền hành pháp không được tôn trọng và rõ ràng. Các DNNN nên nhanh chóng cổ phần hóa và anh nào không làm được thì chấp nhận thua cuộc, Nhà nước chỉ nắm quyền quản lý mà thôi.
Anh có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng tối đa lợi thế mở cửa và khắc phục những hạn chế về năng lực của mình?
Không phải tôi hành nghề luật mà tôi luôn khuyên các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam nên theo một tư duy chung là xây dựng một đội ngũ nhân sự thật mạnh, đủ đáp ứng các kỹ năng chuyên nghiệp và thông thạo ngoại ngữ, nắm rõ các luật chơi và thông lệ quốc tế. Nhưng đây là điều kiện cần và các luật sư am tường điều này sẽ giúp họ.
Vậy còn đối với vai trò quản lý của công ty luật, anh và các cộng sự của mình đã làm gì để gây dựng uy tín và thương hiệu cho công ty? Có khó không để quản lý và phối hợp với các đồng nghiệp trong đó có cả những luật sư giỏi của nước ngoài trong mục tiêu chung?
Hành nghề luật là một con đường rất dài, trải qua nhiều tháng năm. Ông bà xưa thường nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”, nếu tôi và các cộng sự luôn làm tốt, thì ắt rằng thương hiệu, uy tín sẽ luôn tăng cao và được mọi người tin yêu, từ đó chúng tôi sẽ luôn cố gắng để xứng đáng với niềm tin yêu này.
Rất là ngạc nhiên khi một luật sư và một nhà quản lý như anh lại cũng có một tâm hồn lãng mạn và thích phiêu lưu. Tất cả được thể hiện trong cuốn sách mới của anh “Gió thoảng mây bay”. Vậy thì khi đặt bút viết, lúc ấy anh là ai? Viết văn để nổi tiếng thì cũng không phải ai cũng làm được.
Như tôi thường nói vui với bạn bè: ai đi nhậu thì đi, chứ tôi chỉ thi thoảng ngồi uống rượu với các bằng hữu để khuây khỏa và hầu hết thời gian rỗi nếu có tôi buông mình vào những dòng chữ. Quyển bút ký này là tôi ghi lại những cung bậc thấu cảm trong những năm qua và tôi chia sẻ đến với bà con. Tôi viết chỉ để trải lòng, chứ không mong để thành người nổi tiếng.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Luật sư Duy Đức Võ – Thuộc Santa Lawyers Company.
Hành nghề trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đầu tư trong và ngoài nước, tư vấn thị trường hối phiếu và cảnh ngoại, nhưng luật sư Duy Đức Võ luôn trăn trở, ưu tư và trách nhiệm với cộng đồng. Đó cũng là lý do anh mong muốn chia sẻ những câu chuyện thực tế, những kiến thức pháp luật trong chuyên mục này. Quý độc giả có thể liên lạc trực tiếp với luật sư khi cần tham vấn qua email: dannyduy@santa-lawyers.com
Phụ Nữ Ngày Nay