Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 776_VVM
Họ tên: Hồ Thị Thu Yến
Địa chỉ: 26/4 Phan văn Trị, Phường 12, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
—————————————-
Mẹ tôi sinh ra trên mảnh đất anh hùng huyện Thăng Bình – Quảng Nam, có lẽ vì vậy nên sự mạnh mẽ, kiên cường đã ăn sâu vào máu thịt mẹ. Bà ngoại mất khi mẹ mới ba tuổi. Ở độ tuổi mà một đứa trẻ cần tình yêu thương từ ba mẹ để phát triển nhân cách thì mẹ tôi lại khiếm khuyết đi một nửa. Lúc mẹ năm tuổi, ông ngoại đi thêm bước nữa với mong muốn mẹ tôi có người chăm lo sẽ đỡ vất vả. Nhưng ông bà ta có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng” thật chẳng sai tí nào. Từ ngày bà ngoại hai về sống chung, mẹ tôi đã khổ lại càng khổ hơn, tình cảm người cha bị san sẻ bớt mà còn gánh thêm sự khắc nghiệt của bà ngoại hai. Hằng ngày, mẹ phải làm nhiều việc trong nhà: từ xách nước, nấu cơm, giặt quần áo, làm đồng, những việc này không phải là công việc nặng nhọc của người lớn nhưng lại quá sức đối với trẻ con năm tuổi là mẹ tôi khi ấy. Thật sự không quá khi nói rằng cuộc đời mẹ tôi khổ từ khi lọt lòng. Ngoài kia, bạn bè cùng trang lứa được ba mẹ chăm lo từng li từng tí, được vui chơi nô đùa bên bạn bè trong xóm, thì mẹ tôi quần quật làm việc từ sáng đến tối. Chỉ hôm nào bà ngoại hai đi vắng thì mẹ mới được nghỉ xả hơi bởi ông ngoại sẽ cho mẹ đi chơi và làm thay mẹ. Mười hai tuổi, mẹ phải đi “ở đợ” (tiếng địa phương của người miền Trung, để chỉ ngừơi giúp việc nhà cho người khác) cho gia đình giàu có đầu thôn để kiếm miếng cơm manh áo, vì nhà ngoại khi ấy cũng nghèo, mẹ lại thương các em – mẹ tôi còn một em trai cùng cha cùng mẹ và hai em cùng cha khác mẹ, nên mẹ luôn dành phần cơm trắng cho các em. Mẹ thì ăn cơm trộn với khoai sắn, mà khoai là nhiều, cơm chỉ dính vài hạt, hay có lúc ăn bắp thay cơm vì đã ngấy khoai sắn. Hồi đó, mẹ tôi chỉ mong đến ngày giỗ, tết để được ăn cơm trắng, với vài lát chả đổ từ trứng vịt hay để được vui đùa cùng đám bạn. Năm mẹ mười bảy tuổi, mẹ thôi không ở với người ta nữa, mà xin làm công nhân cho công trình thủy điện cách nhà ngoại ba mươi cây số. Mẹ quyết tâm đi làm xa vì ở nhà thì biết lấy gì ăn, lại phải chịu sự chì chiết của bà ngoại hai rằng: “Con gái lớn trong nhà không đỡ đần bố mẹ, mà chỉ biết ăn bám”. Thế là với số tiền ít ỏi dành dụm được từ những ngày mẹ giúp việc cho gia đình khá giả kia, mẹ một mình lặn lội vào thành phố Tam Kỳ – Quảng Nam làm việc. Những ngày mẹ ở tập thể với nhiều chị em khác ở nhà máy thủy điện Phú Ninh, khi ăn cơm mọi người ăn rất nhanh, còn mẹ thì ăn chậm nên lúc nào cũng đói. Cuối tuần được nghỉ, ai nấy đều về quê vì có mẹ ở nhà, chỉ mình mẹ tôi ở lại bởi đâu còn mẹ để về, mà bà ngoại hai nào có chào đón mẹ, nào có ai để mẹ ngã đầu vào vai, có ai để mẹ tâm sự bao chuyện con gái tuổi mới lớn. Rồi mỗi lần về quê, bạn bè của mẹ tôi được mẹ làm cho khoai chà – một loại thức ăn chế biến từ khoai lang nấu chín và bánh kẹo, trái cây để ăn khuya, còn nếu không về thì cũng sẽ được mẹ gởi lên, còn mẹ tôi thì chẳng có ai gởi gì cả. Mẹ nói: “Ngày đó, mẹ tủi thân lắm, tối nào cũng trùm mềm khóc. Mẹ không buồn vì làm việc vất vả, vì ăn uống thiếu thốn, mẹ buồn bởi không còn mẹ. Nhiều lúc mẹ muốn được nũng nịu, được nhõng nhẽo với bà ngoại, nhưng mà không thể”. Mẹ còn bảo tôi: “Dù cuộc sống có khổ cực nhưng có mẹ vẫn là sướng nhất trên đời nghe con”.
Mẹ tôi đã trải qua tuổi thơ không trọn vẹn tình cảm của người thân nên mẹ tôi hiểu rằng: Khoảng trống về vật chất có thể lấp đầy nhưng khoảng trống về tâm hồn thì khó bao giờ khỏa lấp đủ”. Bởi thế ngày hôm nay, khi đã là mẹ của ba đứa con và dù gia đình khó khăn nhưng mẹ chưa một lần để chúng tôi cảm thấy thiếu hụt tình mẫu tử. Mẹ bù đắp cho chị em tôi sự thiếu thốn về vật chất bằng tình yêu thương vô bờ bến. Phải chăng mẹ nghĩ: “Cuộc sống nghèo khó, các con mình không được đầy đủ như người ta, lỗi ấy tại mẹ”. Không đâu mẹ ơi, con chưa bao giờ buồn khi sinh ra trong nghèo khổ. Mẹ cho con hình hài, cho con sống động trên đất, món nợ yêu thương ấy suốt đời con không trả hết. Con có được sự bản lĩnh giữa thành phố đầy cám dỗ này chẳng phải từ mẹ sao. Không phải mẹ đã dạy con bài học tự lập khi sống một mình giữa thành phố xa lạ này ư. Con can đảm rời vòng tay gia đình đi xa hơn hai ngàn cây số để làm việc, điều này con cũng học được từ mẹ mà. Là mẹ, mẹ đã giúp con có niềm tin, sự mạnh mẽ để vượt qua mọi thử thách của cuộc đời. Là mẹ, mẹ luôn bên cạnh, nâng đỡ con khi con va vấp, mệt mỏi hay ngã lòng giữa một thế gian “gian như thế”. Là mẹ, mẹ cho con động lực để làm nhiều điều mà con nghĩ là con không thể. Là mẹ, nhờ có mẹ nên cuộc sống của con được có ý nghĩa. Vì thế, mẹ đừng tự trách bản thân nữa nhé. Dù mẹ không giàu, không xinh đẹp, không giỏi giang, nhưng những bài học mẹ dạy con là những điều mà không có trường đại học nào dạy con đâu mẹ à. Dù mẹ có la mắng hay thậm chí đánh đòn thì mẹ vẫn là mẹ của con, vẫn luôn mong điều tốt nhất cho con. Cho nên, con luôn trân trọng mẹ, yêu quý mẹ, báo hiếu mẹ, để sau này không phải ăn năn, dằn vặt khi đọc hai câu thơ: “Ví biết mẹ già sao mất sớm, con tìm danh vọng để làm chi”. Và giờ đây, con – một đứa con hai mươi lăm tuổi, con muốn hét lên thật to để mọi người đều biết rằng: Mẹ là điều duy nhất con tự hào khi nghĩ về, về niềm hạnh phúc của đời con khi có mẹ, còn mẹ, về câu chuyện mang tên mẹ.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!