Những mặt hàng “cây nhà lá vườn” có cơ hội vào thẳng các kênh bán hàng lớn. Tuy nhiên, các nhà nông cần học hỏi nhiều trong xây dựng thương hiệu.
Khô cá, nước mắm, bún, hạt điều, bưởi… những mặt hàng “cây nhà lá vườn” có nhiều cơ hội vào thẳng các kênh bán hàng lớn như Aeon, Lotte, Co.opmart, Satra… và ra thế giới. Tuy nhiên, các nhà nông vẫn cần học hỏi nhiều trong xây dựng thương hiệu và cách thức giao dịch hiện đại.
Nhà nông bắt tay siêu thị
Sáng 29/9, ông Đoàn Văn Khanh, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Long Thuận (H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đến hội nghị “Kết nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở công nghiệp nông thôn với hệ thống phân phối khu vực phía Nam năm 2015” do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM để ký kết đưa hàng vào siêu thị Tứ Sơn (tỉnh An Giang).
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các chế phẩm làm đẹp từ trái bưởi như tinh dầu hoa bưởi trị tóc, nước ép bưởi, kem làm trắng da… ông Khanh chia sẻ, sản phẩm của Long Thuận bán tại An Giang lâu nay, nhưng khi ký với siêu thị Tứ Sơn, hàng hóa của ông sẽ sang được thị trường Campuchia do khách hàng Campuchia đến Tứ Sơn mua sắm khá nhiều…
Trong những lần tham gia kết nối trước, Long Thuận đã đưa được sản phẩm của mình vào không chỉ hệ thống siêu thị trong nước như Co.opmart, Satra mà còn lên kệ của siêu thị Aeon, thuộc sở hữu của người Nhật.
Dù mỗi tháng, doanh số hàng vào Aeon chỉ được vài chục triệu đồng, nhưng nhiều khách người Nhật đã tìm đến tận cơ sở mua hàng mang về nước. Không những vậy, những chế phẩm từ cây bưởi của doanh nghiệp này nhờ đó cũng bắt đầu xuất được đi Canada, Mỹ…
Ông Khanh nói, nếu chỉ tự làm ra và bán như bán “đồ quê” thì sản phẩm của ông mãi mãi là hàng địa phương. Chỉ khi qua những kênh bán hàng hiện đại, được người nước ngoài ưa chuộng thì mới có thương hiệu trên thế giới.
Tương tự, ông Đỗ Công Bình, Giám đốc Công ty Tứ Quý Đồng Tháp, đơn vị chuyên về các sản phẩm khô cá đặc sản địa phương cho biết, lâu nay đầu ra sản phẩm của ông không ổn định.
Tứ Quý là một trong những đầu mối tiêu thụ cá nguyên liệu từ nông dân, sản lượng các loại cá này liên tục tăng do nông dân các tỉnh miền Tây đẩy mạnh nuôi trồng.
Với việc ký kết bán được những mặt hàng như khô cá lóc, cá sặc rằn vào hệ thống siêu thị Saigon Co.op, ông Bình coi đó là thành công bước đầu, vì những đặc sản địa phương của ông có cơ hội xuất hiện trên thị trường cả nước.
Có tới 45 hợp đồng ký kết giữa các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn với các hệ thống phân phối lớn tại TP.HCM như: Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) với Công ty TNHH MTV mắm Bà Giáo Khỏe 55555, cơ sở sản xuất bún – bánh phở Ba Khánh, DNTN chế biến thực phẩm Hồng Hương, HTX bưởi 5 roi Mỹ Hòa, HTX TMDV Hoàn Thiện, HTX Quyết Thắng, Tổ hợp tác Lương Phú.
Liên Hiệp HTX TM TP.HCM (Saigon Co.op) ký với cơ sở đường thốt nốt Lan Nhi, Công ty CP Tứ Quý Đồng Tháp, Công ty TNHH Phước Thành… Chỉ là những văn bản, hợp đồng ghi nhớ, chưa có số lượng hàng hóa tiêu thụ cụ thể, nhưng với nhiều doanh nghiệp đây chính là cơ hội để sản phẩm của người nông dân ra thị trường lớn.
“Cây nhà lá vườn” nhưng chuyên nghiệp
Ông Kim Tee Ho, Giám đốc thương mại Công ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam chia sẻ, nhiều sản phẩm địa phương của Việt Nam được khách hàng của Lotte tại Hàn Quốc và các nước châu Á ưa chuộng.
Tuy nhiên, dù là sản phẩm ngon, lạ, nhưng lại không được tư vấn về cách làm thương hiệu, những điều tối thiểu như bao bì, nhãn mác chưa được chú trọng…
Nguồn Phụ Nữ Online