Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 697_VVM
Họ tên: Lê Trang
Địa chỉ: Huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình
——————————————-
Tôi không hay nói với mẹ về ngày sinh nhật của mình. Mỗi khi nghe tôi nhắc đến ngày ấy, mẹ chỉ lắp bắp, áy náy “à… ờ… Mẹ quên mất”. Tôi không trách mẹ bởi mẹ còn biết bao nỗi lo cho gia đình và biết bao mối bận tâm ngoài xã hội. Mắt mẹ thoáng buồn mỗi khi nghe tôi vô tình nhắc đến ngày mình được sinh ra. Ngày tôi ra đời cũng là ngày mẹ sợ nhất. Mẹ bảo trước ngày tôi chào đời một tuần người mẹ bị phù hết, sau khi tôi sinh ra khỏe mạnh, mẹ bị mất máu trầm trọng, da vàng ậc. Cho tới giờ bố thi thoảng vẫn nói đùa: “Hồi đấy, mẹ mày tưởng chết”. Ngày ấy bá tôi ở cách xa hàng ngàn ki lô mét suốt ngày hỏi thăm hai mẹ con, lo cho mẹ, lo cho tôi. Bá gửi thuốc thang rồi đủ mọi thứ về cho mẹ tôi uống. Đôi khi ngồi hai mẹ con, mẹ tôi lại nói “May mà có bá”.
Tôi nhớ ngày còn nhỏ mỗi khi nghe ai đó hỏi “trong gia đình cháu quý ai nhất”, tôi chẳng cần suy nghĩ mà nói luôn “cháu quý bố nhất”. Dù khi ấy mẹ tôi ngồi ngay cạnh, bố đã ra ngoài nhưng tôi không nhìn ra nét buồn đằng sau đôi mắt ẩn sâu dưới nụ cười gượng gạo trên khuôn mắt đã thi thoảng xuất hiện những nếp nhăn của mẹ. Tôi khi ấy chưa đủ lớn để hiểu rằng vì bố tôi quá hiền, luôn chiều chuộng tôi mà mẹ bất đắc dĩ phải vào vai ác. Tôi nhớ rằng mình đã ghét mẹ thế nào khi mẹ bắt tôi rửa đi, rửa lại những chiếc bát; quét đi, quét lại cái nhà trong những ngày đầu tôi tập làm mấy công việc ấy. Tôi không nhớ nổi mình đã cãi lại mẹ bao nhiêu lần khi nghe mẹ uốn nắn tôi về việc ăn uống, nói năng lễ phép, cách đi đứng ngày còn nhỏ. Tôi cũng chẳng nhớ mình đã tốn bao nhiêu nước mắt vì cứ nghĩ bản thân bị oan, vì cứ nghĩ rằng chắc tôi không phải là con đẻ của mẹ nên mới bị đối xử như thế. Còn mẹ, cứ để mặc cho tôi ghét mẹ.
Có lẽ tôi sẽ mãi ghét mẹ nếu không có một ngày…
Tôi nhớ cái cái ngày bố đưa tôi đi thi đại học, khi nhìn bát cơm được người phục vụ bưng ra, nước mắt tôi đã tràn ra ngoài. Những hạt cơm to như hạt ngô, rời rồng rộc. Tôi ăn mà cổ họng cứ nghẹn lại. Lúc ấy tôi nhớ cơm mẹ nấu kinh khủng. Tôi nhớ những ngày trời rét buốt, những buổi sáng trời mưa gió, mẹ vẫn dậy từ sớm để chuẩn bị cơm cho tôi ăn vậy mà có nhiều khi tôi vẫn mặt nặng mày nhẹ bỏ dở bát cơm vô tâm không để ý rằng mẹ đã rất buồn.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn hay được mọi người khen ngoan, khen tôi suy nghĩ chín chắn. Mấy vị phụ huynh có con nhỏ còn lấy tôi là tấm gương cho những đứa con họ noi theo. Nhiều khi tôi thấy ngại. Thi thoảng họ vẫn khen tôi nhưng họ không biết rằng tôi trưởng thành như ngày hôm nay mẹ tôi đã vất vả như thế nào.
Tôi là người không thích giữ tình cảm trong lòng bởi tôi hiểu “yêu thương là không chờ đợi”. Tôi có thể nói yêu bà cả ngày, nói thương bố thường xuyên nhưng tôi luôn cảm thấy ngượng ngùng khi nói với mẹ: “Con yêu mẹ”. Nhiều khi tôi tự hỏi có phải ngày nhỏ tôi gây ra nhiều lỗi lầm nên khi lớn lời yêu thương mới khó nói ra như thế? Và tôi thấy mắt tôi ướt mỗi khi suy nghĩ ấy đến trong đầu.
Những ngày này có quá nhiều chuyện xảy đến với tôi, ra trường chưa tìm được việc thích hợp, căng thẳng vì chuyện tình cảm chẳng ra sao, buồn bực vì những mối quan hệ không đầu không cuối. May mà còn có mẹ, may mà mẹ không tạo áp lực gì cho tôi. Mẹ vẫn ở bên tôi như những ngày xưa, vẫn nhẹ nhàng khuyên bảo, động viên giúp tâm trạng tôi tốt hơn.
Đã có lần tôi tự hỏi chân mẹ đau, mắt mẹ mờ, da nhăn nheo, tóc bạc nhiều là vì sao? Vì ai? Chẳng phải vì anh em chúng tôi sao. Mẹ ngày càng già đi nhưng tình yêu mẹ dành cho tôi chẳng bao giờ thuyên giảm. Nhiều lúc tôi ngồi cạnh mẹ, tôi nói: “Mẹ à, mẹ khổ quá rồi”. Mẹ bảo: “Khổ gì, vậy là mẹ đã may mắn hơn rất nhiều người phụ nữ trong cuộc đời này rồi”. Mẹ luôn thế, ở mẹ tôi học được tính kiên cường, chịu đựng và đức hi sinh. Mà hình như người mẹ nào trên đời này cũng thế thì phải?
Hôm nay như mọi lần tôi vẫn cầm chiếc điện thoại muốn gọi chúc mừng mẹ nhân ngày Phụ Nữ Việt Nam nhưng cứ thấy gượng gạo sao ấy. Tôi thấy tim mình đập nhanh, chân tay toát mồ hôi. Rồi như có một động lực nào đó tôi nhấn nút gọi, lấy hết can đảm cuối cuộc điện thoại tôi nói to: “Mẹ ơi… Con yêu mẹ”. Ở đầu dây bên kia tôi nghe thấy tiếng mẹ cười “khanh khách”, tiếng cười thoải mái, tự nhiên của mẹ mà lâu rồi tôi mới được nghe. À thực ra thì gọi xong cuộc điện thoại ấy, nói với mẹ mình câu nói ấy thật chẳng khó khăn như tôi nghĩ hoặc có lẽ tại tôi đã trưởng thành rồi. Một cuộc điện thoại thôi mà tôi thấy tâm trạng mình phấn chấn hẳn lên như vừa được tặng phần thưởng ấy. Vậy nên nếu bạn cũng đang nghĩ đến mẹ của mình mà không thể ở bên mẹ thì hãy cầm điện thoại lên và gọi cho mẹ đi nhé. Bất cứ người mẹ nào cũng yêu con và luôn muốn ở bên con của mình mà. Yêu thương là không chờ đợi và bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng nhất trên đời này!
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!