Viết về mẹ: Tuổi thơ của mẹ

Mã số: 665_VVM

Họ tên: Nguyễn Thị Ngọc Hồng

Địa chỉ: Thống Nhất, Đồng Nai 

————————————————

Đã đi qua một thời gian khó

Có bao giờ mẹ kể con nghe

Sinh ra trên mảnh đất miền Trung đầy nắng, đầy gió, mẹ như được tôi luyện qua những khó khăn, túng thiếu. Cuộc đời mẹ như bằng chứng sống về nghị lực và niềm tin cho mỗi đứa con.

Mẹ mồ côi ông ngoại từ khi tóc còn để chỏm, nhà đã mất đi trụ cột trong gia đình, mất đi hơi ấm của người đàn ông. Mẹ là chị cả, vừa phải chăm lo cho đàn em vừa là chỗ dựa cho bà ngoại những lúc lòng chênh chao…

Con nghe bà ngoại kể về tuổi thơ của mẹ sao mà xót xa đến thế. Ngày ấy, nhà ngoại nghèo lắm, nghèo tới mức bát cơm độn khoai, độn sắn cũng trở nên hiếm hoi, mâm cơm chỉ toàn thấy rau xanh. Cái thời của mẹ, ánh điện vẫn chưa về tới làng, nên chủ yếu vẫn thắp sáng bằng chiếc đèn dầu làm bằng hạt bưởi. Bà kể, tới mùa bưởi, cả bốn chị em đi gom hạt bưởi từ đầu xóm đến cuối xóm, phơi khô và để dành làm đèn. Bà bảo, đèn thắp sáng cứ nổ lách tách vui tai lắm… Cái thời khốn khó ấy, đến con chữ cũng mặn mòi, mẹ phải nghỉ học giữa chừng để nhường cho em út đi học, để về phụ ngoại. Là chị cả nên mẹ chịu đủ mọi thiệt thòi, chuyện ăn “bát cơm trắng cũng để dành cho em trước, áo quần mới cũng dành cho em, mẹ chỉ mặc lại những thứ đã cũ nát, bạc màu…” còn công việc thì luôn ngược lại. Nhưng mẹ vẫn vui vẻ nhận lời, chấp nhận mà chưa một lần kêu ca, than trách hay phàn nàn.

665 - Nguyễn Thị Ngọc Hồng
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hồng và mẹ

Bà ngoại kể, ngày cậu đầu lên đường nhập ngũ là vào một ngày trời mưa dầm dễ mùa lũ, nước ngập trắng đồng, mẹ lội bì bõm giữa ruộng đi kéo cá, bắt được con cá chép to lắm về nấu cháo cho cậu ăn trước ngày lên đường. Cậu thương nên nhường cho mẹ, nhưng mẹ vẫn cứ một mực từ chối, có ai ngờ được rằng đó là bữa cơm cuối cùng mà mẹ được ngồi cùng mâm với cậu. Rồi cái ngày nghe tin cậu hi sinh, mẹ như chết lặng lòng mình, nỗi đau mất cha chưa lành lại thêm nỗi đau mất anh. Đau thương chồng chất, nhưng không làm cho mẹ gục ngã mà trở nên dạn dày hơn, bản lĩnh hơn bởi mẹ không thể khuỵu ngã khi mà ngoại cứ ngất lên ngất xuống. Ngoại bảo ngày đó không có mẹ chắc ngoại không còn sống nổi nữa. Mẹ cũng trở nên ít khóc, ít cười hơn từ đó. Ngoại nói cuộc đời đã lấy đi của mẹ quá nhiều nước mắt rồi. Nghe ngoại nói mà lòng con nhói đau, mẹ ơi…

Nhà ngoại trở nên đơn chiếc, sau khi cậu đầu hi sinh, mẹ trở thành trụ cột xốc vác gia đình. Ngày thường đi hái măng về luộc rồi mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo cho cả nhà, lo tiền đóng học cho các em. Vào những ngày mưa trắng xóa trời, cái rét như cứa sâu vào từng thớ thịt, vậy mà mẹ vẫn cần mẫn bóc măng về làm hàng đi bán. Có lần, ngoại kể, mẹ đi măng mà hai ngày không thấy về, mà người làng lại kháo nhau có người đi rừng mà bị nước lũ cuốn trôi, lòng ngoại như thiêu như đốt: “Có lẽ nào…” rồi ngoại chẳng dám nghĩ tiếp. Rồi hai ngày sau, mẹ trở về với bàn chân bầm tím, ứa máu vì chạy lũ và mắc kẹt vào vách đá. Ngoại sợ không cho mẹ đi rừng nữa.

Mẹ lại đổi nghề sang buôn gạo, mẹ đi mua gạo ở chợ huyện rồi về chợ làng bán lại kiếm mấy đồng cắc lo cho hai đứa em. Năm tháng trôi đi, hai đứa em cũng lớn dần và biết phụ chị, thương chị hơn. Mẹ trở thành thiếu nữ với khuôn mặt già hơn so với tuổi với những lo toan quá sức mà đôi vai oằn lên những gánh nặng cuộc đời.

Con biết về tuổi thơ của mẹ qua lời ngoại kể, thế mà mẹ chưa một lần mẹ kể về những tháng ngày gian khó ấy. Bạn bè vẫn hay phàn nàn rằng bố mẹ hay so sánh cái kiểu “thời chúng mày sung sướng, còn thời bọn tao cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc”. Còn mẹ, con chưa khi nào nghe mẹ thốt ra câu: “Thời của mẹ…”

Mẹ ơi, con vẫn ích kỉ cho mình cái quyền được nhận yêu thương vô điều kiện của mẹ mà chưa một lần suy xét, chưa một lần con được trọn vẹn được mẹ kể về tuổi thơ. Có lẽ, thời của chúng con có đầy đủ hơn, sung túc hơn và không phải trải qua những khó khăn quá sức như mẹ từng phải đối mặt, vì chúng con có bố có mẹ trọn vẹn. Mẹ chỉ nhắn nhủ chị em con: “Thời của mẹ khác, thời của bọn con khác”.

Vâng, mẹ ơi, mỗi thời đại một khác nhưng duy chỉ tình yêu thương vô điều kiện của mẹ là không thay đổi, không lay chuyển theo bước chân thời gian, mẹ chỉ biết gieo yêu thương vào lòng con mà chưa một lần đòi hỏi.

Mẹ ơi, con yêu mẹ bởi một tuổi thơ đầy nghị lực và niềm tin, con yêu mẹ bởi mẹ luôn yêu con, con sẽ bước tiếp về phía trước với hành trang cuộc đời luôn có mẹ ở bên…

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN