1. Xin luật sư cho biết, tội bạo hành trẻ em được quy định như thế nào trong luật với đối tượng gây ra và trách nhiệm của cha mẹ/người giám hộ?
Theo khoản 6 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004: Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:
- Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.
- Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
- Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.
- Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.
Hình thức xử lý trách nhiệm
Trách nhiệm với đối tượng gây ra:
Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (bồi thường tiền) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ngồi tù, chung thân, tử hình)
Pháp luật đã quy định hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong các tội sau:
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm (theo điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định);
- Tội vô ý làm chết người với mức phạt tù cao nhất là 5 năm (theo khoản 1 Điều 98 BLHS quy định);
- Tội giết trẻ em với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình (theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS quy định).
Trách nhiệm người giám hộ, cha mẹ
Trong trường hợp trẻ em bị bạo hành thì theo quy định điều 31, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.
- Cha mẹ, người giám hộ hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan phải giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
2. Việc giám định thương tổn thể xác/ tinh thần được thực hiện thế nào? Do cơ quan nào?
Trong vụ án hình sự, Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án… có quyền ra quyết định trưng cầu giám định về tỷ lệ thương tật.
Do đó, nếu muốn giám định thương tật, phải có đơn yêu cầu khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích trình lên cơ quan điều tra (tức cơ quan công an).
Sau đó, cơ quan công an sẽ tiến hành các bước tố tụng và trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật người bị hại. Dựa trên biên bản kết quả xác định tỷ lệ thương tật, nếu đủ các điều kiện BLHS quy định thì sẽ là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, kèm theo là việc xem xét trách nhiệm dân sự. Nếu không đủ điều kiện để khởi tố hình sự vẫn có quyền khởi kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại do xậm phạm về sức khỏe, tính mạng.
Luật sư Võ Đức Duy – Thuộc Santa Lawyers Company.
Hành nghề trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đầu tư trong và ngoài nước, tư vấn thị trường hối phiếu và cảnh ngoại, nhưng luật sư Võ Đức Duy luôn trăn trở, ưu tư và trách nhiệm với cộng đồng. Đó cũng là lý do anh mong muốn chia sẻ những câu chuyện thực tế, những kiến thức pháp luật trong chuyên mục này. Quý độc giả có thể liên lạc trực tiếp với luật sư khi cần tham vấn qua email: dannyduy@santa-lawyers.com
Phụ Nữ Ngày Nay