Từng là một nhân viên bán hàng và phục vụ nhà hàng, Nguyễn Tuyết Phượng “liều lĩnh” chuyển hướng kinh doanh và gặt hái được những thành quả đáng ngưỡng mộ sau nhiều năm cố gắng.
Cái giá của việc đam mê với công việc
Nguyễn Tuyết Phượng sinh năm 1991 tại TP. HCM. Có tính cách độc lập và không muốn dựa dẫm gia đình, Tuyết Phượng, hiện là Giám đốc chi nhánh công ty Mầm Trúc, Tanabata TP.HCM và Hà Nội, bắt đầu làm thêm từ năm 18 tuổi.
Cô từng trải qua nhiều công việc như bán hàng tại trung tâm trang sức đá quý chợ Bến Thành, nhân viên phục vụ nhà hàng Nhật… “Tôi là người đam mê công việc, có khi làm việc hơn 16 tiếng mỗi ngày. Tôi muốn được sống thoải mái và tự do nên rất thích kiếm tiền, đôi khi quên cả đam mê hay sở thích của bản thân”, Nguyễn Tuyết Phượng cho biết.
Sau khi tích góp được một ít vốn, Nguyễn Tuyết Phượng cùng người bạn thân lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản. “Thành quả là năm 25 tuổi, tôi cùng bạn mua được căn hộ cao cấp đầu tiên tại Q.2, TP.HCM. Hiện tại, tôi đang kinh doanh nông sản, nuôi tôm và kinh doanh cà phê – lounge tại TP.HCM và Hà Nội”, cô nói.
Nói về cơ duyên đến với Tanabata, Tuyết Phượng nói cô biết ơn người đã thành lập ra Tanabata là chị Phạm Thị Yến Nhi. “Sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh thì chính chị và một người bạn cùng tôi đã có suy nghĩ táo bạo, xây dựng lại Tanabata với phong cách mới mẽ hơn, tươi trẻ hơn. Hàng ngàn ý tưởng về live music, cocktail ngon, bartender chuyên nghiệp. Thế là bắt đầu từ việc kiếm mặt bằng đầu tiên, hai tháng xây dựng, tuyển và đào tạo bartender, tìm kiếm vật liệu tất cả mọi thứ đều được sắp xếp và làm theo đúng tiến độ mà ba chị em mong muốn. Và thế là bar coctail Tanabata TP.HCM ra đời và hiện tại Tanabata đã có mặt ở TP.HCM và Hà Nội. Tôi hi vọng sẽ được mở rộng thêm ở Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng trong thời gian tới”, Tuyết Phượng chia sẻ.
Tuyết Phượng không khuyến khích mọi người ôm đồm nhiều việc cùng lúc như mình vì không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, lựa chọn này phù hợp với lối sống hiện tại của cô. Theo quan điểm của Tuyết Phượng, cuộc đời trọn vẹn là cố gắng làm việc tích góp thời trẻ để về già có đủ tài chính.
“Nếu trong giai đoạn tuổi trẻ, chúng ta cố gắng để tạo tài chính vững chắc cho bản thân, thì nửa đời sau, chúng ta có thể sống ung dung, ít phải chịu gánh nặng của cơm áo gạo tiền”, cô nêu quan điểm.
Liệu pháp cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Dù đạt được những thành quả nhất định, thu nhập tốt khi làm việc với cường độ cao, Nguyễn Tuyết Phượng thừa nhận cô phải đánh đổi nhiều trải nghiệm khác của bản thân cũng như thời gian, sức khỏe.
Động lực đằng sau mục tiêu làm việc kiếm tiền của Tuyết Phượng nằm ở việc cô nhận ra cuộc sống hữu hạn, tuổi trẻ và sức khoẻ cũng vậy. Cô cho rằng tự do và độc lập về tài chính sẽ giúp bản thân có được những điều mình muốn.
Để đạt được điều đó, cô thường xuyên cảm thấy stress, đôi khi cô đơn đến cùng cực vì không có nhiều thời gian dành cho bản thân, gia đình.
“Mỗi khi stress, tôi thường tìm đến những sở thích của bản thân như nghe nhạc, nấu ăn, tham gia hoạt động thiện nguyện, trò chuyện với bạn bè… Nhờ đó, tôi cân bằng lại cảm xúc và đầu óc để có thể tái tạo năng lượng để tiếp tục làm việc”, cô nói.
Để cân bằng giữa công việc và thời gian cho bản thân, cô bắt đầu có những hoạch định về thời gian cụ thể hơn. Tuyết Phượng nói trong thời gian làm việc, cô làm với năng suất và hiệu quả cao nhất để khi về đến nhà cô không còn bận tâm quá nhiều về công việc ngày hôm đó. “Để làm việc hiệu quả và năng suất nhất, chúng ta cần nêu rõ thời gian bắt đầu làm việc và kết thúc để có thể nắm rõ được việc mình làm như thế nào, hiệu quả ra sao”, Phượng chia sẻ.
Bên cạnh đó, chia sẻ công việc cùng đồng nghiệp cũng là cách giúp cô vượt qua giới hạn của bản thân. Đôi khi vấn đề quá khó khăn, chúng ta có thể hỏi lời khuyên từ đồng nghiệp cũng như từ cấp trên, sẽ có rất nghiều người dễ thương sẽ đồng hành cùng chúng ta.
Một điều rất quan trọng nữa là mỗi năm hay tự thưởng cho bản thân vài chuyến du lịch cùng người thân và gia đình để tái tạo lại năng lượng, tiếp thêm động lực để hoàn thành những mục tiêu tiếp theo.
Quan điểm về sắc đẹp và thành công của phụ nữ
Một nhà văn đã nói “Đàn bà đẹp luôn có quà” như một minh chứng về người phụ nữ có nhan sắc sẽ hạnh phúc hơn, thành công hơn trong cuộc sống. Nguyễn Tuyết Phượng cũng cho rằng với phụ nữ, ngoại hình rất quan trọng trong cuộc sống cũng như công việc.
“Không phải tự nhiên phụ nữ được gọi là ‘phái đẹp’. Giống như khi chọn một quyển sách, trước khi đọc người ta sẽ chú ý vào bìa của quyển sách. Nếu nó đủ hấp dẫn và thu hút thì người ta sẽ muốn mở ra và đọc nội dung bên trong. Dù người ta chưa biết được rằng nội dung bên trong có thích hợp và phù hợp với yêu cầu của mình hay không”, cô nêu quan điểm.
Tuyết Phượng cho rằng điều đó không có nghĩa là bạn phải cố gắng chăm chút ngoại hình sẽ gây chú ý cho mọi người mà quên đi nội tâm bên trong của mình. Bên cạnh đó khí chất và sự tự tin cũng là một yếu tố quyết định để thể hiện. Cô không cổ suý cho vấn đề “vẻ bề ngoài quan trọng hơn”, nhưng khi bạn chăm chút hơn về ngoại hình tất nhiên bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong công việc hay trong chuyện tình cảm.
Để chăm chút bản thân, Nguyễn Tuyết Phượng duy trì tập luyện và ăn uống khoa học. Cô bổ sung nhiều vitamin, rau xanh, cắt giảm tinh bột và hạn chế nước có ga hay đồ ngọt, đồ béo. Cô tập thói quen uống nhiều nước, ngủ đủ giấc. “Dù công việc có bận rộn nhưng tôi không bao giờ bỏ ăn sáng. Sau một đêm, việc ăn đầy đủ chất vào đầu ngày giúp tôi có thêm năng lượng, đảm bảo sức khoẻ”, cô nói.
Minh Anh