Là người chưa có kinh nghiệm nên bạn thường thiếu tự tin hơn so với các ứng viên khác. Nếu bạn muốn có được công việc như mong đợi thì điều quan trọng đầu tiên là nên đầu tư để có một bản CV chuẩn chỉnh tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Bởi vì bên cạnh kinh nghiệm thì nền tảng học vấn chuyên ngành, kỹ năng, thành tích… là các yếu tố được chú trọng khi tuyển dụng ứng viên.
Dưới đây là một số gợi ý cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm bạn có thể tham khảo.
Nhấn mạnh đến thành tích, giải thưởng bản thân đã đạt được
Nếu trước đây bạn đã từng nỗ lực và đạt được một số thành tích dù trong học tập hay công việc thì sau khi đã tìm được form CV đẹp, hãy cập nhật vào đó ngay và luôn. Điều này không phải bạn đang cố tình khoe khoang bản thân mà chứng tỏ nỗ lực và thái độ nghiêm túc của bạn với công việc.
Hơn nữa bất kì nhà tuyển dụng nào cũng ấn tượng với những nhân viên biết nỗ lực phấn đấu để đạt được các thành quả hơn là người nhạt nhòa, an phận.
Với ứng viên mới tốt nghiệp thì xếp loại bằng cấp chuyên ngành, bảng điểm xuất sắc, chương trình học bổng đã nhận hay việc tham gia thi đạt các chứng chỉ… cũng là một lợi thế. Dù điểm số không phải là tất cả góp vào sự thành công của bạn trong công việc nhưng nó là minh chứng cho năng lực học tập, nỗ lực rèn luyện kỹ năng và trí tuệ của bạn. Do đó đừng ngại ngần “tự ghi nhận” thành quả của bản thân bằng cách ghi vào trong CV. Đây cũng chính là một mẹo để tận dụng điểm mạnh của bản thân chinh phục nhà tuyển dụng khi bạn còn ít kinh nghiệm.
Tập trung vào kỹ năng
Bên cạnh yếu tố học vấn, kinh nghiệm thì nhà tuyển dụng sẽ quan tâm đánh giá những kỹ năng mà ứng viên sở hữu, bao gồm chuyên môn (kỹ năng cứng) và kỹ năng mềm. Lí do kỹ năng là yếu tố bổ trợ cực kì quan trọng giúp ứng viên quyết định có đảm nhận tốt công việc hay không.
Bạn có thể đề cập đến kỹ năng cứng – chuyên ngành của mình. Bên cạnh đó dựa vào tính chất đặc trưng công việc để đề cập đến kỹ năng mềm cần thiết như: làm việc nhóm, thuyết trình, đàm phán, kỹ năng nắm bắt tâm lí khách hàng, kỹ năng giao tiếp thuyết phục…
Với những ứng viên chưa có nhiều quá trình làm việc thì nhấn mạnh phần kỹ năng giúp “lấp đầy khoảng trống” kinh nghiệm trong CV.
Nhấn mạnh hoạt động ngoại khóa
Nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp và chưa có “lịch sử” làm bất cứ công việc chính thức nào thì làm thế nào để tạo ấn tượng trong CV? Hãy thử thổi bùng năng lượng và tính năng động của bạn bằng cách nhấn mạnh đến những hoạt động ngoại khóa bạn đã tham gia khi còn đi học.
Đó có thể là các dự án chuyên môn hay dự án cộng đồng bạn khởi xướng hoặc là một phần đã góp tâm góp sức vào. Chẳng hạn như làm tình nguyện viên cho một sự kiện, hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội vì lợi ích cộng đồng…
Những hoạt động ngoại khóa giúp cho một người học hỏi được thêm nhiều kỹ năng nhờ cọ xát thực tế. Hơn thế, qua đó nó còn giúp lan tỏa năng lượng tích cực đến mọi người bằng sự nhiệt huyết. Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng thích ứng viên năng động, chủ động vì đây chính là nền tảng của một nhân viên ưu tú.
Sử dụng từ ngữ – thuật ngữ chuyên ngành
Từ ngữ – thuật ngữ chuyên ngành cũng là yếu tố quan trọng trong cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm. Đây chính là chìa khóa để CV của bạn dễ dàng tiếp cận hơn với đơn vị tuyển dụng. Hơn thế biết cách sử dụng khéo léo thuật ngữ chuyên ngành giúp “nhận diện” được người có chuyên môn. Nhà tuyển dụng sẽ hiểu trình độ của bạn. Bên cạnh đó việc dùng từ ngữ chuyên ngành khéo léo cũng ngầm xác nhận bạn chính là người đã am hiểu công việc, chỉ cần một chút hướng dẫn là có thể làm việc tốt.
Tuy nhiên bạn nên lưu ý không nên quá lạm dụng thuật ngữ chuyên ngành. Cần tìm hiểu rõ, dùng đúng lúc, đúng trường hợp, đúng ngành nghề… để đạt được hiệu quả tích cực như mong đợi. Ngược lại nếu bạn chưa hiểu nhưng áp dụng và sử dụng bừa bãi thì sẽ “phản tác dụng”. Nhà tuyển dụng cho rằng bạn ngô nghê hoặc thích “thể hiện”.
Không để khoảng thời gian trống trong CV
Bạn chưa có kinh nghiệm làm việc và bạn đang trong hành trình tìm kiếm công việc mình mong muốn. Thậm chí có khoảng thời gian chưa kiếm được việc. Vậy mẹo là trong CV không nên để khoảng thời gian trống này.
Bạn có thể lấp đầy khoảng thời gian đó bằng cách ghi công việc mình cộng tác, thời gian học thêm một khóa học chuyên môn, kỹ năng hay bạn đã thực hiện một mục tiêu riêng của bản thân theo nghĩa tích cực. Nó sẽ giúp cho các mốc thời gian trong CV của bạn liền mạch, không bị gián đoạn.
Với ứng viên chưa có kinh nghiệm, lợi thế có thể bị hạn hẹp hơn nhưng không vì thế mà bạn tự đánh mất đi cơ hội ứng tuyển của mình. Nếu có đủ năng lực đảm nhận vị trí đó thì bạn đừng ngần ngại ứng tuyển. Cùng với những cách viết CV cho người chưa có kinh nghiệm trên đây và sự kiên nhẫn, bạn có rất nhiều cơ hội tìm việc thành công.
Đặng Hảo