Hình thành được thói quen đọc sách và góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng sống cho học sinh, mang thư viện hạnh phúc tới cho các bạn nhỏ giúp gìn giữ vẻ đẹp của tiếng Việt là tâm nguyện của cô giáo vùng quê tỉnh Hải Dương – Đỗ Thị Hà.
Gặp gỡ vào trao đổi với cô giáo dạy Tiếng Anh với một hành trình thiện nguyện khiến mỗi chúng ta đều suy ngẫm về câu nói “Sống là cho đi, đâu chỉ nhận lại riêng mình”. Cô giáo ấy là cô Đỗ Thị Hà – Giám đốc một Trung tâm ngoại ngữ tại Tại Hải Dương, hiện cô cũng là chủ nhiệm Thư viện Hạnh Phúc – Phòng đọc “không đồng” tại Hải Dương chính là tấm gương sáng về người hùng âm thầm giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Cô Đỗ Thị Hà – Người phụ nữ của gia đình và tâm huyết với sự nghiệp trồng người
Sự ra đời của các câu lạc bộ Thiện Nguyện
Theo cô Hà, sự phát triển của công nghệ thông tin rất cần thiết với đời sống xã hội, nhưng với trẻ em nếu không được người lớn định hướng đúng đắn, nó cũng có những mặt hạn chế cần được quan tâm.
Vấn đề mà cô Hà quan tâm nhất ở đây là rất nhiều em học sinh bị cuốn vào không gian mạng trong khi các bậc phụ huynh thì quá bận rộn để lo toan cho cuộc sống nên không quản lý được con em. Có em còn bỏ bê học hành, xa rời sách vở dẫn đến lệch lạc trong lối sống, tiêu cực trong suy nghĩ, khô khan trong tâm hồn và sa sút về trí tuệ…
Vì vậy, trong hành trình gần 20 năm theo nghề giáo, những bài giảng của cô không chỉ là kiến thức trong sách vở mà còn có cả những kỹ năng để các em hoàn thiện bản thân.
Cô Hà luôn trăn trở, mong ước học trò của mình có những sân chơi lành mạnh, hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của không gian mạng. Cô mong các em học sinh đọc nhiều sách để làm phong phú vốn ngôn ngữ, làm giàu kiến thức và làm đẹp tâm hồn. Chính vì thế, cô không quản xa xôi khi đi giao lưu và xin những quyển sách hay về cho học sinh quê mình.
Nhớ lại những ngày đầu, để lan toả văn hóa đọc đến đông đảo các em học sinh, cô đã cùng các tình nguyện viên mở các phòng đọc trong không gian lễ hội mùa xuân tại các chùa trên địa bàn huyện Kim Thành.
Ngày hội đọc sách tại Lễ Hội Mùa Xuân
Sau đó, để duy trì phòng đọc, tháng 11 năm 2018, cô và các tình nguyện viên đã mở lớp Tiếng Anh thiện nguyện giao tiếp cùng với giáo viên nước ngoài song hành cùng phòng đọc tại xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Điều đặc biệt ở đây là phòng đoc và lớp học được mở ra tại giảng đường của nhà chùa. Theo cô Hà, cô muốn học trò của mình không chỉ có tri thức mà còn phải có tình yêu thương, bởi với cô, trí tuệ cần song hành cùng đạo đức.
Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 mà CLB đọc sách không thể sinh hoạt thường xuyên, cô Hà và các bạn tình nguyện viên tập trung vào bếp cơm thiện nguyện ủng hộ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch.
Sự ra đời Thư viện Hạnh Phúc – Phòng đọc “không đồng”
Đến ngày 01/06/2022, tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên phòng đọc đã được mở cửa trở lại. Để thuận tiện cho việc hỗ trợ các em học sinh đến đọc sách, phòng đọc được chuyển về gần Nhà văn hóa thôn Bắc, xã Phúc Thành, Kim Thành, Hải Dương với tên gọi là “Thư viện Hạnh phúc – Phòng đọc không đồng”.
Em Minh Ngọc và Bích Ngọc chia sẻ về “Cuốn sách em yêu” tại phòng đọc “Không đồng” với sự hướng dẫn của các cô giáo, các tình nguyện viên.
Nhằm khuyến khích và tạo hứng thú cho các em học sinh trong việc đọc sách cũng như trong học tập, cô đã tổ chức một số cuộc thi cho các em trải nghiệm và giao lưu như: Cuộc thi “Thuyết trình Tiếng Anh”, cuộc thi “ Đại sứ Văn hóa đọc”, Cuộc thi “Tìm kiếm MC tài năng”…
Cô Hà và học sinh lớp Luyện thi IELTS trong buổi giao lưu cùng nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Các cuộc thi đã được các đồng nghiệp, các em học sinh nhiệt tình hưởng ứng. Có những cô giáo đã tình nguyện đồng hành và giúp đỡ các em rất nhiều trong việc luyện thi. Những em học sinh có thành tích tốt trong các cuộc thi này đều nhận được những suất học bổng toàn phần là những khóa học MC, MC song ngữ để làm chủ giọng nói, để tự tin trong giao tiếp và học Tiếng Anh với giáo viên nước ngoài.
Mong ước về một thư viện hạnh phúc, nơi để các em cùng nhau đọc sách, nơi mà các em thấy học tập là hạnh phúc của cô Hà đã chạm tới trái tim của nhà thơ Trần Đăng Khoa, MC Thanh Mai, tập thể giảng viên trường Đại học Hà Nội và nhiều người yêu sách, nhiều nhà giáo tâm huyết với nghề, nhiều người con xa quê nhưng trái tim luôn hướng về trẻ em Kim Thành, nơi họ đã sinh ra… Với sự ủng hộ của nhiều người, sự quyết tâm và tình yêu cô Hà dành cho trẻ em, chúng tôi tin, phòng đọc sẽ lan toả rộng khắp tình yêu với sách trong lớp lớp các thê hệ học trò nơi đây. Đó sẽ là nền tảng vững chắc để bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ vừa hồng vừa chuyên của Kim Thành trong tương lai.