Viết về mẹ: Tám mươi chín năm, một cuộc đời

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 562_VVM

Họ tên: Lê Hoa

Địa chỉ: Châu Thành, Đồng Tháp

——————————————

Mẹ tôi là người tôi yêu mến kính trọng nhất trong cuộc đời mình. Bà cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác thương yêu con, tần tảo lo cho gia đình. Nhưng trong mắt tôi: Bà trên cả tuyệt vời.

Thời con gái mẹ con nhà giàu, có nhan sắc, trong vùng nhiều trai làng theo đuổi, ông bà ngoại cưng chiều, trong nhà có người ở, ngoại rước thầy về nhà dạy học, hằng ngày mẹ chỉ biết học hành, xem truyện thơ hoặc thêu thùa, may vá. Đến khi lập gia đình, mẹ rơi vào cảnh khổ vì nhà bên chồng nghèo lại có lối sống phong kiến, mấy cô em chồng thủ đoạn độc ác hại mẹ nhiều phen lận đận, điêu đứng, ít hôm là bên nội biểu mẹ dọn đồ về ngoại. Ba rất có hiếu là con nhờ con cậy của gia đình nội, ba hay xử ép mẹ cho gia đình vui lòng.

Nhà nghèo đông con, mẹ phải bươn chải để kiếm sống, giống như “cái cò lặn lội bờ sông”. Nhớ lúc chiến tranh loạn lạc phải tản cư, ở đậu nhà người, ba làm công nhân còn mẹ thì bán bánh mì, bán cháo để có tiền cho chị em tôi đi học, còn phải nuôi con của người chị thứ ba. Mỗi sáng sớm tôi đi lấy bánh mì về cho mẹ bán, rồi mới đến trường học, trưa về trông cháu tiếp mẹ. Có nhiều khi hết gạo, hết tiền, mẹ phải ra chợ nhặt từng lá cải, cọng rau của bạn hàng chê bỏ đem về lặt lựa lại đem luộc cho cả nhà ăn. Chị em tôi thường xuyên ăn đói, thức ăn toàn là đu đủ kho hay cà kho… ít khi có thịt cá. Vậy mà năm chị em tôi đều được học hành tử tế, có nghề nghiệp vững vàng nhờ bàn tay tảo tần của mẹ.

Đến ngày hoà bình lập lại, gia đình về quê, bàn tay mẹ thêm một lần nữa chai sần để cải tạo lại vườn ruộng tiếp tục nuôi con. Mẹ chịu cực khổ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, mẹ cùng ba cày sâu cuốc bẫm, không quản khó nhọc, thương con thương cháu, thà mẹ chịu một nắng hai sương chớ không bắt con ra ruộng để con ở nhà học hành. Mẹ nghèo tiền bạc nhưng có tấm lòng vàng, bao la đâu thua gì biển Thái Bình. Mẹ xuôi ngược lo cho con bằng hai bàn tay trắng và chiếc xuồng nhỏ, mỗi sớm mỗi chiều trời mưa nước ngập mẹ dùng chiếc xuồng đưa đón chị em tôi đi học và cũng dùng chiếc xuồng đó bơi khắp xóm cùng làng vay nợ, buôn bán tảo tần. Đất đai bên ngoại nhiều nhưng sau “Luật người cày có ruộng”, thì chẳng còn bao nhiêu, ông cậu bán hết, chỉ còn lại bốn công ruộng và hai công vườn chia cho chị em tôi.

Tôi còn nhớ rất rõ, thời gian chị em tôi đi học xa, ba mẹ tôi ở nhà sống hẩm hiu trong căn nhà xiêu vẹo, ba thì vun phân tưới nước cho những góc trầu vàng, còn mẹ thì bắc thang hái lá, chỉ cách ít hôm là lá trầu đâm chồi, vươn mình trong nắng mới, màu trầu vàng ươm mơn mởn, mẹ dùng cái giỏ móc trên thang để hái, mẹ bám vào cây thang, đu mình trong nắng gió để hái từng lá trầu tươi, khi đầy giỏ mẹ đổ ra đệm, ngồi liễn thành từng sấp rồi dùng lá chuối xé nhỏ buộc ngang nhìn rất bắt mắt. Có ai ngờ liếp trầu vàng đã giúp mẹ mua từng lít gạo, và còn mua đường sữa giúp cháu trong lúc khó khắn, thậm chí mẹ còn dành dụm được một ít tiền đến khi ba bệnh mẹ đem ra để lo thuốc cho ba.

Sau khi ba qua đời, mẹ già côi cút héo hon, ra vào thui thủi một thân, tóc trắng càng trắng hơn. Liếp trầu vàng vẫn vươn mình trong gió nhẹ mà hình hài mẹ thì đã héo mòn. Những lúc buồn mẹ hay đem hình ba ra xem, lau chùi lại cho sạch, chống gậy ra thăm mộ ba, trông con trông cháu về thăm, mỗi lần nghe có con cháu về là mẹ lật đật đi pha trà, dọn cơm, hỏi thăm rối rít… nhiều lúc mẹ quên, cứ lặp lại hoài một câu hỏi, có lần mẹ bị con cái cằn nhằn – Sao mẹ hỏi hoài thế. Mẹ lặng lẽ bước ra sau nhà, con lén nhìn theo mẹ mà giọt lệ buồn rưng rưng… Một lát mẹ lại quên, không hề để tâm buồn giận ai lâu, mẹ luôn bao dung tha thứ cho mọi người… Khi có một ít quà hay tiền bạc của con cháu cho là mẹ đem khoe với mọi người và cho lại đứa con nghèo nhất chớ mẹ không xài, rồi lúc tiễn con ra đi mẹ đứng trước cửa nhà nhìn theo hút mắt, giọng run run như muốn khóc, mẹ dặn dò:

Má không đi đâu được, lâu lâu con về cho má thăm nghe…

Năm nay mẹ già lắm rồi, đã vượt qua cái tuổi: “thất thập cổ lai hy”, mẹ đã tám mươi chín tuổi, gần kết thúc một cuộc đời. Tám mươi chín năm gần một thế kỷ, với bao thăng trầm, tuổi thơ hồn nhiên hạnh phúc, khi trưởng thành lận đận gian truân, lúc xế chiều hẩm hiu, nước mắt luôn lăn dài trên khoé mắt nhăn nheo, chân tay yếu đuối, mắt mờ, hay quên, tóc trắng như mây, ngày ngày mẹ ra sân quét lá, tự chăm sóc lấy bản thân, mẹ chẳng chịu ngồi không, cứ tìm việc để làm. Cuộc đời của mẹ là vậy, đảm đang, tháo vát, thuỷ chung, vị tha giàu lòng yêu thương, hy sinh tất cả vì chồng vì con…

Thật đúng là: “Trên thế giới có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất vẫn là trái tim của người mẹ”. Còn mẹ mình thấy hạnh phúc biết bao! Như đoá hoa hồng còn cài trên ngực áo, mình không muốn làm cho mẹ buồn, không muốn mẹ khóc, có mẹ mới có mình, mẹ tạo ra mình, rồi còn nuôi dưỡng cho mình ăn học nên người, dù mình có bao nhiêu tuổi thì trong mắt mẹ mình vẫn còn bé, như Chế Lan Viên đã nói trong bài thơ Con cò:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con…”

“Con càng lớn thì mẹ càng già, nhìn bóng dáng mẹ già hao gầy, héo hắt mà lòng con ngậm ngùi thương xót, không biết mẹ còn sống với con được bao lâu nữa, con muốn ôm mẹ vào lòng thật chặt, muốn thời gian đừng trôi nữa để con  mãi mãi được gần bên mẹ yêu…”

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! Cuộc thi ” Viết về mẹ” là một trong những chương trình nằm trong chuỗi hoạt động vì cộng đồng, tôn vinh những giá trị nhân văn của xã hội, khơi nguồn cảm xúc, viết lên yêu thương gửi đến người thân yêu, đặc biệt là người mẹ. ” Viết về mẹ”  đã và đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và gửi bài tham gia của độc giả. Hãy cùng Phụ Nữ Ngày Nay mạnh dạn bày tỏ tình cảm yêu thương với người mẹ đáng kính của mình nhé.

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN