Thoái hóa khớp là một bệnh phổ biến ở người già, tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người trẻ bị thoái hóa khớp ngày càng gia tăng. Thoái hóa khớp và cột sống là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tái tạo và phá hủy sụn khớp cũng như tổ chức xương ở dưới sụn.
- Bệnh loãng xương: Lưu ý gì khi điều trị?
- Cải thiện thoái hóa khớp gối bằng cách… uống sữa
- Thoát vị đĩa đệm có nên tập Yoga không?
Thoái hóa khớp chiếm tỷ lệ 30% ở người trên 35 tuổi, 60% ở người trên 65 tuổi và đến 85% ở người trên 80 tuổi, đây đang là thách thức lớn với sức khỏe người dân Việt Nam.
Nguyên nhân thoái hóa khớp
– Quá trình lão hóa tự nhiên
– Các dị dạng bẩm sinh
– Di truyền: Nếu như trong gia đình có người bị bệnh thoái hóa khớp sớm thì rất dễ những người con cháu sau này cũng sẽ bị nếu không có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý.
– Các biến dạng thứ phát: Sau các tổn thương do các bệnh lý xương khớp khác, các chấn thương do tai nạn, nghề nghiệp, loạn sản, làm thay đổi mối tương quan, hình thái của khớp và cột sống…
– Sự tăng áp lực lên xương khớp: Do tăng cân quá mức như béo phì, tăng tải trọng do nghề nghiệp…
– Nội tiết: Thiếu hormon ở nữ chính là một trong những yếu tố gây nên tình trạng thoái hóa khớp. Các rối loạn hormon trong thời kì mãn kinh, đái tháo đường, loãng xương do nội tiết… làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
Phòng và điều trị thoái hóa khớp
Để phòng bệnh thoái hóa khớp, người cao tuổi nên có một chế độ sinh hoạt hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện…) tùy theo điều kiện của mỗi người.
Duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chức năng đều đặn, hết sức tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì khi không vận động, khớp sẽ dễ dàng bị cứng, giảm tiết dịch khớp, xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp và mất dần chức năng của khớp.
Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất (protein, canxi, vitamin D, vitamin nhóm B…).
Ngoài các biện pháp phòng bệnh không dùng thuốc, hiện nay còn có các thuốc phòng và chữa thoái hóa khớp hiệu quả như glucosamin sulfat, chondroitin sulfat, diacerein…
Trong đợt tiến triển của thoái hóa khớp, bệnh nhân đau nhiều, cần phải dùng các biện pháp giảm đau. Bệnh nhân nên đi khám để được kê đơn thuốc giảm đau đúng chỉ định hoặc tiêm kháng viêm nội khớp, tránh việc dùng các thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc và lạm dụng thuốc giảm đau.
Video: Davipharm
Những yếu tố nguy cơ của thoái hóa khớp
– Trên 40 tuổi
– Nữ giới: Trước 55 tuổi, tỷ lệ thoái hóa khớp giữa nam và nữ là như nhau, nhưng sau tuổi này, đặc biệt sau tuổi mãn kinh thì nữ có xu hướng bị thoái hóa khớp gấp 2 lần nam giới.
– Béo phì: Những người thừa cân hoặc béo phì có khả năng bị thoái hóa khớp gấp 3 lần người có cân nặng bình thường.
– Tiền sử gia đình mắc bệnh
– Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin C, D, E
– Chấn thương khớp
– Nghề nghiệp, công việc hay thói quen ảnh hưởng đến sự thoái hóa của các khớp liên quan (ví dụ các công việc phải ngồi nhiều như tài xế, nhân viên văn phòng,…).
– Hình dáng bất thường của khớp và xương bẩm sinh.
Nếu có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ trên, cần đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Dấu hiệu nào cho thấy bạn đã bị thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp thường gặp giai đoạn đầu tiên, sớm nhất là mỏi khớp, sau đó đau nhưng không đau thường xuyên, mà thỉnh thoảng đau khớp. Đến giai đoạn sau, muộn thì khớp bắt đầu sưng, cứng, giảm tính linh hoạt khi vận động.
Khi có một trong các dấu hiệu sau đây, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị:
– Đau nhức một khớp nào đó
– Vận động khó khăn
– Tiếng lạo xạo, lục khục khi cử động khớp
– Biến dạng khớp.
Truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe về các bệnh cơ xương khớp thường gặp nằm trong chương trình chăm sóc sức khỏe Việt, do Cục Y Tế Dự Phòng – Bộ Y Tế và công ty Davipharm phối hợp thực hiện, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về dự phòng, phát hiện sớm nguy cơ mắc một số bệnh không lây nhiễm (BKLN) phổ biến cũng như chẩn đoán sớm và kiểm soát tốt BKLN.
Phòng, chống BKLN hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải y tế, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người Việt Nam đặc biệt trong đại dịch toàn cầu Covid-19. Đây là mục tiêu đầy tính nhân văn của chương trình chăm sóc sức khỏe Việt. Thông qua chương trình, Davipharm (là thành viên của tập đoàn Adamed), là công ty trong nước tiên phong với cam kết đồng hành dài hạn cùng Cục Y Tế Dự Phòng, Bộ Y tế, chung tay giảm gánh nặng các BKLN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam. Kết nối với chương trình qua Fanpage Chăm Sóc Sức Khỏe Việt để có những thông tin hữu ích. |
Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị.
Nguồn: Davipharm