6 điều tối kỵ khi viết hồ sơ xin việc

Viết hồ sơ xin việc chuẩn chỉnh là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất để ứng viên tiếp cận công việc. Khi bản CV của bạn được gửi đi nhưng đáp lại là một sự im lặng vô vọng thì có nghĩa bạn đã mắc phải một sai sót nào đó. “Thủ phạm” có thể là những lỗi sai tối kỵ khiến nhà tuyển dụng thẳng thừng loại bỏ CV của bạn mà không hề bận tâm dưới đây.

Lỗi chính tả và ngữ pháp

Hồ sơ xin việc là cơ hội duy nhất để ứng viên tạo ấn tượng đầu tiên với nhà tuyển dụng. Chỉ cần một lỗi sai nhỏ về chính tả, đánh máy hoặc ngữ pháp cũng đủ khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn là một người bất cẩn.

Để tránh bị phán xét như vậy, trong quá trình hoàn thiện CV xin việc, dù là tải template CV đẹp hay tự viết, ứng viên nên bật chế độ “spelling and grammar” của MS Word để tiện theo dõi và kịp thời sửa chữa lỗi sai trong văn bản. Bên cạnh đó, bạn cũng nên cẩn thận nhờ người quen rà soát lại một lần nữa để chắc chắn rằng không còn lỗi chính tả hay ngữ pháp nào tồn tại trong CV.

Nếu viết CV xin việc bằng tiếng Anh thì bạn nên cẩn trọng xem xét các lỗi về từ vựng, câu cú hoặc ngữ pháp. Việc phạm lỗi nhiều trong CV sẽ khiến nhà tuyển dụng của công ty đa quốc gia đánh giá thấp về khả năng và trình độ tiếng Anh của bạn. Tốt nhất bạn nên sử dụng những phần mềm kiểm tra lỗi tiếng Anh chuyên dụng để hỗ trợ đắc lực cho bạn trong quá trình rà soát sai sót trong CV.

cvMục tiêu nghề nghiệp không ấn tượng

Mục tiêu nghề nghiệp thường là phần xuất hiện đầu tiên trong hồ sơ xin việc. Đây cũng chính là phần quyết định xem CV của bạn có thu hút nhà tuyển dụng đọc tiếp hay không.

Nội dung của mục tiêu nghề nghiệp cần phải được trình bày ấn tượng vì nó mang sứ mệnh quảng bá “thương hiệu” cá nhân của bạn đến nhà tuyển dụng. Hơn nữa, đó không chỉ đơn giản là mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên mà còn là điều mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.

Chính vì vậy, để viết mục tiêu nghề nghiệp thật ấn tượng, bạn cần xuất phát từ nội dung mô tả công việc. Hãy nghiên cứu thật kỹ nội dung này, gạch chân dưới các từ khóa để biết nhà tuyển dụng đang cần điều gì, sau đó khéo léo lồng ghép từ khóa đã đánh dấu trong phần mô tả mục tiêu nghề nghiệp của bạn.

“Đánh bóng” bản thân quá mức trong CV

Một trong những điều tối kỵ khi viết hồ sơ xin việc chính là phóng đại, “đánh bóng” hình ảnh bản thân quá mức. Khi trình bày thành tích đạt được, nhiều người không ngại “tô vẽ” thêm bản thành tích của mình vì sợ thua kém ứng viên khác.

Điều này là “con dao hai lưỡi” gây hại cho bạn. Khi xem xét hồ sơ xin việc và nhận thấy thành tích cá nhân nổi bật một cách bất thường, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra nghi vấn ngay. Họ luôn có những phương pháp và nguồn tin khác nhau để kiểm chứng trước khi công nhận. Và đương nhiên khi sự thật đã sáng tỏ, nhà tuyển dụng sẽ mất thiện cảm và niềm tin với bạn. Chắc chắn CV của bạn sẽ bị loại bỏ không thương tiếc. Hãy nhớ thành thật vẫn là yếu tốt cốt lõi mang đến cho bạn cơ hội phát triển.

Đưa những nội dung không cần thiết vào CV

Phần đông ứng viên thường hay lo lắng CV không lột tả hết về “lịch sử vẻ vang” mà mình đã dày công tạo dựng. Do vậy họ thường đưa tất tần tật thông tin cá nhân vào CV với phương châm “thà viết nhầm còn hơn bỏ sót”. Làm như vậy khiến CV trở thành một mớ hỗn độn và đương nhiên trong đó có chứa nhiều nội dung không cần thiết. Đây là một trong những điều mà nhà tuyển dụng “kỵ” nhất. Bởi vì họ không có thời gian để đọc những thứ dài dòng lê thê, thừa thãi, chẳng liên quan đến vị trí tuyển dụng.

Để khắc phục lỗi sai trên, ứng viên cần đọc kỹ mục mô tả công việc và yêu cầu trong tin đăng tuyển dụng và cân nhắc các nội dung nào phù hợp để đưa vào CV. Quan trọng hơn, bạn nên trình bày những thông tin này một cách ngắn gọn.

Cung cấp thông tin liên lạc không chính xác

Hồ sơ xin việc của bạn tạo ấn tượng tốt và nhà tuyển dụng quyết định mời bạn tham gia phỏng vấn. Tiếc rằng thông tin liên lạc của bạn để lại trong CV không chính xác, khiến họ không thể liên lạc và “chiêu mộ” bạn. Hoặc bạn lại cung cấp một địa chỉ email không nghiêm túc chút nào như cobe_tinhnghich_264@email.com, làm đánh mất thiện cảm nơi nhà tuyển dụng.

Tất cả những lỗi này sẽ “cướp” đi cơ hội có được việc làm mơ ước của bạn. Do vậy, bạn cần chú ý cung cấp thông tin liên lạc thật chính xác, rõ ràng và chuyên nghiệp để nhà tuyển dụng có thể kết nối dễ dàng với bạn.

Gửi email thiếu chuyên nghiệp

Gửi email là bước cuối cùng đưa CV đến với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên nhiều ứng viên lại phạm lỗi tối kỵ ngay ở bước cuối này. Đơn cử như không viết tiêu đề email, nội dung email sơ sài, thiếu chuyên nghiệp, đính kèm quá nhiều file không cần thiết, xưng hô không chuẩn, mắc lỗi chính tả và đánh máy… Không cần biết nội dung CV của bạn như thế nào, chỉ cần đọc thấy email thiếu chuyên nghiệp thì nhà tuyển dụng cũng sẽ không mở file đính kèm, thậm chí xóa luôn mà chẳng hề bận tâm.

Trên đây chính là những lỗi cơ bản, tối kỵ nhất khi bạn viết hồ sơ xin việc và gửi đến nhà tuyển dụng. Nắm bắt được các lỗi trên, bạn hãy cố gắng điều chỉnh và tránh xa chúng nhé!

logovietcvPha Lê

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN