Chắc hẳn, ai cũng biết rằng stress gây hại đến sức khỏe của chúng ta. Nguyên nhân gây ra stress có thể khác nhau với mỗi người nhưng sự căng thẳng và hoạt động thần kinh căng thẳng có liên quan như thế nào đến những căn bệnh mãn tính như ung thư?
Phó giáo sư Erica Sloan của Đại học Monash, một nhà khoa học chuyên về sinh bệnh học ung thư và thần kinh học – nghiên cứu về cách dây thần kinh truyền tín hiệu đến các tế bào miễn dịch – đã bắt đầu tìm hiểu vấn đề này cách đây 15 năm. Hiện nay, có thể nói rằng bà đang tiến gần hơn đến đáp án, liên quan tới hoạt động của dây thần kinh, tế bào, hệ thống miễn dịch, các cơ quan trong cơ thể, và cả những hiện tượng sinh lý đã có từ lâu như phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy”, hay sự căng thẳng.
Phó giáo sư Erica Sloan đã có những nghiên cứu đột phá về mối quan hệ giữa stress và bệnh ung thư
Con người và động vật có vú đã tiến hóa để có phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” này, để khi chúng ta gặp nguy hiểm, não sẽ quyết định ta nên bỏ chạy hay tham chiến. Vấn đề sẽ xảy ra khi sự thay đổi nội tiết tố và sinh lý nhanh chóng đi kèm với phản ứng căng thẳng (kích hoạt bởi dây thần kinh), theo thời gian, có thể gây hại cho cơ thể.
Với nhiều người, cuộc sống hiện đại đang ngày càng trở nên căng thẳng. Toàn bộ nền công nghiệp chánh niệm (mindfulness) đã phát triển dựa trên thực tế này, với những lời khuyên như: con người đang trở nên quá căng thẳng, hãy học hỏi từ các Phật tử, hãy sống ở hiện tại chứ không phải quá khứ hay tương lai, hãy bình tĩnh và hít thở. Người xưa nói rằng, càng ít căng thẳng thì sẽ càng khỏe mạnh.
Ảnh hưởng của stress đến các tế bào miễn dịch
Chuyên môn nghiên cứu của Phó Giáo sư Sloan là về ung thư. Bà đã theo đuổi bằng tiến sĩ tại Trung tâm Ung thư Peter MacCallum cho đến năm 2003, với đề tài nghiên cứu là cách thức lây lan của bệnh ung thư. Sau đó, bà thực hiện các nghiên cứu sau tiến sĩ ở Mỹ về ngành thần kinh học, xem xét sự ảnh hưởng của stress đến các tế bào miễn dịch trong các cơ quan bạch huyết như hạch bạch huyết.
Câu trả lời là: có, các tế bào miễn dịch nhạy cảm với các tín hiệu từ các chất dẫn truyền thần kinh trong não, điều này ảnh hưởng đến cách một số loại virus như HIV xâm nhập vào các tế bào. Bà chia sẻ: “Cũng có một số bằng chứng cho thấy, những bệnh nhân nhiễm HIV bị stress nặng có tải lượng vi rút cao hơn so với thời điểm họ được chẩn đoán và không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị vi rút. Nhưng các cơ chế hoạt động của hiện tượng đó vẫn chưa được làm rõ”.
Càng nhiều nghiên cứu, mối liên hệ này càng trở nên rõ nét. Mối liên hệ giữa stress với HIV và các bệnh ung thư khác trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Phó Giáo sư Sloan nói: “Ý tưởng này trong lịch sử không được chấp nhận rộng rãi bởi y học phương Tây, trong khi Đông y đã hiểu điều đó từ lâu. Mục tiêu của chúng tôi là chứng minh cơ sở phân tử và tế bào của mối liên hệ này, từ đó có thể điều trị bệnh bằng thuốc”.
Giờ đây, trong nghiên cứu mà Báo cáo Sức khỏe của Tiến sĩ Norman Swan trên Đài phát thanh Quốc gia cho là “phi thường”, Phó Giáo sư Sloan và một nhóm các nhà nghiên cứu tại Monash đã phát hiện ra rằng, một loại thuốc điều trị bệnh tim và huyết áp cao có thể làm giảm sự lây lan và phát triển của ung thư vú, đồng thời giảm khả năng tử vong của bệnh nhân ung thư vú.
Tên loại thuốc này là Carvedilol, một loại thuốc chẹn beta. Loại thuốc này cũng đồng thời ngăn chặn stress. Bà nói: “Thuốc chẹn beta là loại thuốc được phát minh vào những năm 1950 để ngăn chặn tim và hệ thống tim mạch phản ứng với tín hiệu căng thẳng. “Chúng làm giảm phản ứng căng thẳng và ổn định tim để nó có thể phản ứng một cách ổn định hơn”.
Carvedilol là loại thuốc tương đối mới. Nó có thể được sử dụng cho các bệnh tim và huyết áp, và cũng có thể được dùng để giảm sự căng thẳng hoặc lo âu quá mức. Phát hiện quan trọng – trước khi công trình này được ra mắt – là việc stress tác động lên các tế bào ung thư (cũng như HIV) và khiến chúng có khả năng lây lan khắp cơ thể. Trong các mô hình tiền lâm sàng, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Sloan nhận thấy loại thuốc đã ngăn chặn điều này xảy ra, do đó cho thấy rằng hệ thống thần kinh có thể ảnh hưởng đến khối u.
Sau các nghiên cứu tiền lâm sàng, nhóm nghiên cứu – với các cộng tác viên ở Scandinavia – đã xem xét dữ liệu từ bệnh viện về những phụ nữ bị ung thư vú dùng thuốc, và nhận thấy tỷ lệ sống sót và ngăn chặn ung thư cao hơn rất nhiều. Họ cũng đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ở Melbourne hai năm trước với bệnh nhân ung thư và loại thuốc chẹn beta tương tự Propranolol, cho thấy kết quả khả quan không kém.
Hướng đi trong tương lai
Nghiên cứu hiện tại chủ yếu giới hạn ở ung thư vú, mặc dù một số nghiên cứu đang được thực hiện trên thuốc chẹn beta với bệnh ung thư tuyến tụy và ung thư máu. “Dựa trên những phát hiện từ phòng thí nghiệm của tôi và những người khác, cảm giác của tôi là hầu hết các bệnh ung thư được tìm thấy trong cơ thể sẽ nhạy cảm với các dây thần kinh. Ung thư não lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đó cũng là một chủ đề nóng trong nghiên cứu ung thư vào lúc này”.
Một trở ngại lớn về mặt khoa học đối với Phó giáo sư Sloan và những người khác đang nghiên cứu mối liên hệ có khả năng cứu sống con người này là câu hỏi về việc xác định mức độ căng thẳng vì nó khác nhau đối với mỗi người. Một tình huống căng thẳng cao độ với người này có thể chẳng là gì so với một người khác.
“Đây là lý do tại sao lĩnh vực nghiên cứu này đã không phát triển trong một thời gian dài như vậy”, bà nói. “Định lượng mức độ căng thẳng là một thách thức lớn. Vì vậy, chúng tôi đã tập trung vào cách cơ thể tiếp nhận stress – cách cơ thể đối phó với stress và tác động của stress lên cơ thể. Công việc của chúng tôi là khám phá cách các tế bào ung thư và tế bào miễn dịch phản ứng với tín hiệu ‘chiến đấu hay bỏ chạy’”.
Mọi bệnh nhân ung thư đều hiểu về căn bệnh của mình, nên việc chẩn đoán ung thư vốn luôn rất căng thẳng. “Vậy giờ chúng ta nên làm gì với điều đó?”, Giáo sư Sloan chia sẻ, “và điều trị không chỉ bệnh ung thư, mà còn cả sức khỏe tinh thần của bệnh nhân?”.
Hoàng Long