Có rất nhiều hình mẫu nhân viên được đánh giá cao, và trở thành một nhân viên có tinh thần trách nhiệm trong môi trường doanh nghiệp luôn là mục tiêu mà nhiều người hướng đến. Vì điều này không chỉ giúp bạn có được phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả mà thông qua đó bạn sẽ nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm từ đồng nghiệp và cấp trên.
- 7 kỹ năng không thể thiếu trong công việc lễ tân
- 6 kỹ năng làm việc nhà tuyển dụng muốn thấy ở ứng viên
- 7 phẩm chất cần có để làm tốt công việc dịch thuật
Tuy nhiên quá trình này đòi hỏi ứng viên cần nghiêm túc thực hiện và có ý thức cá nhân tốt trong các hoạt động nhóm, đóng góp vào các dự án tập thể, cụ thể là những điều sau.
Luôn chủ động trong công việc
Điều đầu tiên mà bất kỳ nhân viên nào cũng cần phải rèn luyện, dù là phiên dịch viên tiếng Nhật, kinh doanh, kế toán, nhân sự, đó là thái độ tập trung và chủ động trong công việc. Thái độ này biểu hiện thông qua cách bạn đặt sự nhiệt tình vào những tác vụ được phân công, tự giác tìm kiếm những thông tin cần thiết để hoàn thành công việc thay vì đợi cấp trên nhắc nhở.
Bên cạnh đó, khi có bất kỳ những khó khăn nào thì ngay lập tức chủ động trình bày với cấp trên, lắng nghe ý kiến và từ đó linh hoạt điều chỉnh cho phù hợp. Thói quen này giúp bạn hình thành độ nhạy bén và nhiệt huyết khi tham gia vào những công việc chung của đội nhóm, tập thể.
Không ngừng nâng cấp bản thân
Tiếp thu kiến thức mới và liên tục cập nhật các xu hướng hoặc sự phát triển trong lĩnh vực chuyên môn là định hướng quan trọng nếu bạn muốn trở nên có tinh thần trách nhiệm hơn. Không ít người cho rằng không cần phải cố gắng để trở thành chuyên gia vì dễ gây hiểu nhầm là đang thể hiện bản thân.
Thế nhưng điều này là không đúng khi bạn hoàn toàn có thể trở thành phiên bản hoàn thiện của bản thân trong một số kỹ năng như ngoại ngữ, kiến thức xã hội, kiến thức chuyên môn… Đây đều là những tố chất của một người nghiêm túc với công việc và sẵn sàng nâng cấp giá trị cá nhân để trở nên tự tin và có trách nhiệm hơn.
Tích cực suy nghĩ và tìm giải pháp hiệu quả
Trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi những sai sót và trục trặc phát sinh. Có thể những yếu tố đó không đến trực tiếp từ vị trí do bạn đảm nhiệm, nhưng sự khác biệt của một nhân viên có trách nhiệm đó là họ sẵn sàng coi sai sót đó như là của chính mình mà không tìm cách đùn đẩy.
Lúc này bạn cần là người chủ động, tích cực suy nghĩ, tìm kiếm và đưa ra những giải pháp khác nhau, nhằm tìm ra phương án khắc phục một cách nhanh chóng, hiệu quả tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện hiện có. Bí quyết là hãy phân tích thật chi tiết vấn đề và tìm ra những bộ phận trong đội nhóm có thể can thiệp và cải thiện, bằng cách này bạn sẽ tạo động lực cho cả đội nhóm bằng thái độ tích cực của mình.
Không ngần ngại giúp đỡ
Trong doanh nghiệp đôi khi sẽ có những vị trí gặp phải tình trạng quá tải hoặc bắt buộc phải xử lý những quy trình phức tạp. Là một nhân viên có trách nhiệm, bạn không nên ngần ngại để đưa ra những đề xuất giúp đỡ. Đó có thể là cung cấp thông tin mà bạn nghĩ sẽ hữu ích, hoặc san sẻ một phần khối lượng công việc để giúp họ đảm bảo chất lượng trước khi chuyển tới những bộ phận khác.
Hành động này có thể không cần thường xuyên xảy ra để đảm bảo tính độc lập trong công việc, nhưng chắc chắn bạn sẽ tạo được thiện cảm đối với đồng nghiệp vì sự quan tâm cũng như tinh thần tập thể.
Tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa
Bên cạnh hoạt động trao đổi, thảo luận chuyên môn thì doanh nghiệp sẽ có những buổi team-building ngoài giờ và đây cũng là môi trường mà bạn nên thể hiện tính tập thể. Không ít người cho rằng những hoạt động này quá vô nghĩa mà không mang lại giá trị gì, đây là một suy nghĩ sai lầm bởi ngoại khóa sẽ thúc đẩy toàn diện sự kết nối của mọi người, từ nhân viên cho đến quản lý.
Vì thế biểu hiện của một nhân viên có tinh thần trách nhiệm cũng thể hiện ở sự tích cực của bạn khi tham gia và hòa mình vào tinh thần chung của tập thể. Đồng thời qua đó bạn sẽ tận dụng được cơ hội để chia sẻ và học hỏi những kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý và lãnh đạo…
Tiến Huy