Viết về mẹ: Mẹ – Người đưa tôi đến thế giới này!!!

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 423_VVM

Họ tên: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

Địa chỉ: TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh

——————————————

Tôi không nhớ đã bao lâu rồi kể từ ngày tôi đọc tự truyện về cuộc đời của vị giáo sư người Trung Quốc An Kim Bằng. Cảm xúc ấy vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi khi nhớ về mẹ – người đã đưa tôi đến thế giới này.

Biết bao người nói với tôi, mẹ luôn là người đối xử tốt nhất với bạn trong cuộc đời này. Đối với tôi thì đúng là như vậy nhưng tôi chưa bao giờ cảm nhận được điều đó một cách sâu sắc cho đến khi tôi đọc được câu chuyện cuộc đời giáo sư An Kim Bằng. Đọc những lời ông viết về mẹ, tôi nằm đó nghĩ về  mẹ – người đã nuôi tôi khôn lớn.

Rất nhiều và còn nhiều nữa những người mẹ hi sinh cả cuộc đời vì chồng con nhưng có phải bởi tính hi sinh âm thầm đó mà chúng ta coi đó như lẽ thường. Có lẽ nếu mẹ chỉ sanh mình tôi hay sanh em tôi sớm hơn thì tôi đã không thể biết rằng một người mẹ phải hi sinh nhiều thế nào để nuôi tôi khôn lớn.

Từ một tinh trùng cho đến quả trứng để trở thành một người trưởng thành khỏe mạnh hiểu biết là cả một đoạn đường dài nhọc nhằn mà những người chưa chứng kiến, chưa đi qua không thể nào hiểu được. Tôi vẫn còn nhớ những ngày mà mẹ mang bầu em tôi, chạy lên chạy xuống lo buôn bán rồi còn cơm nước chồng con. Có những lúc mẹ đau, chưa kịp ngồi nghỉ lại phải tất bật… Những khi có bệnh, mẹ cũng không dám uống thuốc nhiều vì sợ ảnh hưởng tới con mình. Sẽ có người phán xét tôi khi đọc những dòng này: “Ai mà chả vậy!” Cũng không phải họ sai hoàn toàn, nhưng đó là những sự chịu đựng, cực khổ khi mang một sinh mệnh đến cuộc đời này. Nghĩ lại đi, chúng ta mang một cái túi trên lưng đi vài cây số đã thấy mệt thấy phiền, đằng này mẹ lại mang một cái túi nặng nề mang tên “con”, cẩn thận nâng niu yêu thương tháng ngày.

Đến khi thấy đứa bé chào đời, mẹ lại phải vất vả chăm nuôi. Chuyện tưởng chừng như bình thường nhất thế gian ấy chính là một việc không hề đơn giản. Có những người làm cho tròn bổn phận nhưng cũng có những người mẹ khóc hết nước mắt, lao tâm lao lực vì thương con. Còn nhớ lúc mới sanh em tôi bị vàng da, lúc đó nhà vô cùng khó khăn, mẹ khóc hết nước mắt cứ sợ con mình bị gan, thức mấy đêm liền, cố mượn hết người này người nọ đi khám. Cuối cùng, may mắn là cũng không phải bệnh nặng, mẹ tôi lại khóc vì vui sướng.

Sanh con ra là phải dạy dỗ, giáo dục con cái là chuyện đâu chỉ riêng của người mẹ. Ấy vậy mà cứ mỗi khi mở miệng là “con hư tại mẹ”, người mẹ chỉ là một nhân tố quan trọng chứ không phải là tất cả. Huống chi, “Mẹ sanh con trời sanh tánh”. Từng để cho mẹ khóc vì bất lực không dạy được, đến khi có em, tôi dạy mà nó không nghe tôi mới biết phần nào cảm giác đó thất vọng và tức giận đó. Có lẽ từ đó, tôi đã nhìn thấy được phần nào nỗi khổ cực và khổ tâm của mẹ. Bất cứ người mẹ nào thương con đều muốn cho con mình sung sướng mà có khi lại vô tình để đứa trẻ chệch hướng, nhưng suy cho cùng cũng là vì thương con. Nếu một ngày bạn thấy đứa trẻ nào đó ngỗ nghịch, chớ trách mẹ của nó. Hãy nhớ lại đi, tuổi thơ của mình, bạn từng ngỗ nghịch thế nào, mẹ bạn đã khóc bao lần chỉ vì sợ con mình lầm đường lạc lối.

Rồi một ngày trong đời, chúng ta sẽ có con, rồi sẽ trải qua và hiểu thấu những nỗi niềm của người làm cha làm mẹ. Chúng ta sống bao nhiêu năm trên đời, người giúp đỡ bạn lúc ta khó khăn bệnh tật có thể không ít, nhưng người vui vì bạn khỏe mạnh, khóc vì bạn đau yếu, thương lo bạn cực khổ thiếu ăn thiếu mặc – cũng chỉ có mẹ.

Ngày tôi học tiểu học, năm đó học buổi chiều, mỗi sáng nghỉ ở nhà tôi đều thấy mẹ hâm lại cơm tối qua ăn với đồ ăn còn dư lại hay kho muối quẹt. Tôi hỏi mẹ sao không ăn món khác, mẹ nói mẹ thích ăn, ăn vậy mẹ thấy ngon. Thế là tôi cũng đòi ăn theo mẹ, ban đầu mẹ không cho, nhăn mặt bảo là cay lắm, nhưng tôi cứ một mực đòi ăn. Ngày lại ngày, cuối cùng mẹ cũng chiều lòng tôi nhưng nó đâu phải mĩ vị gì như tôi nghĩ. Lớn lên, tôi hiểu rằng đó là sự hi sinh của mẹ.

Đến một ngày tôi học đại học, xài hết tiền bố mẹ cho. Không dám gọi về nhà xin, tôi đi làm, tiết kiệm, ăn cơm với muối quẹt, canh rau…. Tôi nhớ đến câu nói của mẹ giáo sư An Kim Bằng, câu nói làm tôi ân tượng nhất trong tự truyện : “Nghèo đói là trường đại học tốt nhất”, nhớ đến người mẹ đã nhịn ăn nhịn mặc nuôi tôi khôn lớn… Trong tâm trí  tôi hiện lên bóng dáng mẹ đang đứng bên cạnh bếp cầm tô cơm nguội ăn với nước tương…

Tôi không dám ôm đồm tất cả mọi người mẹ trên đời này đều tốt. Vì nếu họ đều tốt sẽ không có cảnh thai nhi bị dìm chết trong nhà vệ sinh, cống rãnh, sẽ không có cảnh mẹ ngược đãi đánh đập con, bắt con mình biết đi chưa lâu quần áo mỏng manh đã cầm tờ vé số đi khắp chợ bán… và cũng sẽ không có những câu chuyện đau lòng khác. Riêng tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình có một người mẹ yêu thương mình bằng cả tấm lòng. Nhưng tôi cũng có niềm tin mãnh liệt rằng khi bạn đọc bài viết này, bạn sẽ nhận ra bạn là người hạnh phúc chừng nào khi bạn cũng đang có một người mẹ yêu thương bạn nhiều như thế.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn! 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN