Vì sao hôn nhân nguội lạnh?

Vài năm sau kết hôn, nhiều người coi việc vợ (hoặc chồng) phải chăm sóc mình là điều đương nhiên. Chính sự thờ ơ đó khiến những cuộc hôn nhân đi vào ngõ cụt.

n1Hai nhân vật chính của bộ phim Nhật Bản “Cuộc ly hôn hoàn hảo”. Ảnh: eastday.com

Bộ phim truyền hình Nhật Bản “Cuộc ly hôn hoàn hảo” có hai nhân vật chính là một cặp đôi tình cờ gặp nhau trong một trận động đất. Họ an ủi nhau trong nỗi sợ hãi và cùng đi bộ 3-4 tiếng trở về nhà. Tình yêu đến tự nhiên và rồi họ kết hôn.

Tuy nhiên không phải sự khởi đầu lãng mạn nào cũng có kết thúc hạnh phúc. Sau hai năm chung sống, dưới sự dày vò của củi lửa gạo dầu, tình yêu của họ lụi tàn dần. Khi một trận động đất khác xảy ra, người chồng đang ăn ở ngoài còn vợ ở nhà. Sau một hồi hoảng loạn, người vợ nhận được tin nhắn của chồng: “Chậu cây của tôi ổn chứ?”. Sau tin nhắn này, người vợ kiên quyết gửi đơn ly hôn. Mối quan hệ của cặp đôi bắt đầu từ trận động đất và cũng kết thúc bằng một trận động đất.

Sau khi ly hôn, người chồng luôn hỏi mọi người: “Tại sao tôi bị đối xử như vậy?”. Một người bạn nói: “Sau vài năm chung sống, anh thường coi vợ như chiếc tủ lạnh, hễ mở ra là có đồ ăn. Anh biết sẽ rất bất tiện nếu tủ lạnh bị vỡ nhưng lại chẳng biết cách để bảo dưỡng chúng”.

Trong hôn nhân, quan trọng hơn tình yêu đó chính là sự trưởng thành. Cho dù là một người đàn ông tốt, không ai có thể đảm bảo rằng anh ta sẽ không thay lòng đổi dạ.

Có một câu nói như thế này: “Bước vào hôn nhân, chỉ tình yêu là không đủ”. Tình yêu giữa hai người cần nhiều cảm thông, tha thứ, thỏa hiệp gấp trăm ngàn lần tình yêu đôi lứa. Điều mà hôn nhân cần là sự thấu hiểu, chung thủy và tình nghĩa.

Sự thấu hiểu

Một người phàn nàn với vợ: “Chỉ nấu ăn thôi sao mà cứ yêu cầu người ta cảm ơn em?”. Vợ anh nói: “Vì em không nói nên anh coi đó là điều hiển nhiên. Dù em có nấu ngon thế nào anh cũng chẳng bao giờ khen lấy một lời”. Người chồng bối rối và chống chế rằng, vợ chồng suốt ngày khen nhau thì thật là khách sáo. Người vợ giải thích: “Khi anh ăn ở ngoài, luôn phải trả tiền và nói lời cảm ơn tới người phục vụ. Nhưng ăn một bữa cơm ở nhà, nếu anh khen vợ một câu, tương đương với việc trả tiền thì xứng đáng không?”.

“Em không phải bảo mẫu của anh. Nấu ăn không phải công việc chính của em, nhưng em nghĩ anh hạnh phúc nên luôn cố gắng chăm chỉ”, người vợ nói.

Hôn nhân thực sự là chuyện của hai người. Nếu chỉ một người tốt, hôn nhân chưa chắc đã tốt. Một người xấu thì chắc chắn hôn nhân sẽ xấu. Nếu chỉ một người nỗ lực và người kia không thay đổi, cuộc sống cũng không thể tốt đẹp.

Sự chung thủy

Nếu một mối quan hệ đến hồi kết thúc, nếu không thể vượt qua nó, xin hãy thành thật, bởi ngoại tình là một hành vi hèn nhát.

Tôi có một người bạn ngoại tình khi cuộc sống vợ chồng trở nên tẻ nhạt. Vợ anh ấy khóc cả ngày khi biết chuyện và tức giận đến nỗi đến công ty chồng gây rối. Hai đứa con xấu hổ vì bố mẹ, không nghe lời và nổi loạn, gia đình trở nên rối ren. Anh ta đã rất hối hận vì gây ra tình cảnh hiện tại.

Không phân biệt nam hay nữ, hạnh phúc trong hôn nhân nằm ở việc kiểm soát được ham muốn của bản thân. Bất kể lý do gì, ngoại tình luôn có hại. Khi bạn có ý tưởng này, xin hãy nghĩ xem bản thân có thể chịu được những tổn hại cho gia đình và con cái của mình hay không.

Tình nghĩa

Ở quê tôi có một gia đình như vậy. Người chồng ngay từ nhỏ được bố mẹ chiều chuộng, lớn lên lại nhận được sự chăm sóc hết mình của vợ, ngoài 30 tuổi mà tính tình như một đứa trẻ. Cho đến khi người vợ bị ung thư, trước khi mất cô còn cố sắp xếp nhà cửa, tiền bạc chu đáo. Trong lúc hấp hối, người vợ nói với chồng: “Anh sẽ làm gì nếu em không còn? Nếu tính khí anh mãi bốc đồng như vậy làm sao có thể chăm sóc và nuôi nấng hai con?”.

Đến khi vợ mất, anh mới hiểu mình những gì người vợ đã làm cho gia đình. Cô ấy không chỉ là mẹ của các con anh, là vợ của anh mà còn là người tình, tri kỷ của anh. Cha mẹ sẽ có những đứa con khác, con cái sẽ có cuộc sống riêng của chúng. Tuy nhiên, trên đời này sẽ không có ai yêu anh như vợ anh, tha thứ lo lắng, miễn cưỡng chịu đựng anh …

n2Một cuộc hôn nhân tốt là biến người ta thành đứa trẻ, còn hôn nhân xấu thì biến họ thành một kẻ điên. Ảnh minh họa.

“Nếu cuộc đời là một bức tường trắng thì hôn nhân giống như vết lõm được tạo ra từ nắm đấm từ bàn tay”. Vết sẹo đó mãi mãi ở trên bức tường trở thành sẹo thời gian hay tiếp tục sơn để nó được nhẵn đẹp như trước, phụ thuộc vào sự phù hợp, chịu trách nhiệm và chia sẻ lẫn nhau của hai người.

Kết cục tồi tệ nhất trong một cuộc hôn nhân không phải là ly hôn, mà là trở thành một cặp vợ chồng “đeo mặt nạ” giả tạo, cuối cùng không còn tình yêu cũng như sự kỳ vọng dành cho nhau.

Một cuộc hôn nhân tốt là biến người ta thành đứa trẻ, còn hôn nhân xấu thì biến họ thành một kẻ điên. Khi không còn sống được bên nhau nên buông bỏ một cách thảnh thơi, bởi mục đích của kết hôn hay ly hôn cũng là để được sống hạnh phúc.

Chúng ta không có phương pháp nào chính xác để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc bền vững. Chỉ có thể học cách trưởng thành, học cách yêu nhau cho đúng và học cách chịu trách nhiệm.

Nguồn: Sohu

Vy Trang (Theo VnExpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN