Công tác chuẩn bị được tiến hành chu đáo, có 2 phòng theo dõi 72 giờ sau tiêm, nhà ăn… để hôm nay 60 người tình nguyện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được đảm bảo an toàn.
- Người tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc xin COVID được bảo hiểm tối đa 100 triệu
- Thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người: An toàn cho người tình nguyện ra sao?
- 6 điều cần biết về vắc xin COVID-19 sắp ‘cứu rỗi’ thế giới
Chuẩn bị tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên người tình nguyện sáng nay 17-12 – Ảnh: VIỆT DŨNG
Sáng nay 17-12, theo đúng lịch, 60 người tình nguyện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đã bắt đầu được tiêm mũi đầu tiên. Tất cả được tập trung về Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y.
Tại đây có 2 phòng theo dõi sau tiêm dành riêng cho nam và nữ, có 3 người thường xuyên trực tại mỗi phòng, được trang bị mọi vật dụng sinh hoạt.
Những người tình nguyện sẽ được theo dõi tại đây trong 72 giờ sau tiêm. Có 60 người tình nguyện nhiều lứa tuổi, được chọn trong số 300 người đăng ký.
Người tình nguyện sẽ được theo dõi sau tiêm trong 72 giờ trong căn phòng này – Ảnh: VIỆT DŨNG
“Khi người tình nguyện về gia đình, chúng tôi sẽ phối hợp với y tế xã phường để để đảm bảo mẫu nghiên cứu được đồng nhất và đánh giá được chính xác về mức độ an toàn của vắc xin”, ông Nguyễn Ngô Quang, phó cục trưởng Cục Khoa học – công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế – cho biết.
Vắc xin được tiêm lần này có tên Nanocovax, sản xuất trên công nghệ tái tổ hợp protein, liều tiêm gồm 2 mũi cách nhau 28 ngày. 60 người tiêm lần này được tiêm dò 3 loại liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg để tìm liều tiêm tối ưu.
Đây cũng là vắc xin đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm trên người. Tháng 2 và 3 năm 2021 sẽ có thêm 2 vắc xin Việt Nam bước vào khâu thử nghiệm này.
Ông Đỗ Quyết, giám đốc Học viện Quân Y, đơn vị tiến hành thử nghiệm hôm nay, cho biết với phong cách và sự chuẩn bị kỹ lưỡng truyền thống của quân đội, Viện Nghiên cứ Y dược học quân sự, Học viện Quân Y đã chuẩn bị rất kỹ các điều kiện cho cuộc thử nghiệm này.
Trong 2 ngày 15 và 16-12, Học viện đã tiến hành diễn tập trên mô hình, sẵn sàng trong trường hợp có tai biến sau tiêm và cần phải cấp cứu.
Ông Quyết nhận định việc chuẩn bị này là bước cần thiết nhưng cũng có thể khiến người tình nguyện hồi hộp. “Chúng tôi chuẩn bị đúng quy trình, nhưng vắc xin đã có đầy đủ hồ sơ minh chứng là an toàn qua thử nghiệm tiền lâm sàng”, ông Quyết nói.
Sau đợt thử nghiệm này, tháng 3-2021 tới Học viện Quân y sẽ tiến hành tiếp giai đoạn 2 của thử nghiệm trên người, dự kiến tiêm cho 400-600 người. Giai đoạn 3 dự kiến tiến hành vào tháng 8-2021, Bộ Y tế cho biết sẽ hỗ trợ thủ tục để nghiên cứu đa trung tâm: tiêm trên 10.000 người ở Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia.
Vắc xin COVID-19 Nanocovax, do Công ty Nanogen, Việt Nam sản xuất, có công suất mỗi lô 600.000 liều. Khi chính thức đi vào sản xuất, công ty có thể cung cấp mỗi tháng 5 triệu liều vắc xin. Giá thành vắc xin (sau khi trừ phần được nhà nước trợ giá) là 120.000 đồng/mũi tiêm, mỗi người tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày. Đây là vắc xin phải tiêm nhắc lại hàng năm, tương tự vắc xin ngừa cúm mùa. |
Theo Lan Anh – tuoitre.vn