Lợi và hại của việc cho trẻ xem tivi

Các phụ huynh ngày nay rất sợ cho trẻ xem tivi. Nhiều người cắt cáp, đặt mật khẩu, thậm chí là… cầm theo điều khiển để trẻ ở nhà không thể tự mở xem.

Ngày nay, chiếc tivi được xem là “cứu tinh” của nhiều bậc phụ huynh. Mỗi khi cho trẻ ăn, khi người lớn muốn giặt giũ, nấu ăn… họ bật tivi để có thể an tâm làm việc, vì đứa trẻ sẽ ngồi lì trước tivi mà chẳng đi đâu. Một số người biện hộ rằng trẻ xem tivi cũng tốt, vì chúng không chơi các trò mất an toàn khác, lại học được nhiều thứ hay.

Vậy, có nên cho trẻ xem tivi không? Dưới góc độ khoa học cũng như quan điểm của các nhà chuyên môn, xem tivi có những lợi ích và tác hại riêng.

Viện Nhi khoa Mỹ cho rằng không nên cho trẻ em dưới 2 tuổi xem tivi hoặc sử dụng các sản phẩm công nghệ. Cho đến khi chúng được 2 tuổi rưỡi, trẻ có thể xem tivi hoặc sử dụng các sản phẩm công nghệ mỗi ngày 1-2 giờ, dưới sự giám sát của cha mẹ.

Thậm chí, chuyên gia giáo dục người Anh Martin Lowson cho biết: “Nếu bạn có thể giữ cho trẻ không xem tivi trước 12 tuổi, điều này sẽ có lợi trong suốt cuộc đời chúng”.

tre xem tiviẢnh minh họa: QQ.com

Đương nhiên xem tivi lẫn sử dụng các thiết bị công nghệ có những tác hại dễ nhận thấy.

Làm giảm khả năng tập trung

Khi trẻ xem tivi, trông chúng có vẻ chăm chú, tập trung, nhưng trên thực tế, chúng lại không tích cực vận động các nhóm cơ kiểm soát sự tập trung. Đó đơn thuần là trạng thái kích thích quá mức, sẽ phá hủy sự hình thành khả năng tập trung.

Ảnh hưởng đến EQ

Khi trẻ xem tivi, trẻ chỉ tiếp thu một cách một chiều, không có sự giao tiếp và phản hồi. Do đó trẻ sẽ không thể phán đoán chính xác giá trị, quy mô sự việc. Nếu trẻ không có hiểu biết chính xác về bản thân và không giao tiếp tốt với người khác, trẻ không thể có EQ cao.

Hành vi bất thường

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em xem tivi, smartphone… hơn 5 giờ mỗi ngày có mối tương quan rõ ràng với bạo lực chống đối xã hội. Một mặt, trẻ bị ảnh hưởng bởi những nội dung truyền hình không tốt nên đã bắt chước một cách vô thức. Mặt khác, do trẻ em thiếu sự giáo dục và giám sát của cha mẹ nên chúng có những hành vi bất thường.

Giảm thời gian vận động

Trẻ ngồi yên khi xem tivi vô tình sẽ giảm thời gian vận động rất nhiều. Nếu trẻ không chịu vận động trong một thời gian dài dẫn đến tiêu thụ ít calo, cơ thể ì trệ. Nếu trẻ lạm dụng việc ăn vặt (vừa xem vừa ăn), cơ thể sẽ dần mất đi hình dáng đẹp, ngày càng trở nên không khỏe mạnh.

Thị giác ảnh hưởng

Một số trẻ ngửa cổ khi xem TV, điều này dễ gây ra hiện tượng lác mắt. Ánh sáng của tivi và hình ảnh thay đổi quá nhanh sẽ làm ảnh hưởng đến thị giác của trẻ.

Giấc ngủ bị tác động xấu

Nếu cho trẻ xem tivi trước khi đi ngủ, trẻ sẽ trở nên vô cùng phấn khích, não bộ không kịp nghỉ ngơi, tĩnh tâm. Điều này sẽ cản trở giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ không thể chìm vào giấc ngủ và dễ gặp ác mộng sau khi ngủ. Do đó, sáng tỉnh dậy, trẻ sẽ kiệt sức.

Vậy trẻ em xem tivi có lợi gì?

Một số nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng xem TV không phải là hoàn toàn có ích, nhưng nó không hoàn toàn là vô ích.

Năm 1997, nhà khoa học Morlin đã tiến hành một loạt thí nghiệm về trí nhớ trên trẻ em từ lớp 4 đến lớp 6. Ông yêu cầu trẻ ghi nhớ một số tài liệu tin tức, và nhận thấy tác dụng của việc ghi nhớ nội dung thông qua việc xem tivi tốt hơn việc ghi nhớ thông qua việc đọc.

Nhiều trẻ em gặp khó khăn trong việc ghi nhớ các văn bản. Tuy nhiên các em dễ dàng ghi nhớ các đoạn quảng cáo với lời thoại thu hút. Vì những hình ảnh động trên tivi rõ ràng, sinh động giúp trẻ dễ hiểu, trẻ dễ nhớ bằng hình ảnh hơn là lời nói.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng trẻ em trong độ tuổi đi học, khi xem các kênh khoa học và giáo dục thì trình độ phát triển ngôn ngữ của chúng sẽ được cải thiện đáng kể. Học ngoại ngữ bằng cách xem tivi hay qua các sản phẩm công nghệ sẽ tốt hơn là không sử dụng chúng. Một số chương trình dành cho trẻ em được sản xuất cũng góp phần làm cho hành vi và thói quen của trẻ tốt hơn.

Khi còn nhỏ, trẻ chưa thể đi khắp nơi. Vì vậy chúng ta có thể cho trẻ tìm hiểu về các loài động vật trên thế giới bằng cách xem “Thế giới động vật”, hay đơn giản là học các phương pháp gấp giấy origami khác nhau. Nhiều phim hoạt hình kinh điển có tác dụng trong việc tạo nền tảng cho việc học kiến thức mới ở trường. Do đó, cha mẹ có thể cho trẻ xem các chương trình tạp kỹ và chương trình thiếu nhi có ý nghĩa.

Xem tivi thế nào cho đúng cách?

Thật ra xem tivi không có gì đáng lo ngại, điều đáng lo là bạn không quan tâm đến con cái, để chúng tự xem tivi không biết nghỉ. Những việc mà bạn cần làm là:

Cần giới hạn thời gian

Tiến sĩ tâm lý học người Anh Siegman gợi ý rằng trẻ em từ ba đến bảy tuổi xem tivi mỗi ngày từ 30 phút đến một giờ. Trẻ em từ bảy đến mười hai tuổi xem một giờ mỗi ngày. Trẻ em từ 12 đến 15 tuổi xem mỗi ngày một giờ rưỡi, còn thanh thiếu niên trên 16 có thể xem hai giờ một ngày.

Bằng cách giới hạn thời gian, thị lực, giấc ngủ và sự tập trung của trẻ sẽ không bị ảnh hưởng, do trẻ có đủ thời gian tập thể dục, vận động…

Quy định nội dung trẻ em xem TV

Nội dung xem tivi phải hạn chế, không nên cho trẻ xem các chương trình có nhiều nội dung không phù hợp. Trẻ là đối tượng thích bắt chước, nếu chúng xem một video tiêu cực, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển hành vi của trẻ.

Tốt nhất là cho trẻ xem một số chương trình khoa học, một số chương trình tạp kỹ cho các hoạt động ngoài trời của trẻ, có thể nâng cao kiến thức cho trẻ. Trẻ cũng có thể xem phim hoạt hình, nhưng cha mẹ nên kiểm tra trước để biết nội dung có hợp không.

Đồng hành cùng con

Cha mẹ có thể ngồi cùng và giải thích nội dung trên tivi cho trẻ em. Nhờ thế, trẻ có thể hiểu sâu hơn những nội dung mà chúng chưa hiểu. Qua đó, trẻ mở rộng một số kiến thức từ cha và mẹ để phát triển về mặt tinh thần.

Cùng con xem tivi cũng giúp bạn điều chỉnh kênh kịp thời khi gặp chương trình không phù hợp cho con, nhằm tránh cho con học những thói hư tật xấu. Tuy nhiên, cần đảm bảo giải thích rõ ràng cho con bạn về việc tại sao bé không thể xem chương trình đó, để trẻ hiểu.

Nguồn: QQ

Thùy Linh (Theo VnExpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN