Thất nghiệp, phá sản bao trùm showbiz Trung Quốc

Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 khiến ngành giải trí Trung Quốc suy kiệt. Hiện tại, thị trường này nỗ lực vượt khó và dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng đầu năm 2020.

Giới giải trí Hoa ngữ đón nhận tin không vui ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, khiến năm 2020 trở thành cột mốc đáng quên trong lịch sử ngành.

Ngày 3/1 ngay khi năm mới vừa bắt đầu, chính phủ Trung Quốc chính thức thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng một “loại bệnh viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân” được phát hiện ở Vũ Hán. Bi kịch đã bắt đầu từ đây, khi Vũ Hán bị phong tỏa, dịch bệnh đã kịp bùng phát làm tê liệt tất cả.

Đại dịch Covid-19 ập đến khiến giới giải trí Trung Quốc có 6 tháng đầu năm suy kiệt.

Nửa năm suy kiệt

Covid-19 là đại dịch có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc – vùng tâm dịch của thế giới và đón nhận làn sóng khủng hoảng lẫn tổn thất kinh tế đầu tiên.

Giới chuyên môn đã kỳ vọng vào năm 2020 rực rỡ của showbiz Hoa ngữ, ngay cả khi họ vừa trải qua một năm 2019 vô cùng ảm đạm. Thế nhưng, đại dịch Covid-19 quét qua đã khiến mọi toan tính đi chệch quỹ đạo.

g1Thất nghiệp, phá sản bao trùm showbiz Hoa ngữ trong nửa đầu năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm, giới giải trí Hoa ngữ gần như rơi vào cảnh “chết lâm sàng” khi mọi hoạt động nghệ thuật đều bị đình trệ, để ưu tiên cho công tác phòng chống dịch bệnh lây lan.

Cuộc “khủng hoảng” bất ngờ ập đến khiến rất nhiều diễn viên, nhà sản xuất rơi vào cảnh thất nghiệp, nhiều công ty sản xuất, tổ chức sự kiện phải đóng cửa vì thâm hụt nguồn vốn nghiêm trọng.

Ngành công nghiệp phim ảnh là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bệnh dịch. Mùa phim Tết tại Trung Quốc bị kéo sập hoàn toàn bằng động thái chưa có tiền lệ trong lịch sử, hoãn ra mắt 7 tác phẩm điện ảnh.

Mức độ càn quét của virus corona còn khiến hơn 70.000 rạp chiếu phim trên khắp Trung Quốc lâm cảnh đóng cửa dài hạn. Một số rạp thậm chí tính đến chuyện phá sản, sa thải nhân sự vì lo ngại không có đủ tiền duy trì “sự sống” cho đến khi dịch đi qua. Con số thiệt hại ước tính của ngành điện ảnh chỉ trong 2 quý đầu năm đã lên đến 2 tỷ USD, theo Xinhua.

Tân Hoa Xã cho biết Wanda Film, chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Trung Quốc, dự định báo lỗ ít nhất 214 triệu USD trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, hệ thống rạp Jinyi Film thông báo lỗ từ 45 đến 50 triệu USD.

Các sự kiện âm nhạc lớn nhỏ tập trung đông người trên cả Trung Quốc đều bị hủy bỏ hoàn toàn. Địa điểm tổ chức đại nhạc hội như Trùng Khánh NUST, Lan Châu Live house, Côn Minh MAO, Trung tâm Văn hóa Mercedes-Benz Thượng Hải… đều tuyên bố đóng cửa. Thiệt hại trong 3 tháng đầu năm vượt mốc 300 triệu USD với hơn 20.000 buổi biểu diễn bị hủy bỏ, theo Ifeng.

Theo Thời báo Kinh tế Bắc Kinh, tính đến nay, đã có 5.328 công ty điện ảnh và truyền hình phá sản. Con số này tăng gấp 2 lần so với năm 2019.

Thống kê từ Tổng Cục Phát thanh và Truyền hình Trung Quốc, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình đang sử dụng hơn 500.000 lao động. Mùa dịch, có đến hơn phân nửa nhân viên hoặc chấp nhận làm việc với mức lương giảm đến 60% hoặc nghỉ ngang không quyền lợi.

Những người làm việc trong lĩnh vực sân khấu, tổ chức sự kiện âm nhạc cũng bị nghỉ không lương vô thời hạn. Ngoài ra, có đến 100.000 diễn viên, đạo diễn, nhân viên kỹ thuật và hậu trường lâm vào cảnh thất nghiệp. Trong đó, có đến 50% nghệ sĩ không có phim đóng trong năm 2020, phải chuyển sang hoạt động trên các nền tảng trực tuyến, bán hàng online hoặc bỏ nghề.

Cũng vào mùa dịch, những tuần dài tin tức về chỉ số chứng khoán lao dốc không phanh của hàng loạt các công ty giải trí, phát hành phim lớn nhất Trung Quốc như Hoa Nghị Huynh Đệ, Đường Đức, Hoa Sách, Vạn Đạt… liên tục xuất hiện trên mặt báo.

Thiệt hại kinh tế chưa được thống kê cụ thể. Tuy nhiên, con số được dự đoán lên tới hàng trăm triệu USD. Báo cáo tài chính dịp cuối năm của Văn hóa Bắc Kinh – công ty điện ảnh hàng đầu đất nước tỷ dân lỗ hơn 350 triệu USD.

g2Diễn viên quần chúng ở những phim trường lớn như Hoành Điếm sống chật vật, túng thiếu trong mùa dịch.

Hoành Điếm – phim trường lớn nhất thế giới, nơi tạo công ăn việc làm cho hơn 10.000 người – cũng lần đầu bị liệt vào danh vào danh sách thất tín, nợ xấu. Theo Sohu, đơn vị này hiện đối mặt với khoản nợ khó thanh toán 45.000 USD. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều diễn viên quần chúng lâm vào cảnh khốn khó vì kế sinh nhai bị ảnh hưởng.

“Có khoảng vài trăm nghìn người trong ngành công nghiệp giải trí đã mất việc từ đầu năm đến nay. Sự ảm đạm, túng thiếu bao trùm thị trường màu mỡ nhất thế giới”, TMTPost cho hay.

Nỗ lực vực dậy showbiz

Sau khi qua đỉnh dịch, ngành giải trí Hoa ngữ đã phải tìm nhiều cách để tự cứu lấy mình. Nỗ lực cứu trợ từ phía chính phủ với chính sách giảm thuế, khuyến khích chủ nhà miễn tiền cho thuê mặt bằng dần giúp showbiz Hoa ngữ bước qua vùng tối, khôi phục hoạt động sau hơn nửa năm tê liệt.

Ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng cũng là lĩnh vực tái hoạt động đầu tiên trong mùa dịch. Từ giữa tháng 2, khi bệnh dịch được khống chế sơ bộ, Hoành Điếm đã mở cửa trở lại, nối lại hoạt động sản xuất.

Tuy nhiên, công tác cách ly, chống dịch tại phim trường phải được tất cả ê-kíp tuân thủ và chấp hành nghiêm ngặt. Theo Ifeng, chỉ sau một tháng, 31 đoàn phim với tổng số 5.000 người đã có thể quay hình trơn tru, an toàn tại phim trường lớn nhất thế giới.

Để san sẻ gánh nặng kinh tế, giúp nhà sản xuất vượt qua khó khăn, lãnh đạo Hoành Điếm đã miễn phí tiền thuê trường quay cho tất cả ê-kíp trong thời gian đóng máy. Hiệp hội diễn viên Hoành Điếm đã trích quỹ trợ cấp 45 USD tiền thuê nhà, 30 USD tiền sinh hoạt phí cho nhiều diễn viên quần chúng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Điện ảnh Trung Quốc cũng phát động chiến dịch kêu gọi giảm tiền thuê mặt bằng, chính phủ giảm tiền thuế cho chủ các rạp chiếu phim đang lâm cảnh phá sản vì không thể mở cửa đón khách dài hạn. May mắn là các chính sách đã có tác động tích cực đến ngành điện ảnh.

g3Chính quyền Trung Quốc cố gắng khôi phục lại hoạt động của ngành giải trí sau dịch.

Giữa tháng 7, sau 175 ngày đình chỉ hoạt động vì dịch Covid-19, Cục Quản lý Điện ảnh Trung Quốc cho phép rạp chiếu phim mở cửa trở lại. Tuy nhiên, hệ thống rạp chiếu được yêu cầu bán vé không quá 30% số ghế ngồi trong mỗi xuất, không bán đồ ăn thức uống, thời lượng chiếu phim không được vượt quá 2 tiếng và phải tuân thủ quy định phòng dịch cơ bản một cách nghiêm ngặt.

6 tháng cuối năm 2020, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình Trung Quốc đã có dấu hiệu phục hồi rất tích cực trong thời kỳ hậu bệnh dịch. Theo thống kê của Maoyan, tổng doanh thu phòng vé trong tuần lễ vàng Quốc khánh đạt hơn một tỷ USD. Trong đó, My People, My Homeland; Leap; Khương Tư Nha và Cấp tiên phong đều đạt doanh thu vượt mốc hơn 15 triệu USD trong 3 ngày đầu công chiếu.

Đặc biệt, Khương Tử Nha có thành tích ấn tượng 245 triệu USD trong 60 ngày ra mắt khán giả. Con số này giúp tác phẩm trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất thế giới trong năm nay, tính đến thời điểm hiện tại.

Theo Tân Hoa Xã, tính đến ngày 6/12, tổng doanh thu phòng vé quốc gia năm 2020 đã đạt được 2,6 tỷ USD, thiếu 450 triệu USD để đạt được mức doanh thu ngang bằng với năm 2019. “Ngành điện ảnh có tốc độ chữa lành và phục hồi đáng kinh ngạc chỉ trong 6 tháng cuối năm”, tờ báo hàng đầu Trung Quốc nhận xét.

Tân Hoa Xã cho biết Tổng cục Điện ảnh và Phát thanh Truyền hình Trung Quốc đã xét duyệt và đưa vào kho lưu trữ quốc gia 50 tác phẩm điện ảnh lẫn truyền hình làm bước chạy đà hoàn hảo cho năm 2021.

“Với đà tăng trưởng hiện tại, con số 3 tỷ USD doanh thu phòng vé nằm trong tầm tay của ngành điện ảnh Trung Quốc. Sau khi sự ‘tắc nghẽn’ được khơi thông, giờ là lúc ‘đạp ga’ và ‘tăng tốc’ để hướng về năm 2021 thịnh vượng”, Ifeng nhận định.

Trong mùa dịch, thời lượng phát sóng và tỷ suất rating của mảng phim truyền hình dài tập, show thực tế chiếu mạng tăng vượt bậc. Theo số liệu do IQiyi và Mango TV công bố, tổng rating năm 2020 của họ tăng lần lượt 36% và 101%.

g4Showbiz Hoa ngữ trở lại sôi động dịp cuối năm với nhiều sự kiện lớn.

Không chỉ ngành điện ảnh và truyền hình, lĩnh vực thương mại điện tử và giải trí online nhờ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng có đà tăng trưởng vượt bậc và trở thành xu hướng mới trong showbiz Hoa ngữ.

Theo Sina, với quy định mới kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức năng, thanh lọc đi những mầm mống nguy hại, lĩnh vực này được dự đoán tiếp tục duy trì sức hút của mình trong năm mới.

Việc phòng chống bệnh dịch nghiêm ngặt ngay từ những ngày đầu cũng đã giúp cho hàng loạt chương trình giải trí phát sóng truyền hình, lễ trao giải, sự kiện thời trang dịp cuối năm diễn ra thuận lợi, an toàn.

Theo Tân Hoa Xã, hiện tại mọi lĩnh vực trong ngành giải trí Trung Quốc đã khôi phục khoảng 80%. Đáng tiếc, do bệnh dịch vẫn còn chưa chấm dứt, vì vậy chính quyền Đại lục vẫn tạm thời “đóng băng” các sự kiện âm nhạc quy mô lớn.

Di Hy (Theo Zing.vn)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN