Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 416_VVM
Họ tên: Bùi Vân Anh
Địa chỉ: Huyện Kim Bôi – Tỉnh Hòa Bình
————————————–
Mẹ lấy chồng năm 17 tuổi, con gái dân tộc, lớn lên trong những năm chiến tranh học đến lớp 6 là tốt lắm rồi. 20 tuổi mẹ sinh tôi trong cái khó khăn của bệnh viện miền núi khi gặp một ca sinh khó. Mẹ có cơn đau từ chiều 29 Tết, thế mà ra giêng đến tận mồng 6 tôi mới chào được bằng phương pháp kẹp mocxep hút điện. Do đó tôi sinh ra với cái chân trái bị quặt ngược không dễ dàng đi lại, mẹ và bà từng đêm hơ lửa nắn lại chân cho tôi. Kiên trì và cố gắng dù ba mẹ đã xác định tình huống xấu nhất là sau này lớn lên cho tôi đi chăn vịt ven bờ suối. Vì những người bị hút điện như tôi, đa phần lớn lên đều bị lật đật, chân tay giật giật, co quắp, tôi may mắn hơn họ, tôi chỉ bị quặt chân, tôi bị nhẹ nhất dù tôi là con gái.
Tôi 2 tuổi mẹ sinh thêm đứa em, tôi lên 5 mẹ sinh thêm em nữa, thế là 25 tuổi mẹ đã là mẹ của ba đứa con gái. Những đứa em kế tiếp liên miên ra đời khiến tôi ít có thời gian ở gần mẹ, 4 tuổi tôi sang ở cùng ông bà ngoại, tròn 5 tuổi tôi được gửi ra nhà bác tận ngoài thị trấn để đi học lớp vỡ lòng chuẩn bị vào lớp 1. Tôi xa ba mẹ từ đấy.
Mỗi cuối tuần ba ra đón tôi bằng chiếc sim-son kêu è è của ông, nhưng đến chiều chủ nhật lúc nào ông cũng bận công việc đâu đó, chỉ còn mẹ và hai đứa em ở nhà nên không có ai đưa tôi. Mẹ thường nhờ ai đó trông em rồi đưa tôi đi một đoạn, và bảo:
– Con đi đi, mẹ nhìn đường cho!
Tôi mếu máo, toan khóc, mẹ lại động viên: – Đi đi, có mẹ nhìn rồi mà, con yên tâm!
Đoạn đường miền núi dài hai km những năm 90 thật không đơn giản tí nào, người thưa, đường vắng, tôi 5 tuổi vẫn lẫm chẫm bước đi, trên vai là túi cá suối, khi thì gói xôi mẹ đồ cho sẵn.
Những lần đầu tôi cứ vừa đi vừa ngoái lại, khi khuất dáng mẹ tôi lại hì hục chạy quay ngược lại, nước mắt lã chã, vừa đi vừa nức nở khóc gọi mẹ ơi, nhưng khi thấy mẹ vẫn đứng ở con dốc đầu làng nhìn theo và mỉm cười dung dị, tôi lại bước đi tiếp, trong thâm tâm cảm thấy yên tâm vì tin rằng ở con dốc đầu làng mẹ tôi vẫn đứng nhìn, dõi theo từng bước tôi đi.
Tôi đã sống xa ba mẹ 5 năm tiểu học như thế, tôi tự lập tự lo cho mình từ khi mới là một con nhóc tiểu học. Những lần mẹ đi chợ huyện vào thăm mua cho gói kẹo dừa, tôi vẫn thường ôm túi kẹo mẹ mua, đêm nhai kẹo mà thút thít khóc vì nhớ nhà, nhớ mẹ. Chỉ đến lúc học cấp 2 tôi mới được sống cùng ba mẹ khi ba mẹ tôi quyết định chuyển nhà ra thị trấn để tiện cho việc học hành của ba đứa con gái. Nhưng năm 15 tuổi tôi lại thi đỗ hệ chuyên của nội trú tỉnh thế là lại tiếp tục đi xa, ba mẹ không đưa tôi đi, chỉ đưa tôi ra bến xe, với một chiếc hòm tôn do người bác đóng cho, tôi bắt xe lên thị xã một mình, tự làm thủ tục nhập học, tự xoay sở với những bỡ ngỡ thiếu thốn của thành thị trong lần xa nhà thứ 2. Cuộc sống với những khó khăn không hề làm gục ngã được tôi, đứa con gái được ba mẹ rèn cho tính tự lập, tự thân vận động từ hồi bé nhỏ. Tôi bình thản với mọi chuyện, tươi tắn với cuộc đời, tích cực tham gia mọi hoạt động ở trường ở lớp và học khá. Tôi luôn ở thế chủ động và tự chủ mọi chuyện bằng nghị lực phi thường và niềm tin mạnh mẽ “Mọi chuyện đều có cách giải quyết và mọi con đường đều có lối ra.”
Sau này tôi cũng tự đi thi đại học, tự kiếm việc làm thêm và tự xin việc sau khi tốt nghiệp đại học. Tất nhiên cuộc sống không thực sự hoàn hảo với bất kỳ ai hết, tôi cũng có lúc thất bại, đổ vỡ trong tình cảm như bất kỳ một người trẻ nào khác, nhưng tôi luôn biết đứng lên vì cảm thấy ánh mắt của mẹ luôn dõi theo tôi, nếu tôi gục ngã, nếu tôi không nỗ lực cố gắng nghĩa là tôi đã phụ công nuôi dưỡng và niềm tin của bố mẹ. Kỳ thực sau này tôi biết, mẹ tôi không hề đứng đó mãi, bà còn bận trông 2 em tôi, nhưng bà đã đứng thật lâu như chôn chân trong những lần đầu tiên, khi trái tim của người mẹ đau đến bóp nghẹt đến chảy nước mắt khi để con gái bé nhỏ bước trên đường heo hút một mình mà không thể khóc, mà vẫn phải cười khi con gái nức nở quay lại.
Vì thế mà tôi hiểu, đôi khi yêu thương không thể nói thành lời, đôi khi người mẹ nghiêm khắc với đứa con, quay đi che giấu giọt nước mắt không hẳn đã là không yêu thương. Mẹ rèn cho con tính tự lập, mẹ bắt con tự xoay sở mà vẫn dõi theo mới là cách khiến con khôn lớn và trưởng thành. Tôi ngày hôm nay khôn lớn, nhưng trong trái tim của đứa con 30 tuổi, mỗi lần nhớ đến hình ảnh mẹ đứng ở con dốc đầu làng mỉm cười dung dị vẫn luôn khiến trái tim tôi khắc khoải, nước mắt tràn mi và nghẹn ngào.
Viết cho mẹ, mùa Vu Lan 2015
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!