Đây là dự án vắc xin (vaccine) được triển khai nhanh nhất trong lịch sử ngành sản xuất vắc xin ở Việt Nam. Vắc xin ngừa COVID-19 của Việt Nam có tên Nanocovax.
- Vắc xin COVID-19 của Việt Nam được thử nghiệm trên người ra sao?
- Nhiều người dân tình nguyện thử vắc xin COVID-19 của Việt Nam
- WHO lo giá máy bay cao ngất ngưởng khi bắt đầu vận chuyển vắc xin
Vắc xin của Nanogen có tên Nanocovax bắt đầu được triển khai thử nghiệm lâm sàng từ hôm nay – Ảnh: DUYÊN PHAN
Nếu mọi sự suôn sẻ, đến cuối năm 2021 Việt Nam sẽ có vắc xin nội địa.
Trong khi đó, các nước Nga, Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc đều thông báo đã và sắp tiêm chủng vắc xin cho cộng đồng. Việt Nam đã đặt hàng vắcxin ngoại, nhưng bao giờ được mua, mua số lượng bao nhiêu và bao giờ sẽ triển khai tiêm ngừa… là vấn đề đang được người dân rất quan tâm.
Khi nào người dân được tiêm vắcxin COVID-19?
Ngoài nỗ lực đàm phán mua vắcxin nước ngoài, Bộ Y tế cho biết đã tạo thuận lợi nhất cho các dự án nghiên cứu, sản xuất vắcxin trong nước. Khả quan nhất là dự án phát triển vắcxin Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen.
Hôm nay 10-12 dự án này bắt đầu khởi động chương trình thử nghiệm trên người, tháng 8-2021 thử nghiệm trên người giai đoạn 3 và nếu suôn sẻ thì năm 2022 mới đi vào sản xuất để phục vụ rộng rãi.
Ngoài Nanogen, còn hai nhà sản xuất vắcxin có tiềm năng khác. Dự kiến tháng 2 và tháng 3-2021 vắcxin của Viện Vắcxin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) và của Công ty Vắcxin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) được lần lượt đưa vào thử nghiệm trên người.
Theo Bộ Y tế, việc gần như cùng lúc có đến ba nhà sản xuất đưa vắcxin vào thử nghiệm trên người cho thấy năng lực phát triển vắcxin của Việt Nam, bởi trong số hơn 200 nhà sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 toàn cầu, đến 2-12 mới có 51 nhà sản xuất đã thử nghiệm vắcxin trên người.
Ông Nguyễn Ngô Quang – phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo Bộ Y tế – cho biết các nhà sản xuất đã có vắcxin đưa vào sử dụng đều đã rút gọn quy trình và vẫn trong quá trình vừa tiêm vừa nghiên cứu. Như vắcxin của Nga, ngay khi có dữ liệu thử nghiệm vắcxin giai đoạn 2 thì cơ quan chức năng nước này đã cấp phép để đưa vào sử dụng.
Liệu Việt Nam có nên rút ngắn quy trình tương tự (tháng 4-2021 vắcxin Nanocovax đã bước vào thử nghiệm giai đoạn 2) để có thể đưa vắcxin nội địa vào sử dụng sớm hơn, ông Quang cho biết Bộ Y tế đã và sẽ rút ngắn quy trình về hành chính, khi có 50% dữ liệu giai đoạn 1 sẽ cho triển khai thử nghiệm giai đoạn 2 và tương tự với giai đoạn 3. “Nhưng nếu cho rút gọn hơn nữa thì sẽ vi phạm các quy định trong nghiên cứu, phát triển vắcxin” – ông Quang chia sẻ.
Vắcxin có tên Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đang được nghiên cứu sản xuất – Ảnh: DUYÊN PHAN
Đã ký một thỏa thuận ghi nhớ mua vắcxin
Theo thông tin, Việt Nam đã liên tục thương thảo, đàm phán để tiếp cận nguồn vắcxin ngừa COVID-19 của Nga, Anh, Mỹ, Trung Quốc. Trong số này đã có một thỏa thuận ghi nhớ với nhà sản xuất vắcxin được ký kết, tuy nhiên số lượng vắcxin Việt Nam sẽ mua và nhiều điều khoản liên quan hiện đang được bảo mật.
Riêng với vắcxin của Nga, đã có một số lượng nhỏ được chuyển về Việt Nam. “Bộ Y tế đã giao đơn vị trực tiếp làm việc với bốn đối tác lớn phía Nga, chúng tôi đã có trao đổi nhưng chưa có quyết định cụ thể. Nga đã cung ứng một số liều cho Bộ Quốc phòng, nhưng phải theo quy định về đăng ký vắcxin, phải thử nghiệm lâm sàng trước khi sử dụng.
Bộ cũng đặt vấn đề phối hợp giữa nhà sản xuất của Nga với công ty vắcxin trong nước, nghiên cứu và triển khai phối hợp sản xuất, đang trong quá trình trao đổi thông tin. Bộ Y tế đã có kế hoạch về việc đoàn công tác sang làm việc, nhưng do yêu cầu cách ly 14 ngày nên quá trình này đang chậm lại” – đại diện Bộ Y tế chia sẻ.
Với vắcxin của Mỹ, Bộ Y tế cho biết nước này đã có hai công ty có vắcxin và Bộ Y tế đã liên tục đàm phán với đối tác, trong đó có nhà sản xuất Pfizer.
“Hiệu quả với vắcxin này tới 95% nhưng điều kiện bảo quản là -75 độ C nên tiếp cận khó khăn. Tuy nhiên, ở Việt Nam đã có đơn vị đầu tư kho lạnh để bảo quản vắcxin ở điều kiện nhiệt độ như yêu cầu này” – đại diện Bộ Y tế thông tin.
Bà Nguyễn Minh Hằng – phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế – xác nhận cục đang xây dựng một kế hoạch về sử dụng vắcxin ngừa COVID-19. Tuy nhiên ai sẽ được tiêm vắcxin, đợi có đủ vắcxin để tiêm rộng rãi hay tiêm cho đối tượng nguy cơ cao trước… thì bà Hằng cho biết hiện kế hoạch mới ở mức dự thảo.
Bà Hằng cho hay các chuyên gia quốc tế cũng đề nghị không thể có đủ số lượng vắcxin đáp ứng yêu cầu ngay nên sẽ tiêm cho đối tượng nguy cơ trước, như nhân viên y tế, người già, người có bệnh nền.
Thử nghiệm vắcxin Nanocovax: 60 người tiêm đợt đầu
Theo thông báo từ cuộc họp ngày 9-12, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Hội đồng đạo đức y sinh quốc gia) đã thẩm định và thông qua hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 đối với vắcxin Nanocovax do Công ty Nanogen sản xuất. Hội đồng giao cho nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y làm chủ trì đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng này. Số lượng, tiêu chuẩn lựa chọn tình nguyện viên, nội dung thông tin cung cấp cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu đã được hội đồng thông qua. Theo kế hoạch, hôm nay 10-12 Học viện Quân y sẽ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắcxin COVID-19, thông báo thu tuyển người tình nguyện tham gia nghiên cứu, ngày 17-12 sẽ tiêm mũi vắcxin đầu tiên cho người tình nguyện tham gia nghiên cứu giai đoạn 1. Giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện khỏe mạnh 18 – 50 tuổi tham gia và được phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm: nhóm 1a gồm 20 người, dùng mức liều 25mcg sẽ được thu tuyển đầu tiên; nhóm 1b gồm 20 người dùng mức liều 50mcg và nhóm 1c gồm 20 người dùng mức liều 75mcg. Tất cả tình nguyện viên sẽ được tiêm bắp 2 mũi vắcxin, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 28 ngày. Tháng 4-2021, vắcxin này sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trên ít nhất 400 người. Giai đoạn 1 sẽ tập trung theo dõi tính an toàn của vắcxin, giai đoạn 2 theo dõi tính sinh miễn dịch. |
Đông Nam Á đua nhau mua vắcxin Các quốc gia Đông Nam Á đang trong cuộc đua giành suất mua vắcxin ngừa COVID-19 bằng nhiều cách, từ vắcxin do Trung Quốc sản xuất đến vắcxin của Anh, Mỹ. Indonesia, quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất Đông Nam Á, hôm 7-12 đã trở thành nước đầu tiên ở khu vực nhận được vắcxin đã đặt mua. Lô 12 triệu liều vắc xin COVID-19 do Trung Quốc phát triển đã được chuyển tới Indonesia cuối tuần qua – Ảnh: AP Tại Campuchia, chính quyền đã kêu gọi sự vào cuộc của xã hội, chung tay chia sẻ với chính phủ trong việc mua vắcxin. Tính đến cuối ngày 8-12, chỉ trong vòng 24 tiếng sau khi ra lời kêu gọi, nhà chức trách Campuchia đã quyên góp được 30 triệu USD từ các doanh nghiệp và người dân. Phnom Penh không nói rõ đang nhắm tới vắcxin của nước nào. Thái Lan, nước láng giềng của Campuchia, đặt kế hoạch sẽ tiêm vắcxin miễn phí cho 13 triệu dân. Để làm được điều này, chính quyền Bangkok đã chi 200 triệu USD để mua 26 triệu liều vắcxin do Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển. Số vắcxin này dự kiến sẽ giao vào giữa năm 2021. Malaysia và Philippines, các quốc gia có nhiều người nhiễm COVID-19 khác, trước đó đã ký thỏa thuận mua vắcxin của Anh và Mỹ. Singapore cũng đang trông chờ nhận lô vắcxin đầu tiên Moderna trong tháng này. Tuy nhiên, đảo quốc sư tử còn nhìn xa hơn khi đang ra sức cải tạo sân bay Changi thành một trung tâm phân phối vắcxin COVID-19 toàn cầu. Vắcxin nhập cũng cần thời gian thử nghiệm Ông Trần Đắc Phu – nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – cho biết hiện trên thế giới có rất nhiều ứng viên về vắcxin COVID-19. Đến nay đã có một số loại vắcxin COVID-19 của Mỹ, Nga, Trung Quốc được tiêm cho người dân. Còn tại Việt Nam hiện có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắcxin COVID-19, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắcxin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (POLYVAC), Viện Vắcxin và sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (NANOGEN). Việc có vắcxin, kể cả vắcxin trong nước hay vắcxin nhập khẩu để tiêm cho người dân Việt Nam nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2021, đầu năm 2022. Vì vắcxin được nhập vào Việt Nam cũng phải trải qua nhiều quy trình về kỹ thuật, thử nghiệm… Giai đoạn đầu, vắcxin sẽ ưu tiên tiêm cho cán bộ y tế, những người có nguy cơ lây bệnh cao. Và khi số lượng lớn người dân được tiêm vắcxin thì mới có tác dụng miễn dịch cộng đồng. Do vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Chính phủ, Bộ Y tế Việt Nam vẫn yêu cầu chính quyền, đặc biệt là người dân, không được chủ quan, không quá trông chờ vào vắcxin mà phải luôn tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Người dân phải luôn thực hiện phòng dịch cho chính mình theo khuyến cáo 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế) của Bộ Y tế để tránh lây bệnh từ những trường hợp nhập cảnh. THÙY DƯƠNG Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu sản xuất vắcxin chống COVID-19 – Ảnh: DUYÊN PHAN Đại diện Công ty Nanogen: Nếu thuận lợi, vắcxin Việt Nam có thể sớm được tiêm đại trà vào tháng 5 Đại diện Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (gọi tắt Nanogen) cho biết dự án nghiên cứu vắcxin phòng COVID-19 của công ty đã đi đến giai đoạn sắp tiêm thử nghiệm trên người. Trước mắt, người dân có thể hiểu giai đoạn đầu tiên (giai đoạn 1) sẽ thử nghiệm trên tình nguyện viên, đều do Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) phụ trách tuyển chọn. Về tuổi từ 18 – 50, đảm bảo khỏe mạnh (không mắc các bệnh truyền nhiễm, mãn tính…), phải được sàng lọc qua một số kiểm tra cận lâm sàng cơ bản và đặc biệt không phải người có nguy cơ cao nhiễm COVID-19. Ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3 chỉ có thay đổi về độ tuổi tình nguyện viên từ 12 – 75 tuổi, mở rộng ra độ tuổi có sức đề kháng yếu hơn. Trong đó, giai đoạn 2 dự kiến thực hiện vào giữa tháng 1-2021 ở TP.HCM (có thể tại Viện Pasteur) với quy mô thử nghiệm 400 – 600 tình nguyện viên. Quá trình thử nghiệm lâm sàng có thể kéo dài 6 tháng. Nếu các kết quả thử nghiệm thuận lợi thì khoảng tháng 5-2021 vắcxin có thể được tiêm chủng đại trà. HOÀNG LỘC |
Theo LAN ANH – NGỌC AN – tuoitre.vn