Lí do nghỉ việc là câu hỏi phổ biến nhất khi bạn tham dự một cuộc phỏng vấn. Đây là câu hỏi “làm khó” nếu ứng viên không đưa ra được câu trả lời thuyết phục. Vậy làm thế nào để khéo léo bày tỏ được lí do nghỉ việc hợp lí, tạo sự hài lòng và gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng?
Các chuyên gia nhân sự giàu kinh nghiệm đã gợi ý 5 cách trả lời giúp bạn dễ dàng thuyết phục nhà tuyển dụng tin rằng lí do nghỉ việc ở công ty cũ là hoàn toàn chính đáng.
Tôi nhận thấy mình không còn phù hợp với công việc đó
Rất nhiều doanh nghiệp, công ty, tổ chức… hiện nay chuyển đổi mô hình hoạt động hoặc tái cấu trúc lại hệ thống nhân sự. Đây là lí do rất nhiều người đã không được phân công công việc đúng như nguyện vọng hoặc chuyên môn của họ.
Với lí do này bạn có thể khéo léo chia sẻ một cách gợi mở, đừng nói quá chi tiết về công ty cũ để gây ấn tượng xấu với nhà tuyển dụng khi họ cho rằng bạn đang cố kể lể về điều tiêu cực.
Tốt nhất bạn nên nhấn mạnh rằng mình đã may mắn được làm việc với người quản lí tốt, đồng nghiệp rất gắn kết sẵn sàng hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, thay đổi và tái cấu trúc nhân sự là quyết định ở lãnh đạo cao cấp và bạn thấy mình không còn phù hợp với vị trí mới nên quyết định nghỉ việc và bạn đã nhận thấy công việc mới này đúng với mục tiêu của mình.
Tôi muốn tìm kiếm một cơ hội phát triển mới
Điều này được xem là một trong các lý do lý tưởng nhất để trả lời về lí do rời đi trong các cuộc phỏng vấn tìm việc làm tại TPHCM hoặc bất cứ nơi đâu khác. Nhà tuyển dụng có xu hướng hài lòng với câu trả lời về ý chí của ứng viên. Tìm kiếm cơ hội mới cho bản thân phát triển và chấp nhận các thử thách để vượt qua cũng là đặc điểm họ mong đợi tìm thấy ở ứng viên của mình.
Hãy chia sẻ rằng bạn rất biết ơn công ty cũ, ở đó bạn đã được làm việc, học hỏi, tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho bản thân ngày càng tốt hơn như hiện tại. Bây giờ bạn muốn thay đổi, muốn tìm kiếm một cơ hội phát triển để có thể khai thác hết thế mạnh tiềm ẩn của bản thân. Hãy khéo léo thể hiện cá tính quyết đoán và bản lĩnh của một người dám chấp nhận rủi ro và thử thách thay vì mờ nhạt an phận. Nếu nhà tuyển dụng thuộc kiểu người thích chinh phục, khám phá thì bạn sẽ dễ tạo được ấn tượng tốt. Bạn có thể thăm dò vấn đề này trước khi tham dự phỏng vấn để có cách thể hiện phù hợp.
Lí do cá nhân của bạn tại thời điểm nghỉ việc
Bạn có thể nêu ra một lý do thuộc về hoàn cảnh gia đình riêng vào thời điểm nghỉ việc. Chẳng hạn bạn phải chăm sóc người thân ốm, chăm con nhỏ (nếu bạn đã lập gia đình và đang làm bố, mẹ trẻ) hoặc bất kì tình huống nào đó khiến bạn phải tạm dừng công việc để giải quyết. Bạn tự nguyện nghỉ việc vì không muốn ảnh hưởng đến công việc chung của công ty.
Đừng quên nhấn mạnh việc bạn đã trải qua hoàn cảnh đó một cách tốt đẹp, hoàn thành nhiệm vụ ổn thỏa và hiện tại không còn vướng bận về điều đó nữa. Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để quay lại làm việc tốt, đầu tư toàn tâm toàn lực cho công việc này nếu như được nhận.
Tôi muốn chuyển/ mở rộng lĩnh vực hoạt động
Một số người có xu hướng thay đổi nghề nghiệp, chuyển hẳn sang một lĩnh vực hoạt động khác nên quyết tâm nghỉ công việc cũ. Nếu bạn gặp trường hợp tương tự thì có thể chia sẻ về lý do này với nhà tuyển dụng khi được hỏi đến.
Tuy nhiên, bạn cần nhấn mạnh về năng lực chuyên môn của mình khi đưa ra lí do nghỉ việc này. Hãy khéo léo thể hiện cho họ biết rằng dù là rẽ bước sang lĩnh vực mới nhưng bạn có đủ chuyên môn và kỹ năng ở lĩnh vực mới này. Hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng về niềm say mê được làm công việc này khẳng định bạn đã suy nghĩ rất kỹ và có một hành trình chuẩn bị kỹ càng trước khi quyết định chuyển việc.
Chuyển sang một nơi sống mới nên cần tìm việc gần hơn để ổn định
Đây là lí do dễ chấp nhận và cảm thông nhất. Chuyển sang một nơi sống mới và thuận tiện với công việc đang ứng tuyển là điều nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ. Tuy nhiên bạn cũng cần khẳng định chỗ ở mới là nơi mà bạn ổn định cuộc sống và gắn bó lâu dài. Họ muốn chắc rằng bạn sẽ không thuộc kiểu người thay đổi chỗ ở liên tục.
Lí do nghỉ việc cần được trình bày khéo léo và tế nhị. Đây cũng chính là một bước thăm dò thái độ và phẩm chất ứng viên của các nhà tuyển dụng. Do đó, bạn hãy nhớ chia sẻ chân thành, tích cực và bày tỏ suy nghĩ về lòng biết ơn của mình với công ty cũ dù ở đó công việc của bạn không được như ý muốn. Tuyệt đối tránh đề cập đến những lí do không chính đáng hoặc đổ lỗi cho công ty cũ nếu không bạn sẽ bị mất điểm. Luôn lạc quan, tích cực và tràn đầy năng lượng chính là một yếu tố tuyệt vời được đánh giá cao dù bạn làm ở lĩnh vực nào.
Đặng Hảo