Ngư dân đem cá chết đổ trước cổng nhà máy

Cho rằng nguyên nhân cá chết là do các nhà máy, cơ sở chế biến hải sản xả nước thải ra sông nên các hộ dân đã kéo nhau chở cá chết đổ trước cổng một số nhà máy chế biến hải sản.

Bắt đầu từ tối 5 đến rạng sáng 6-9, hàng chục ngàn con cá chim, bớp nuôi trong lồng bè tại khu 1 và 2, trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã nổi lên chết trắng bụng. Theo ước tính ban đầu, có khoảng 15 hộ nuôi cá bè bị chết, với mỗi bè khoảng hơn 40 lồng cá.

Ngư dân đem cá chết đổ trước cổng nhà máy
Cá chim trắng chết trong bè của gia đình chị Trần Thị Lê Em – Ảnh: Đ.Hà.

Chị Trần Thị Lê Em (tổ 12, thôn 5, xã Long Sơn) cho biết riêng gia đình chị đã bị thiệt hại khoảng 15.000 con cá chim trắng và 5.000 con cá bớp. Trong đó, có 3.000 con cá chim trắng chuẩn bị “xuất bè”. Chị Em cho biết, tính sơ sơ, gia đình chị bị thiệt hại khoảng hơn 1 tỉ đồng.

Trước đó, vào năm 2013 và 2014, hàng ngàn con cá nuôi trong bè của gia đình chị cũng chết vì nguồn nước ô nhiễm.

Sau khi cá chết hàng loạt, vì cho rằng, nguyên nhân cá chết là do các nhà máy, cơ sở chế biến hải sản ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành xả nước thải ra sông nên các hộ dân có cá chết đã kéo nhau chở cá chết đổ trước cổng một số nhà máy chế biến hải sản.

Sau khi sự việc xảy ra, Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cử đơn vị chức năng xuống hiên trường lấy mẫu để xét nghiệm và ghi nhận sự việc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Thị Công – giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết hiện tại có 22 cơ sở làm bột cá và chế biến hải sản tại xã Tân Hải.

Trong đó, có 14 cơ sở xả nước thải trực tiếp ra đầm rồi theo cống xả số 6 chảy ra sông Rạch Ván rồi đổ vào sông Chà Và. Việc này đã làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong khu vực và hoạt động nuôi cá lồng bè phía hạ lưu sông Chà Và.

Theo kết quả kiểm tra và đánh giá của Viện Môi trường – Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM), nguồn nước sông Chà Và bị ô nhiễm chủ yếu bắt nguồn từ nước xả thải của các nhà máy chế biến thủy sản tại xã Tân Hải.

Cũng theo bà Công, nguồn nước sông Chà Và bị ô nhiễm còn do hoạt động khai thác cát tại cửa Vịnh Gành Rái và do chính thức ăn nuôi cá của 193 cơ sở với hơn 5.000 lồng. Trong đó, nguyên nhân do khai thác cát đã được kiểm soát vì sở không cấp giấy phép nữa.

Bà Công cho biết, qua tuần, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ đi kiểm tra về xây dựng, đất đai và đặc biệt là bảo vệ môi trường của 22 cơ sở này. “Chúng tôi sẽ kiến nghị di dời những cơ sở chế biến hải sản ra nơi khác còn cơ sở chế biến bột cá thì dứt khoát phải dừng”.

Còn ông Lê Tuấn Quốc, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay nguyên nhân chính là do các cơ sở chế biến hải sản xả thải ra tự nhiên. “Trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất tỉnh làm quyết liệt với các cơ sở gây ô nhiễm”, ông Quốc cho hay.

Ngư dân đem cá chết đổ trước cổng nhà máy

Cá nuôi trong lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, TP Vũng Tàu của ngư dân chết trắng bụng vào sáng 6/9.

Ngư dân đem cá chết đổ trước cổng nhà máy

Cho rằng, nguyên nhân gây cá chết hàng loạt là do các cơ sở chế biến hải sản xả thải ra sông Chà Và, nhiều hộ dân đã đem cá chết đổ trước một số nhà máy – như một hình thức phản đối.

Nguồn Tuổi Trẻ

 

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN