Kim Dung qua đời, thế giới võ hiệp đại loạn, Lộc đỉnh ký 2020 gây thảm họa

Nhà văn Kim Dung qua đời chỉ mới 2 năm, thế giới võ hiệp mà ông dày công gầy dựng lập tức đại loạn khi phiên bản Lộc đỉnh ký 2020 trở thành thảm họa bị chỉ trích nặng nề.

1 Phiên bản Lộc đỉnh ký 2020, thảm họa cải biên của tiểu thuyết Kim Dung – Ảnh: Weibo

Lộc đỉnh ký phiên bản 2020 do Trương Nhất Sơn, Đường Nghệ Hân, Trương Thiên Dương… đóng chính, bị khán giả chê bai thậm tệ, từ diễn xuất của diễn viên đến tình tiết cải biên, cách dàn dựng… đâu đâu cũng đầy “sạn”, rất nhiều dân mạng nhận xét đây là Lộc đỉnh ký tệ hại nhất trong số 9 phiên bản.

Bộ phim Lộc đỉnh ký 2020 lên sóng từ ngày 15-11, được Douban chấm từ 2.7 điểm rớt xuống 2.6 điểm đến nay chỉ còn 2.5 điểm, đây chính là phản hồi chân thật nhất của khán giả đối với bộ phim này, với 83% ý kiến đánh giá 1 sao, chắc chắn trở thành bộ phim truyền hình tệ nhất trong năm 2020.

Tuy Kim Dung đã “từ biệt giang hồ”, nhưng “hiệp khí trường tồn”, tinh thần hiệp khách mà thế giới võ hiệp của ông tạo ra đã hòa lẫn vào máu của độc giả, vì thế người xem không thể chấp nhận 1 bộ phim cải biên cẩu thả, thiếu tôn trọng nguyên tác của nhà văn Kim Dung như thế.

2 Trương Thiên Dương vai Khang Hy, Trương Nhất Sơn vai Vi Tiểu Bảo trong phiên bản Lộc đỉnh ký 2020 – Ảnh: Sina

Diễn viên diễn xuất khoa trương

Không hề quá lời khi nói, mỗi nhân vật trong Lộc đỉnh ký phiên bản 2020 đều có biểu cảm khoa trương, nhất là nam chính Trương Nhất Sơn thủ vai Vi Tiểu Bảo, cách diễn xuất trợn mắt đầy cường điệu khiến người xem không khỏi liên tưởng đến những chú khỉ trong phim Tây du ký.

3 Biểu cảm khoa trương của Trương Nhất Sơn được ví như những chú khỉ trong phim Tây du ký – Ảnh: cnbeta

Riêng tạo hình của nhân vật Mao Thập Bát do Tạ Ninh đóng giống hệt nhân vật Lỗ Trí Thâm trong phim Thủy hử, cùng Vi Tiểu Bảo tự dưng hình thành mối quan hệ như “đại sư huynh và nhị sư đệ” một cách khó hiểu.

Đến nửa phần sau của tập 1, nhân vật Khang Hy do Trương Thiên Dương đảm nhiệm cũng xuất hiện góp vui, biểu cảm rất cường điệu, chỉ là không quá lố như Vi Tiểu Bảo mà thôi, nhưng anh mặc trang phục hoàng đế lại không giống hoàng đế, ngược lại khi đánh nhau với Vi Tiểu Bảo nhìn càng giống thái giám.

Sự xuất hiện của công chúa Kiến Ninh do Đường Nghệ Hân đóng, vẫn là lối diễn xuất mất kiểm soát, biểu cảm trên khuôn mặt diễn viên càng khó hiểu, hoàn toàn không hiểu cô đang diễn cái gì.

Đương nhiên, những cảnh phim hỗn loạn này không thể trách diễn viên, mà là lỗi của biên kịch và đạo diễn, vì cả câu chuyện đều rất khiên cưỡng.

4 Lối diễn xuất của Đường Nghệ Hân (vai công chúa Kiến Ninh) bị cho là mất kiểm soát – Ảnh: Sina

Biên kịch và đạo diễn tùy tiện

Nội dung hai tập đầu nhanh đến mức gần như khiến khán giả không lý giải được hành vi của các nhân vật, chỉ có thể hình dung bằng một câu “không hiểu đầu cua tai nheo”.

Ngay trong tập 1, Vi Tiểu Bảo đã hoàn thành hàng loạt tình tiết từ Dương Châu vào cung, quen biết Khang Hy, gặp gỡ công chúa Kiến Ninh… sau đó là ám sát Ngao Bái, tịch thu gia sản lấy được “Tứ Thập Nhị chương kinh”, đến Hải công công đấu với Hoàng thái hậu, tình tiết đáng lý phải kéo dài ít nhất 10 mấy tập, vậy mà đã hoàn thành trong chưa đầy 5 tập.

Được biết, bộ phim này vốn có thời lượng 60 tập, nhưng đến khi phát sóng bị cắt chỉ còn 45 tập, bất kể nguyên nhân phía sau là gì, việc chỉnh sửa vội vàng một bộ phim hiển nhiên không thể nào tái hiện nguyên tác.

5 Bộ phim bị “đốt cháy” tình tiết một cách khó hiểu, thể hiện sự cẩu thả trong cách dàn dựng – Ảnh: Sohu

Đạo diễn Mã Tiến đã dàn dựng Lộc đỉnh ký phiên bản 2020 một cách tùy tiện, kiểu như muốn quay thế nào thì quay, diễn viên dưới sự hướng dẫn của ông cũng thể hiện lối diễn xuất cường điệu hóa.

Ngoài ra phục trang đạo cụ trong phim cũng rất xuề xòa, Vi Tiểu Bảo vừa xuất hiện đã đội một chiếc nón xanh, sau khi vào cung toàn bộ thái giám đều mặc đồ trắng, trang phục của các phi tần trong cung có chất lượng tệ như hàng chợ, tóm lại toàn bộ đều cho thấy phục trang đạo cụ trong bộ phim này không được quan tâm chăm chút.

6 Từ đạo diễn đến diễn viên, êkíp làm phim đều không quan tâm đến bộ phim, thì làm sao khán giả đặt niềm tin vào tác phẩm mà họ dàn dựng? – Ảnh: Sina

“Giấc mộng võ hiệp” mà Kim Dung để lại cho người đời

Nếu không có tác phẩm võ hiệp của Kim Dung, giới phim ảnh Hoa ngữ có lẽ sẽ ít đi rất nhiều sắc màu, với 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp, nhà văn Kim Dung vừa tạo ra giang hồ võ hiệp của văn hóa Trung Quốc, vừa mang đến nguồn đề tài và cảm hứng vô tận cho ngành công nghiệp phim ảnh Hoa ngữ.

7 Tuy nhà văn Kim Dung đã kết thúc cuộc đời truyền kỳ “hiệp cốt nhu tình, kiếm khí tung hoành”, nhưng “giấc mộng võ hiệp” mà ông để lại cho người đời mãi không phai màu – Ảnh: Baidu

Năm 1958, bộ phim Anh hùng xạ điêu do công ty phim ảnh Nga Mi Hồng Kông sản xuất, đã mở màn cho cuộc tiến công lên màn ảnh của phim võ hiệp Kim Dung, từ đó mấy thế hệ khán giả đã có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời với chốn giang hồ này.

Thập niên 1970-1980, hãng Shaw (tiền thân của TVB) đã quay hơn 20 bộ phim điện ảnh cải biên từ tiểu thuyết của Kim Dung, những tác phẩm này tuy ghi hình đơn giản, nhưng đã đạt được thời đại hoàng kim đầu tiên mà phim võ hiệp Kim Dung tạo ra, như Thiên long bát bộ năm 1977, Phi hồ ngoại truyện năm 1980, Thư kiếm ân cừu lục năm 1981… đều để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử điện ảnh Hong Kong.

Đến thập niên 1990, đạo diễn Từ Khắc đã mạnh dạn tiến hành cải biên tác phẩm Kim Dung, lưu lại nhiều bộ phim kinh điển của trào lưu võ hiệp mới như Tiếu ngạo giang hồ, Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại

Ngoài ra, bộ phim Đông tà Tây độc của đạo diễn Vương Gia Vệ tái hiện từ tiểu thuyết Kim Dung với góc nhìn mang màu sắc hiện đại, bộ phim Lộc đỉnh ký do Vương Tinh đạo diễn, Châu Tinh Trì đóng chính cũng mang đến cho khán giả cảm nhận mới mẻ.

8 Ngòi bút võ hiệp của Kim Dung đã vẽ ra võ lâm trong lòng nhiều thế hệ đọc giả – Ảnh: Baidu

Đối với người trong ngành phim ảnh mà nói, tác phẩm Kim Dung chính là sự mê hoặc và thử thách, bất kể là nội dung câu chuyện hay hàm ý văn hóa, thế giới võ hiệp của Kim Dung đều rất khó chứa đựng trong một bộ phim, mà đem những từ ngữ mang tính tưởng tượng chuyển hóa thành ngôn ngữ nghe nhìn mang tính cụ thể, thỏa mãn trí tưởng tượng của khán giả, cũng trở thành nguyên nhân quan trọng mà võ hiệp Kim Dung được đưa lên màn ảnh hết lần này đến lần khác.

Vào thời đại khi việc sáng tác phim ảnh ở Trung Quốc vẫn chưa phát triển, bộ phim Anh hùng xạ điêu (1983) của TVB, do Huỳnh Nhật Hoa và Ông Mỹ Linh đóng, đã lập tỷ suất rating điên cuồng chưa từng có ở Trung Quốc, có thể nói phim võ hiệp Kim Dung đã bồi dưỡng ra một thế hệ khán giả mê phim võ hiệp ở Trung Quốc.

Sau đó, theo sự bật dậy mạnh mẽ của ngành phim ảnh ở Trung Quốc, võ hiệp Kim Dung cũng trở thành lực đẩy quan trọng cho bước phát triển khởi đầu của dòng phim võ hiệp trên màn ảnh nhỏ Hoa ngữ, bắt đầu từ Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ… phiên bản Trương Kỷ Trung, truyền hình Trung Quốc đã có một vị trí nhất định trong dòng phim võ hiệp Hoa ngữ.

9 Quá khứ, hiện tại, thậm chí tương lai, võ hiệp Kim Dung sẽ mãi là tài nguyên quan trọng nhất của phim ảnh Hoa ngữ – Ảnh: Sohu

Lộc đỉnh ký vốn là bộ tiểu thuyết võ hiệp trường thiên cuối cùng của Kim Dung, được rất nhiều đọc giả yêu thích, hơn 30 năm qua đã được đưa lên màn ảnh nhiều lần, nhưng những phiên bản mới càng được cải biên cẩu thả.

Được biết, sau Lộc đỉnh ký phiên bản 2020, sẽ còn có hai bộ phim võ hiệp Kim Dung được ra đời và chuẩn bị lên sóng, đó là Thiên long bát bộ do Dương Hựu Ninh và Bạch Thụ đóng, Thần điêu đại hiệp do Đồng Mộng Thực và Mao Hiểu Tuệ đóng.

10 Thần điêu đại hiệp phiên bản mới chuẩn bị lên sóng, bộ phim được khởi quay từ năm 2018 – Ảnh: Sina

11 Thiên long bát bộ phiên bản mới dự kiến lên sóng sau Lộc đình ký 2020 – Ảnh: Baidu

Trong 36 năm có 9 phiên bản Lộc đỉnh ký

Lộc đỉnh ký lần đầu tiên được đưa lên màn ảnh vào năm 1977, do đài truyền hình CTV – Hong Kong dàn dựng, bộ phim này ít được nhắc đến do sức ảnh hưởng không lớn.

Năm 1984, đài truyền hình TVB lần đầu tiên đưa Lộc đỉnh ký lên màn ảnh, với sự tham gia diễn xuất của Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa, Lưu Gia Linh… thời điểm đó bộ phim tạo được tiếng vang rất lớn.

Cùng năm 1984, truyền hình Đài Loan dàn dựng Lộc đỉnh ký do Lý Tiểu Phi và Châu Thiệu Đống đóng chính, đã gặp thất bại nặng nề khi đối đầu với Lộc đỉnh ký phiên bản Lương Triều Vỹ.

12 8 năm sau, đạo diễn Vương Tinh nhắm trúng Lộc đỉnh ký, thế là xuất hiện phiên bản điện ảnh Vi Tiểu Bảo do Châu Tinh Trì thể hiện.

Khoảng cách 2 bản phim Lộc đỉnh ký sau đó hơi gần, phiên bản Trần Tiểu Xuân cũng do TVB sản xuất, khởi quay năm 1998; phiên bản Trương Vệ Kiện do TVB phối hợp với GTV Đài Loan sản xuất, được chỉnh sửa rất nhiều so với nguyên tác, quay năm 2000, là bản phim để lại nhiều ấn tượng cho thế hệ khán giả 9X.

Riêng truyền hình Trung Quốc có 3 phiên bản Lộc đỉnh ký, là năm 2008, năm 2014 và năm 2020, thời gian cách nhau đều là 6 năm, mức độ truyền miệng thì bộ sau tệ hơn bộ trước, nhưng vẫn có người không sợ hứng gạch đá.

Theo Thục Nghi – tuoitre.vn

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN