Nhiều lo ngại cho rằng trào lưu đăng ảnh sau 10 năm chỉ là chiêu bài để Facebook thu thập dữ liệu người dùng.
- Facebook xin lỗi vì sự cố người dùng Việt bị khoá like, bình luận
- Facebook sẽ hợp nhất dịch vụ tin nhắn với Instagram
- Ý đồ đằng sau trào lưu avatar ảo trên Facebook
Zing lược dịch bài viết của tác giả Kate O’Neill, tạp chí Wired về trào lưu đăng ảnh chân dung 10 năm trên Facebook.
Trong khi mọi người vui vẻ đăng những bức ảnh chân dung hiện tại và 10 năm trước, tôi đã lên Twitter nói rằng chúng có thể được khai thác để huấn luyện các thuật toán nhận dạng khuôn mặt người dùng và sự lão hóa của họ.
Bài viết ấy nhận được nhiều bình luận trái chiều. Tôi không khẳng định sự nguy hiểm của trào lưu đăng ảnh 10 năm, nhưng tôi muốn cho thấy khai thác hình ảnh khuôn mặt trên Internet sẽ là xu hướng mà mọi người cần chú ý.
“Trào lưu 10 năm” trên Facebook có an toàn? Ảnh: Getty Images.
Mục đích đằng sau “trào lưu 10 năm”
Nhiều người lập luận rằng những bức ảnh trên đã xuất hiện từ trước, nghĩa là “tôi giao nó cho Facebook rồi”, vậy nên đăng lại để tham gia trào lưu 10 năm là chuyện bình thường.
Tôi không phủ nhận điều đó vì đa số nội dung tham gia trào lưu là ảnh đại diện hoặc ảnh được đăng sẵn. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng rằng bạn muốn huấn luyện một thuật toán nhận diện khuôn mặt và dự đoán sự lão hóa, dữ liệu quan trọng nhất chính là ảnh chân dung của một người qua từng giai đoạn tuổi tác. Chúng sẽ giá trị hơn nếu có khoảng thời gian xác định, ở đây là 10 năm theo tên gọi “thử thách 10 năm”.
Nói thêm về những bức ảnh đại diện trên Facebook, ngày đăng ảnh không phải lúc nào cũng trùng ngày chụp. Tuy nhiên qua trào lưu này, nhiều người đã tự thêm ngày (năm) chụp vào bài viết. Nói cách khác, trào lưu này đã tạo ra bộ dữ liệu về ảnh chân dung người trong 10 năm một cách chính xác và chi tiết.
Bên cạnh đó, không phải ai cũng thường đăng ảnh chân dung lên Facebook, hoặc bức ảnh đó không theo thứ tự thời gian. Vậy nên trào lưu 10 năm là cơ hội để có những bức ảnh chân dung “sạch”, đơn giản của nhiều người.
Một số ý kiến cho rằng nhiều bức ảnh không có giá trị hoặc không liên quan. Với hình ảnh không có giá trị, các thuật toán nhận dạng ảnh tinh vi sẽ đủ phức tạp để lọc và chọn ra hình ảnh có khuôn mặt người. Ví dụ, một người bạn của tôi tham gia trào lưu 10 năm nhưng nhân vật trong ảnh là chú mèo, thuật toán sẽ dễ dàng loại bỏ nó.
Trào lưu đăng ảnh 10 năm bị nghi ngờ là chiêu trò đánh cắp thông tin người dùng của Facebook. Ảnh: Oberlo.
Facebook phủ nhận liên quan đến “trào lưu 10 năm”
Về phía Facebook, họ khẳng định không can thiệp hoặc giúp tạo ra trào lưu 10 năm, cho rằng đó là do người dùng tự lan truyền.
“Facebook không thu lợi gì từ trào lưu này”, phát ngôn viên Facebook khẳng định.
Sẽ không thể tránh khỏi khả năng ai đó lấy ảnh của bạn để huấn luyện thuật toán nhận diện khuôn mặt. Mấu chốt ở đây là cách tiếp cận, khai thác dữ liệu của họ trên quy mô lớn. Có 3 kịch bản với mức độ nghiêm trọng khác nhau về cách những dữ liệu này được khai thác.
Trước hết, công nghệ nhận diện khuôn mặt, đặc biệt là dự đoán sự lão hóa có thể dùng để tìm kiếm trẻ mất tích. Năm 2018, cảnh sát New Delhi (Ấn Độ) đã tìm thấy gần 3.000 trẻ em mất tích trong 4 ngày bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Nếu bị mất tích trong nhiều năm, khuôn mặt của chúng có thể khác đi so với lúc nhỏ. Do đó, thuật toán xác định tuổi có thể dự đoán bức ảnh khi lớn của chúng.
Khả năng thứ 2, xác định tuổi sẽ có hữu ích trong quảng cáo nhắm mục tiêu. Các màn hình quảng cáo có thể tích hợp camera hoặc cảm biến để hiện nội dung cho phù hợp với từng độ tuổi. Nếu được kết hợp với theo dõi hành vi, địa điểm và sở thích mua hàng, các nhà quảng cáo sẽ có thêm nhiều dữ liệu để kiểm soát chúng ta.
Cuối cùng là khả năng mang đến hậu quả nghiêm trọng. Xác định tuổi có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá mức bảo hiểm. Ví dụ, nếu khuôn mặt bạn trông già nhanh hơn so với người khác, các công ty bảo hiểm có thể từ chối bán hàng hoặc trả nhiều tiền hơn.
Chúng ta có quyền yêu cầu doanh nghiệp sử dụng dữ liệu một cách hợp lý, nhưng chúng ta cũng cần tôn trọng dữ liệu của chính mình. Ảnh: The Verge.
Chúng ta cần tôn trọng dữ liệu của chính mình
Sau khi Amazon giới thiệu dịch vụ nhận diện khuôn mặt thời gian thực vào năm 2016, họ bán dịch vụ ấy cho chính quyền và cơ quan chính phủ. Nó làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư khi cảnh sát hoàn toàn có thể sử dụng để theo dõi những người không phạm tội. Amazon bị nhiều cơ quan, cổ đông yêu cầu ngừng bán dịch vụ này.
Bất kể nguồn gốc và mục đích đằng sau trào lưu này, người dùng cần nắm rõ hơn cách mà họ chia sẻ dữ liệu, ai được quyền truy cập, sử dụng và tác động của việc khai thác ấy. Đối với những trào lưu đăng ảnh thu hút nhiều người tham gia, đó chính là nguồn dữ liệu phong phú cho các công nghệ mới nổi.
Con người là sợi dây liên kết giữa thế giới vật chất và kỹ thuật số. Tương tác giữa con người với nhau làm nên sự thú vị của Internet. Dữ liệu của người dùng là nguồn thông tin giúp các doanh nghiệp có lợi. Chúng ta có quyền yêu cầu doanh nghiệp sử dụng dữ liệu một cách hợp lý, nhưng chúng ta cũng cần tôn trọng dữ liệu của chính mình.
Phúc Thịnh (Theo Zing.vn)