Theo nghiên cứu của Bộ Y tế thì tỷ lệ người mắc bệnh nấm da lên đến 27,3% vào mùa mưa. Các dấu hiệu nhận biết nấm da giúp người bệnh phát hiện sớm, điều trị kịp thời và nhanh chóng thoát khỏi những rắc rối do chúng gây ra.
- 6 nguyên nhân gây nấm da vào mùa mưa khiến bệnh lây lan và phát triển nhanh chóng
- Tổng hợp biện pháp điều trị nấm da hiệu quả, an toàn
- Nấm da vào mùa mưa: Hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp phòng tránh
Nấm da là bệnh thường gặp do vi nấm phát triển trong điều kiện thuận lợi và gây tổn thương ở lớp sừng. Các vi nấm nông có thể xâm nhập ở những vị trí như da, phần phụ của da và niêm mạc. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết nấm da cần lưu ý để điều trị đúng cách.
1. Nhận biết nấm da bằng dấu hiệu nào?
Nấm ký sinh ở các tế bào thượng bì, khi gặp môi trường thuận lợi sẽ phá tan phòng tuyến để tấn công da. Khi bị nhiễm nấm cơ thể sẽ tiết ra các độc tố gây kích ứng để báo hiệu cho người bệnh. Các dấu hiệu nấm da thường thấy là nổi mẩn, ngứa dữ dội, vô cùng khó chịu.
Vùng da bị nhiễm nấm thường là những khu vực ẩm ướt, dễ ra mồ hôi, ít được để ý tới. Nách, bẹn, kẽ ngón tay, ngón chân, cổ, thắt lưng,… là những vùng da dễ bị nấm tấn công. Nấm da nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ bị nhiễm khuẩn, viêm da, chàm hoá,…
Dấu hiệu nhận biết nấm da sẽ trở nên rõ ràng hơn khi xuất hiện những phát ban hình vòng trên da, đỏ và sưng tấy quanh rìa. Một số loại nấm tạo thành các vòng ban đỏ, có vảy lan dần trên cơ thể hoặc mặt. Nhiều mảng nấm da có thể chồng lên nhau, nổi mụn nước gây đau rát, ngứa ngáy.
Dấu hiệu nhận biết nấm da do vi nấm men Candida gây ra – Ảnh: Internet
2. Dấu hiệu nhận biết các bệnh nấm da thường gặp
Nấm da có thể do một trong ba chủng nấm gây nên. Đó là vi nấm sợi tơ Dermatophytes, vi nấm hạt men Candida hoặc vi nấm Malassezia. Mỗi loại vi nấm sẽ gây tổn thương ở một khu vực nhất định trên cơ thể nên dấu hiệu nhận biết cũng rất khác biệt.
Vị trí xâm nhập của nấm Dermatophytes thường là da và các phần phụ của da như: Thượng bì, tóc, nang lông, móng. Vị trí xâm nhập của Candida là da, niêm mạc và móng. Các bệnh da liễu do nấm Candida thường phát triển mạnh vào mùa hè, nóng nực, ẩm ướt. Còn nấm Malassezia là nguyên nhân gây ra bệnh lang ben trên cơ thể người.
2.1. Nấm da do Dermatophytes
Vi nấm sợi tơ có 3 chủng thường gặp và tấn công cơ thể người. Đó là Trichophyton, Epidermophyton, Microsporum. Bệnh ngoài da do nấm vi sợi thường xuất hiện ở các vùng nhất định trên cơ thể. Dưới đây là một số dấu hiệu thường thấy cho từng loại bệnh.
Dấu hiệu nhận biết nấm da chân:
Nấm da chân xuất hiện do thời tiết mưa, ẩm ướt – Ảnh Internet
Bệnh thường xuất hiện khi đi giày nhiều, tất chân chật chội hoặc ẩm ướt.
– Bong vảy: Lòng bàn chân bị bong vảy theo từng đám nhỏ, rồi lan rộng khắp lòng bàn chân, ít ngứa.
– Nấm kẽ: Xuất hiện ở kẽ ngón chân, sưng đỏ, nứt, để lâu ngày sẽ bị chảy nước, ngứa và đau nhiều.
– Tổ đỉa: Có các mụn nước nằm sâu bên dưới bề mặt da, rất khó vỡ. Khi mụn vỡ bề mặt da bị lỗ chỗ, ngứa nhiều, gây đau đớn.
– Nấm móng: Dấu hiệu bệnh nấm móng là xuất hiện những đốm trắng. Có đường trắng quanh móng từ bờ tự do đến bờ bên. Móng chân xuất hiện màu vàng, dễ bị mủn và rất bẩn.
Nấm da vùng bẹn:
Nguyên nhân gây ra nấm da vùng bẹn là nấm Epidermophyton inguinale hoặc Trichophyton rubrum. Các dấu hiệu thường thấy:
– Vùng da bị tổn thương xuất hiện các chấm màu đỏ, có vảy nhỏ. Sau đó chúng lan nhanh thành các mảng hình tròn hoặc bầu dục. Bề mặt da bị đỏ, bờ hơi gồ cao, trên bờ có nhiều mụn nước và vảy.
– Vùng da tổn thương liên kết với nhau thành các mảng lớn, hình cung, nhạt màu ở giữa, gây ngứa dữ dội.
Nấm da xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể – Ảnh Internet
Nấm da vùng mặt:
Nguyên nhân gây ra nấm vùng da mặt là do nấm T. rubrum, T. mentagrophytes hoặc M. canis. Dấu hiệu nhận biết nấm da mặt là:
– Vùng da bị tổn thương có màu đỏ, rát. Kích thước các vùng nấm da có diện tích từ 1-5 cm. Bờ hơi nổi, cao hơn so với bề mặt da, bong vảy và ngứa.
Dấu hiệu nấm thân mình:
Bất cứ loại nấm sợi nào cũng có thể gây bệnh trên thân mình. Và biểu hiện thường thấy là:
– Cơ thể xuất hiện mụn nước, mọc thành đám hình tròn hoặc hình cung. Tổn thương có xu hướng lan ra các vùng xung quanh gây ngứa nhiều. Vùng da bị nhiễm nấm có thể lan tỏa ra toàn thân nếu không được điều trị đúng cách.
Bệnh nấm da đầu nhận biết bằng cách nào?
Biểu hiện khởi phát của nấm da đầu là các nốt sần nhỏ, xuất hiện rải rác ở chân tóc. Khi bị tổn thương các mảng vảy mỏng sẽ xuất hiện, kèm theo gãy, rụng tóc. Các mảng vảy bong ra khỏi da đầu gây hói tạm thời. Có triệu chứng ngứa ngáy dữ dội.
Các loại bệnh ngoài da do vi nấm sợi gây ra – Ảnh: Internet
2.2. Dấu hiện nhận biết nấm da do vi nấm hạt men Candida
Vi nấm hạt men Candida có thể gây tổn thương đến da, niêm mạc và móng. Các bệnh do Candida thường xuất hiện trên những vùng cơ thể ấm và ẩm ướt như: Bộ phận sinh dục, miệng, da và máu. Dấu hiệu nhiễm nấm Candida có thể khác nhau do phụ thuộc vào vùng nhiễm và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến:
– Nhiễm nấm ở da: Xuất hiện những đốm màu đỏ hoặc trắng, gây ngứa, rát và đôi khi bị sưng viêm.
– Ở bộ phận sinh dục: Ở nữ gọi là nhiễm nấm âm đạo, dấu hiệu là ngứa, tấy đỏ và đau rát. Dịch âm đạo có màu trắng, vón cục. Ở nam giới, xuất hiện cảm giác đau, ngứa ở khu vực nhiễm bệnh.
– Miệng và thực quản: Xuất hiện những đốm trắng trên lưỡi và miệng. Nướu răng bị sưng, xuất hiện mảng đỏ và trắng, có cảm giác đau đớn, khó nuốt.
– Máu và các cơ quan khác bị nhiễm nấm sẽ xuất hiện triệu chứng sốt và ớn lạnh.
Theo HT – phunuvietnam.vn