Ho là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em với nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa. Tuy nhiên, đôi khi ho lại là dấu hiệu cảnh báo một nguyên nhân nghiêm trọng hơn.
- Biến chứng phổi tắc nghẽn mãn tính nguy hiểm như thế nào?
- Chăm sóc sức khỏe trẻ mùa thu, phụ huynh cần tránh phạm phải những sai lầm nào?
- Điểm danh những biện pháp điều trị viêm xoang cho trẻ nhỏ mà cha mẹ cần biết
Theo BS. Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, BV Nhi Đồng 1 – TP.HCM): “Trẻ nào cũng sẽ bị ho trong quãng thời gian 3 – 4 năm đầu đời, nhiều khi sẽ có thể bị vài lần 1 năm. Ho có thể do họng, do mũi, do phế quản, do tiểu phế quản, do phổi, do trào ngược… Thậm chí ho rồi nôn ói cũng không lạ.”
BS. Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, BV Nhi Đồng 1 – TP.HCM)
Ho là biểu hiện bình thường của cơ thể nhằm tống đờm, nước mũi, vi trùng, virus, chất nhầy nhớt ra khỏi phế quản, giúp bảo vệ họng và phổi. Tuy nhiên, không phải cơn ho nào cũng an toàn, đôi khi ho kèm theo nhiều dấu hiệu khác là sự cảnh báo về một bệnh nguy hiểm nào đó mà bé mắc phải như viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiêu phế quản hoặc viêm phổi.
Các cha mẹ cần tìm hiểu kỹ và nắm rõ những bí quyết chăm sóc khi trẻ bị ho để kịp thời đối phó với những tình huống nguy hiểm.
1. Khi nào nên đưa trẻ đi khám ho?
Theo BS. Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, BV Nhi Đồng 1 – TP.HCM), với những trẻ dưới 3 tháng mà ho nhiều, thở nhanh, thở lõm ngực kèm sốt cao, mệt li bì kéo dài, bỏ bú bỏ ăn là lúc các bố mẹ cần đưa trẻ đến các bệnh viện, cơ sở uy tín để khám chữa và đưa ra phương thức điều trị phù hợp kịp thời, tránh tình trạng ho lâu ngày không có sự can thiệp y tế có thể bị biến chứng sang các bệnh nguy hiểm hơn.
2. Bố mẹ nên chăm sóc trẻ bị ho như thế nào?
Khi trẻ bị ho, cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ, không nên tự ý mua thuốc trị ho, thuốc kháng sinh hay bất kỳ loại thuốc truyền miệng nào vì có thể làm tình trạng ho nặng thêm hoặc gây tiêu chảy, kháng thuốc.
Để phòng tránh ho và các bệnh hô hấp ở trẻ vào mùa đông, cha mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây tươi để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Không nên ủ ấm quá kỹ cho trẻ, khiến trẻ ngột ngạt khó chịu quấy khóc. Đặc biệt, việc mặc quá nhiều quần áo ấm khiến trẻ ra mồ hôi, có thể ngấm vào cơ thể gây cảm lạnh.
Thường xuyên vệ sinh mũi, miệng, mắt của trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%.
Tuân thủ chặt chẽ đơn thuốc của bác sĩ và có thể nấu một số món ăn dân gian có tác dụng trị ho cho trẻ.
Bên cạnh đó, BS. Trương Hữu Khanh cũng đưa ra một số gợi ý về một số loại thuốc bố mẹ có thể dùng để điều trị ho tại nhà cho trẻ, tuy nhiên các bố mẹ vẫn cần có hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng các loại thuốc này.
Thuốc ho:
Theo BS. Trương Hữu Khanh, đây là loại thuốc an toàn, có thể tự dùng, liều hơi dư cũng không sao, nhưng nên sử dụng các loại thuốc ho thảo dược; các thuốc tự chế theo dân gian và bảo đảm vệ sinh sạch sẽ.
Nếu là thuốc tân dược cần phải có chỉ định của bác sĩ, nhưng chỉ dùng khi cần thiết như ho quá nhiều và kéo dài trong nhiều ngày.
Ngoài ra, nếu bố mẹ sử dụng thuốc ho tân dược loại siro cần dùng liều chính xác, dùng ống chích đong theo ml.
BS. Khanh lưu ý, nếu bố mẹ sử dụng thuốc ho tân dược loại siro cần dùng liều chính xác, dùng ống chích đong theo ml. (Ảnh: Internet)
Thuốc kháng sinh:
Thuốc kháng sinh được dùng trong trường hợp đa phần nguyên nhân gây ra tình trạng ho ở trẻ em là do virus. Tuy nhiên cần phải có sự chỉ định và hướng dẫn cụ thể của bác sĩ.
Thuốc long đàm:
Với thuốc long đàm, BS. Trương Hữu Khanh khuyến cáo, chỉ tùy bệnh mới có thể sử dụng, bởi có bệnh uống vào còn có thể gây ho nhiều hơn. Mọi người vẫn nên tuân thủ theo kết quả khám và chỉ định của bác sĩ.
Khí dung:
Khí dung được sử dụng trong trường hợp bị suyễn hoặc nghi ngờ bị suyễn.
Tập vật lý trị liệu lấy đàm:
Biện pháp này chỉ được thực hiện khi thực sự cần, ví dụ như trường hợp bé bị xẹp phổi, tắc nghẽn mà không khạc được. Tuy vậy, đa số nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp này không đem lại nhiều hiệu quả.
Trong trường hợp trẻ không khỏi bệnh thì nên đi khám bác sĩ khác. (Ảnh: Internet)
Ngoài các loại thuốc kể trên, các bố mẹ có thể sử dụng thêm một số cách chăm sóc khác để làm giảm tình trạng ho và chữa khỏi bệnh này ở trẻ. Dưới đây là một số chỉ dẫn của BS. Trương Hữu Khanh:
– Kiêng một số món ăn:
Kiêng một số món ăn từng làm lên cơn ho, suyễn của trẻ có thể giúp trẻ bớt ho, suyễn; các món ăn này thường là đồ hải sản, thịt bò và các loại hạt… Do đó, bố mẹ có thể chú ý để tránh sử dụng các loại đồ ăn này trong quá trình chăm sóc trẻ để trẻ bị ho.
– Cung cấp đủ nước cho trẻ:
Đối với những trẻ đang bị bệnh, bố mẹ cần lưu ý bổ sung đủ nước và sữa cho cơ thể của trẻ. Ngoài ra nên cho trẻ ngủ đủ giấc, đúng giờ…
– Chăm sóc tốt cho trẻ:
Chích ngừa đầy đủ, sinh hoạt cần tránh nóng quá, lạnh quá, tránh xa khói bụi, nhất là khói thuốc lá.
Trong trường hợp trẻ không khỏi bệnh thì nên đi khám bác sĩ khác.
Theo An Nhi – phunuvietnam.vn