Nhiều người lớn có thói quen hôn vào má trẻ nhỏ nhưng đây là hành động nguy hiểm nếu người đó đang nhiễm virus RSV.
- Bệnh tay chân miệng bùng phát ở TP HCM
- Những sai lầm khi chăm sóc bệnh nhân sởi
- Cúm B là gì? Tìm hiểu dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh bệnh
Mới đây, một người mẹ đã chia sẻ trường hợp con của mình (mới 16 ngày tuổi) mắc viêm phổi nặng khi bị người nhiễm RSV hôn.
Virus hợp bào hô hấp (RSV) gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp. Rất nhiều trẻ đã nhiễm virus này trước 2 tuổi. Virus RSV cũng có thể lây nhiễm cho người lớn.
Ở người lớn, trẻ em khỏe mạnh, các triệu chứng không rõ rệt, thường giống với cảm lạnh thông thường. Bệnh nhân có thể tự chữa tại nhà, không cần tới bệnh viện.
Tuy nhiên, RSV cũng có khả năng gây nhiễm trùng nặng ở một số người có hệ miễn dịch yếu, bị bệnh tim phổi, trẻ sơ sinh, sinh non.
Người lớn đang bị ốm sốt không nên hôn trẻ nhỏ. Ảnh minh họa: Hopscotch
Triệu chứng
Các triệu chứng của người nhiễm virus RSV thường xuất hiện sau khoảng 4-6 ngày. Người bệnh nhẹ sẽ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, đau họng, đau đầu nhẹ.
Với các ca bệnh nặng, virus RSV lây lan đến đường hô hấp dưới, gây viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản. Các dấu hiệu bệnh gồm sốt, ho dữ dội, thở khò khè, thở nhanh hoặc khó thở khiến trẻ muốn ngồi hơn là nằm nghỉ, da xanh do thiếu oxy.
Trẻ sơ sinh là đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của RSV. Bố mẹ có thể nhận thấy cơ ngực và da của con bị co vào theo từng nhịp thở. Đây là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang khó thở. Ngoài ra, bé còn thở ngắn, nông, ho, ăn ít, mệt mỏi, cáu gắt.
Hầu hết bệnh nhân hồi phục sau một đến hai tuần, mặc dù một số vẫn thở khò khè. Các ca nhiễm trùng nặng cần nằm viện có thể xảy ra ở trẻ sinh non, trẻ sơ sinh, người lớn mắc các bệnh mạn tính liên quan tới tim phổi.
Đó là khi bệnh nhân khó thở, sốt cao, da màu xanh, đặc biệt là trên môi và các móng tay.
Nguyên nhân
Virus hợp bào hô hấp xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Nó dễ dàng lây lan trong không khí qua các giọt đường hô hấp của người bị nhiễm bệnh. Bạn hoặc con có thể bị nhiễm nếu ai đó bị RSV ho hoặc hắt hơi gần bạn. Virus này cũng truyền sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp, chẳng hạn như bắt tay.
Virus này có thể sống hàng giờ trên các vật cứng như mặt bàn, đồ chơi. Nếu bạn chạm vào vật bị nhiễm virus rồi đưa tay lên miệng, mũi, mắt, bạn có nguy cơ nhiễm virus.
Trẻ dễ bị mắc các bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa: Chicago Tribune
Các đối tượng dễ mắc bệnh
Đến 2 tuổi, hầu hết trẻ em sẽ bị nhiễm virus RSV. Các bé đi nhà trẻ, mẫu giáo hoặc có anh chị em đi học có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Thời gian bùng phát dịch là mùa thu đến cuối mùa xuân.
Những người có nhiều nguy cơ bị nhiễm RSV nặng là trẻ sinh non, trẻ nhỏ mắc bệnh tim phổi, có hệ miễn dịch suy yếu, đang hóa trị, cấy ghép, ở những nơi giữ trẻ đông đúc.
Những người lớn tuổi dễ mắc RSV là bệnh nhân hen suyễn, suy tim phổi, cao tuổi, suy giảm miễn dịch (từng cấy ghép, bệnh máu, HIV).
Các biến chứng của virus hợp bào hô hấp bao gồm viêm phổi, viêm tai giữa, hen suyễn, nhiễm trùng lặp lại.
Phòng ngừa
Hiện tại, vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa virus RSV. Các bác sĩ khuyến cáo một số biện pháp phòng ngừa:
– Rửa tay thường xuyên.
– Hạn chế cho trẻ sơ sinh tiếp xúc (ôm, hôn, lại gần) những người bị sốt hoặc cảm lạnh. Điều này đặc biệt quan trọng nếu trẻ sinh non và trong hai tháng đầu đời của trẻ.
– Đảm bảo mặt bàn bếp và phòng tắm sạch sẽ, bỏ ngay khăn giấy đã sử dụng.
– Không dùng chung cốc với người khác.
– Không để trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc lá.
– Rửa đồ chơi thường xuyên, đặc biệt khi con bạn hoặc bạn cùng chơi bị ốm.
Ngoài ra, còn có thuốc giúp bảo vệ cho trẻ em có nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng của RSV. Thuốc được dùng hàng tháng trong mùa cao điểm RSV. Đây là giải pháp giúp ngăn ngừa lây nhiễm RSV, không giúp điều trị khi các triệu chứng phát triển.
Nguồn: Mayoclinic
An Yên (Theo Vietnamnet)