5 dấu hiệu cho thấy trẻ bị bắt nạt trên mạng

Đột ngột tăng, giảm thời lượng dùng điện thoại và ủ rũ sau khi lên mạng là hai dấu hiệu cho thấy con bạn bị bắt nạt trên mạng.

Do đại dịch Covid-19, nhiều trẻ em phải học qua Internet và vô tình trở thành mục tiêu bị bắt nạt trên mạng bởi để lộ cuộc sống qua camera, ví dụ như ở trong ngôi nhà tồi tàn với đông anh chị em.

Nếu tự hỏi con có phải nạn nhân bị bắt nạt trên mạng không, phụ huynh có thể xem xét năm dấu hiệu dưới đây.

Thời lượng sử dụng thiết bị điện tử của trẻ đột ngột thay đổi

Các bố mẹ có thể đoán được con mình dành bao nhiêu tiếng mỗi ngày cho Internet. Nếu nhận thấy sự thay đổi đáng kể về thời lượng bé dùng thiết bị điện tử, kể cả tăng hay giảm, bạn nên kiểm tra xem con có bị bắt nạt trên mạng hay không.

“Trẻ đột ngột sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn bình thường có thể do muốn theo dõi kẻ bắt nạt viết gì về con và những bạn khác nhận xét thế nào. Ngược lại, nếu trẻ ngừng động tới thiết bị điện tử, khả năng cao là con đang cố lảng tránh hành vi bắt nạt”, tiến sĩ Tenille Richardson-Quamina, chuyên gia nghiên cứu về bắt nạt trên mạng ở Fort Lauderdale, Florida cho biết.

Trẻ có vẻ ủ rũ sau khi lên mạng

Thường xuyên thay đổi tâm trạng không phải điều lạ, nhất là đối với trẻ tuổi teen. Tuy nhiên, ủ rũ sau khi sử dụng thiết bị điện tử có thể là dấu hiệu trẻ đang trải qua điều gì tồi tệ.

Theo bà Richardson-Quamina, ngoài những biểu hiện như giận dữ, buồn bã và thất vọng, bố mẹ cũng nên xem con có tỏ ra “vui vẻ một cách gượng ép” hay không bởi điều này cho thấy trẻ đang cố gắng che giấu điều gì đó.

Trẻ bị bắt nạt trên mạng cũng dễ bị căng thẳng, lo hãi, hay giật mình.

Trẻ bí mật hơn về việc sử dụng thiết bị điện tử

Để giấu việc mình bị bắt nạt trên mạng, trẻ có thể ra ngoài để dùng điện thoại, tắt các trang web ngay lúc thấy bố mẹ đi tới hoặc từ chối nói chuyện khi được hỏi làm gì trên máy tính.

Trẻ nhắc đến việc đang xử lý “rắc rối”

Đôi khi, trẻ muốn chia sẻ với bố mẹ về vấn đề bị bắt nạt nhưng không biết cách diễn tả chính xác. Thay vào đó, chúng nói về cách mình xử lý rắc rối, những câu nói xấu hay trò trêu ghẹo.

“Trẻ có thể không sử dụng những thuật ngữ của người lớn nên bố mẹ cũng cần biết dùng ngôn ngữ của con khi nói về bắt nạt trên mạng”, Richardson-Quamina khuyên.

Trẻ thay đổi thói quen hàng ngày, từ ăn uống đến ngủ nghỉ

Bị bắt nạt, dù trên mạng hay ngoài đời, cũng dẫn đến các vấn đề về thể chất và tinh thần. Theo Bailey Huston, điều phối viên tại Trung tâm Phòng chống Bắt nạt Quốc gia Mỹ, trẻ là nạn nhân của bắt nạt thường bị rối loạn giấc ngủ, tự ti, hay sợ hãi và lo âu, thu mình. Triệu chứng đau bụng, đau đầu cũng rất phổ biến.

“Bố mẹ cũng có thể nhận thấy trẻ thay đổi về thói quen ăn uống, tránh giao tiếp xã hội, hay cáu gắt”, Katie Hurley, nhân viên xã hội, tác giả cuốn sách No More Mean Girls cho biết.

bắt nạtẢnh: Children’s Health Queensland.

Để vượt qua tình trạng bị bắt nạt trên mạng, trẻ cần tình yêu và sự hỗ trợ của bố mẹ. Dưới đây là cách phụ huynh có thể giúp con khi trẻ bị bắt nạt.

Đầu tiên, hãy lắng nghe và cảm thông

Bố mẹ có xu hướng cố gắng sửa chữa mọi chuyện, nhưng điều quan trọng đầu tiên cần làm là đáp ứng nhu cầu cảm xúc, cần được chia sẻ của trẻ. Hãy nhờ trẻ diễn giải những chuyện đang xảy ra, cho xem các bài đăng/đoạn chat và chụp màn hình.

Nhắc trẻ rằng con không đơn độc

Bắt nạt trên mạng có thể khiến trẻ cảm thấy bị cô lập, không có ai bên cạnh. Hãy xóa đi suy nghĩ này của trẻ bằng cách chứng minh cho con thấy có những người quan tâm và luôn ở bên con.

Lưu lại tình huống

Một trong những khía cạnh độc đáo của bắt nạt trên mạng là để lại dấu vết. “Bạn nên lưu đường link, in email, website và chụp toàn bộ những bài đăng chứa nội dung tiêu cực về con”, Huston khuyên.

Đừng lấy điện thoại của trẻ

Một trong những lý do trẻ không đề cập đến việc bị bắt nạt trực tuyến là sợ bố mẹ sẽ tịch thu điện thoại hoặc giới hạn thời gian truy cập mạng xã hội. Theo Richardson-Quamina, dù bố mẹ có ý tốt khi làm vậy, trẻ vẫn có cảm giác bị phạt.

“Thay vì không cho trẻ dùng điện thoại, hãy ở cạnh con và cùng tìm cách để con dùng Internet một cách an toàn”, Huston nói. “Điều này sẽ củng cố thông điệp rằng bị bắt nạt không phải lỗi của trẻ đồng thời động viên các con cởi mở chia sẻ về các vấn đề tiêu cực trên mạng”.

Nói chuyện với nhà trường

Nếu trẻ cảm thấy thoải mái, bạn có thể trình bày vấn đề và đưa bằng chứng cho các giáo viên hoặc nhà quản lý trường học. Theo Huston, nhiều trẻ không dám chia sẻ việc bị bắt nạt với thầy cô vì sợ mọi chuyện sẽ xấu đi.

Tiếp tục trò chuyện

Bố mẹ nên dành thời gian để trò chuyện với con mỗi tuần, xem trẻ cảm thấy thế nào khi lên mạng.

“Đừng dừng nói chuyện với trẻ về cuộc sống trên mạng, ngay cả sau khi đã báo cáo tình trạng của con”, Richardson-Quamina khuyến cáo. “Hãy kết nối với trẻ bằng cách nhờ con dạy cho bạn về những ứng dụng hay trò chơi mới nhất. Đừng chỉ quan tâm đến con khi có điều không hay xảy ra”.

Nguồn: HuffPost

Thu Nguyệt (Theo Vnexpress)

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN