Trong 100 năm lịch sử phát triển, điện ảnh Ấn Độ đã tự đóng khung mình bằng các pha quay chậm, những bài hát chen ngang đặc trưng. Thế nhưng, với thể loại phim lịch sử, người ta đang thấy một Bollywood rất khác…
- 7 phim điệp viên được mong chờ làm tiếp
- 10 phim điện ảnh Hàn Quốc hoàn hảo khi xem vào đêm hè
- Top phim bộ Trung Quốc đáng xem mùa dịch
Cảnh chiến đấu trong phim Kondhana – Tanhaji: The unsung warrior (2020) – Ảnh: IMDb
Ở cuốn sách xuất bản năm 2004, giáo sư Tejaswini Ganti từng đặt vấn đề Bollywood có thể được phân thành một thể loại hoàn toàn riêng biệt. Nếu nhìn vào danh sách quy ước phân loại của điện ảnh, từ chính kịch, nhạc kịch, siêu nhiên đến tình cảm – hài, kinh dị… mỗi bộ phim Ấn Độ thích ôm trọn tất thảy thay vì nghiêng về một thể loại cụ thể.
Hầu như phim Ấn nào cũng có những điệu nhảy truyền thống bỗng dưng chen ngang mạch, không nhiều thì quá nhiều; hoặc các trường đoạn slow-motion (chuyển động chậm) dài đằng đẵng, đẩy một bộ phim điện ảnh lên mức trung bình 2 – 3 tiếng.
Vậy nên mới có chuyện, dẫu sản sinh ra nhiều tác phẩm danh tiếng, Ấn Độ tựu trung vẫn thường bị nhìn nhận là nền điện ảnh cấp thấp, sau Hollywood, Trung Quốc và có lẽ sau cả Iran (vài năm mới cho ra một phim), như thể tồn tại bức tường ngăn cách “phim Ấn Độ và phần còn lại của thế giới”.
Một thập kỷ đột phá
Ấn Độ luôn trung thành với ngôn ngữ điện ảnh của mình. Khi nói phim lịch sử đang mang đến một Bollywood rất khác thì không phải phim Ấn đã thay đổi mà là cách nhìn của khán giả.
Sự đột phá của điện ảnh Ấn trong 10 năm trở lại đây gắn liền với tần suất dày đặc của các bộ phim lấy cảm hứng từ lịch sử.
Năm 2015, Sử thi Baahubali: The Beginning vừa ra mắt đã trở thành bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất trong lịch sử điện ảnh Ấn Độ. Phần 2 của bộ phim (năm 2018) thậm chí còn xô đổ kỷ lục trên.
Cảnh phim Baahubali: The Beginning
Dựa trên sử thi về cuộc đời Baahubali, bộ phim là khúc trường ca với những cuộc chiến hận thù kéo dài suốt hai thế hệ. Những đoạn slow-motion chiến đấu hoành tráng, chiến thuật có phần kỳ quái và các phân cảnh nhạc kịch với 1.000 diễn viên quần chúng đã tạo nên sức hút xuyên suốt bộ phim.
Khi làn sóng phấn khích dành cho Sử thi Baahubali còn chưa dứt, năm 2019, điện ảnh Ấn Độ đón thêm Kesari – một thiên anh hùng ca tái hiện trận chiến tại pháo đài Saragarhi, nơi 21 binh lính Sikh chiến đấu với 10.000 quân Afghanistan.
Dù dựa trên cuộc chiến có thật năm 1897, các nhà làm phim Kesari vẫn thể hiện phong cách sáng tạo phóng túng với những màn vây thành, đu người trên dây, ám sát.
Cảnh phim Kondhana – Tanhaji: The unsung warrior
Những trận đánh mãn nhãn tiếp tục mở đầu năm 2020 bằng Kondhana – Tanhaji: The unsung warrior.
Cuộc đời tướng Tanhaji Malusare (do nam tài tử Ajay Devgn thủ vai) hiện lên màn ảnh cùng cuộc chiến vệ quốc của người Maratha trước sự xâm lăng từ binh đoàn đế quốc Mughal. Người Maratha chiến thắng nhưng Tanhaji lại hi sinh.
Người anh hùng trong phim Ấn thường gắn với cái chết lẫm liệt, vì chỉ có vậy mới khiến họ trở thành những vị thần và tồn tại mãi trong hình dáng tôn giáo.
Chưa kể đến những cảnh tráng lệ ở Panipat (2019) hay sử thi Kochadaiiyaan (2014) – bộ phim Ấn Độ tiên phong sử dụng kỹ thuật ghi hình chuyển động, trong thập kỷ qua, hàng chục tác phẩm lấy cảm hứng lịch sử đã nở rộ ở xứ sở Bollywood và được công chúng thế giới hoặc đón nhận hoặc bị lòng hiếu kỳ thu hút.
Khung cảnh hoành tráng trong Sử thi Baahubali (2015) – Ảnh: IMDb
Sử thi – tiếng nói của điện ảnh Bollywood
Nhưng chính xác điều gì đã làm thế giới có cái nhìn khác về nền điện ảnh Bollywood? Không phải khán giả đã quá quen với cảnh nhảy múa lê thê, cũng không hẳn công chúng “thẩm thấu” được các trường đoạn quay chậm trong phim. Nói trắng ra, nếu không phải phim lịch sử, ít ai chịu được phong cách ấy của người Ấn.
Tuy nhiên, như đề cập ở trên, phim lịch sử là một thể loại đặc biệt, nơi sự hào nhoáng của điện ảnh Ấn không những hòa quyện mà còn thúc đẩy sự thăng hoa của phim.
Lọt thỏm giữa bối cảnh lịch sử, văn hóa, những điệu vũ truyền thống của người Ấn Độ không khiến người xem cảm thấy khó chịu vì sự gượng gạo, ngược lại, chúng là gia vị bản lề, chất dạo đầu cho những trận chiến tàn khốc tiếp sau.
Các nhà làm phim sử thi dùng âm nhạc để biểu thị những góc cạnh khác của người lính bên cạnh lòng dũng cảm, thứ được đề cao duy nhất trên chiến trường.
Còn Sử thi Baahubali hay Kondhana – Tanhaji: The unsung warrior, màn trình diễn nhảy múa giữa hàng ngàn người là không gian để thực hiện kế hoạch trà trộn, tập kích bất ngờ khi mà cả người xem và tuyến phim đang thả lỏng với âm nhạc.
Sử dụng nhạc kịch trong phim sử thi khiến công chúng dễ đồng thuận hơn là trong những thước phim mang bối cảnh thời hiện đại bởi người xem vốn quen với nền điện ảnh dùng ngôn ngữ diễn xuất, cử chỉ để khắc họa hơn là hát ca dài dòng.
Không chỉ tô vẽ lại sự huy hoàng cho những trận chiến trong quá khứ, các yếu tố văn hóa, tôn giáo, tư tưởng còn được lồng ghép vào phim để tạo nên một đại ngôn về lịch sử Ấn Độ.
Cuộc chiến của vương triều Mughal và người Maratha, sự hận thù giữa người Ấn và thực dân Anh…, màn ảnh cho phép Ấn Độ diễn giải lại các mối quan hệ này không nhất thiết phục vụ mục tiêu chính trị mà chỉ là thể hiện tinh thần dân tộc thuần túy.
Cảnh phim Kesari
Có thể diễn giải sự đeo đuổi miệt mài của người Ấn đối với thứ ngôn ngữ điện ảnh lộng lẫy bằng một cảnh trong phim Kesari.
Dù chỉ có 21 chiến binh bảo vệ pháo đài Saragarhi trước cuộc tấn công của 10.000 quân Afghanistan, tướng Ishar Singh của người Sikh vẫn quyết cắt cử một binh sĩ làm nhiệm vụ tiếp nước cho những người bị thương, ở cả phía mình và địch. Họ đã mang nước đến kẻ thù cho đến tận khi ngã xuống vì đó là điều đúng đắn.
Câu chuyện ấy là phiên bản ẩn dụ của điện ảnh xứ Ấn với những nhà làm phim luôn kiên trì đến cố chấp để đi theo con đường riêng một khi đã biết đâu là chính mình. Và điện ảnh Bollywood giờ đây, thú vị thay, được chính lịch sử và văn hóa truyền thống của họ quay lại dẫn dắt.
Những màn biểu diễn vũ đạo truyền thống trong phim Ấn Độ giờ trở thành nơi sắp đặt các cuộc ám sát – Ảnh: IMDb
Đóng băng khoảnh khắc anh hùng
Khi những bộ phim lấy cảm hứng lịch sử ngày càng nhiều, người xem thấy hóa ra những pha quay chậm của Bollywood cũng không “chậm” hơn các bộ phim cùng đề tài của thế giới là mấy. Slow-motion là đặc trưng của thiên anh hùng ca sử thi, lấy phim Troy (2004), 300 (2006) của Hollywood hay Đại chiến Xích Bích (2008) của Trung Quốc làm ví dụ. Các cảnh quay chậm làm đóng băng khoảnh khắc anh hùng và kích thích sức tưởng tượng của công chúng về những gì sắp xảy ra. |
Theo Mai Thụy – tuoitre.vn