Xu hướng có con với người lạ dần trở thành lựa chọn của nhiều người khi cả hai bên đều mong muốn làm cha mẹ, nhưng không có người yêu hay bạn đời để cùng làm điều đó.
- Làm thế nào để điều trị vô sinh, hiếm muộn hiệu quả?
- 3 cách để trẻ dễ dàng bỏ điện thoại
- 6 kiểu ‘quậy’ tiết lộ trẻ có IQ cao
Khi Jenica Andersen phân vân về mong muốn có con ở tuổi 37, người mẹ đơn thân đứng trước hai lựa chọn: chờ đợi đến khi cô gặp người đàn ông phù hợp hoặc nhờ cậy đến ngân hàng tinh trùng.
Lựa chọn đầu tiên không khả quan, còn Jenica không muốn lựa chọn còn lại bởi sau cùng, cô vẫn muốn đứa bé của mình có một người bố thật sự, giống như đứa con đầu.
Sau nhiều tính toán, người phụ nữ quyết định tìm tới cách mới: có con với một người xa lạ, một người cũng đang muốn được làm cha.
Điều đáng nói là cả hai không hề cần quan hệ tình cảm với nhau, họ chỉ gặp nhau ở điểm chung là muốn có con, nhưng đang không có người yêu hay bạn đời để cùng nhau làm điều đó.
Muốn có con, những người trưởng thành không có đối tác hay người yêu, bạn đời không muốn sinh thêm, chuyển sang việc kết hợp với một người lạ để có em bé. Ảnh: WSJ.
Yelena Pronoza, một kế toán 41 tuổi sống tại Staten Island, cũng tìm đến phương thức này với suy nghĩ tương tự.
“Sẽ mất bao nhiêu thời gian để xây dựng một mối quan hệ đi xa đến mức có con chung. Theo cách này, chúng tôi ‘nhảy cóc’ khỏi các bước làm quen, yêu đương hẹn hò, cưới xin mà đi thẳng đến bước sinh con đẻ cái”, Yelena chia sẻ.
Có con với người lạ, cùng làm cha mẹ (co-parents) dần trở thành xu hướng mà những người trưởng thành ở nước Mỹ tìm đến khi họ mong muốn được làm cha, làm mẹ. Nhờ đó, các website phục vụ cho dịch vụ này cũng ra đời nhanh chóng.
“Quẹt” để tìm người muốn có con
Giống như các ứng dụng hẹn hò, người dùng sẽ thiết lập hồ sơ với hình ảnh của bản thân, miêu tả tính cách, sở thích và quan điểm, phong cách làm cha mẹ của họ để tìm đối tượng phù hợp. Cách tương hợp, “match” với nhau cũng dựa theo các hành động quẹt, vuốt trái, vuốt phải, ấn like.
“Đây là bước ngoặt trong việc hình thành một gia đình. Những người độc thân thường dùng những năm tháng tuổi 20-30 của họ để tập trung vào sự nghiệp và trì hoãn việc kết hôn, sinh con, không dành thời gian cho hẹn hò, tìm hiểu đối phương”, Ivan Fatovic (44 tuổi), người sáng lập ra Modamily, dịch vụ kết đôi người lạ sinh con đầu tiên ở Mỹ, cho biết.
“Không chỉ phụ nữ, nhiều khách hàng là đàn ông cũng tìm đến dịch vụ ghép đôi”, Patrick Harrison, người đồng sáng lập PollenTree, trang web “mai mối” co-parents lớn nhất, nói.
Không có quan hệ tình cảm, những người này đến với nhau vì có cùng mong muốn làm cha, làm mẹ. Ảnh: NY Post.
Harrison cho biết khoảng 60% khách hàng là phụ nữ. Các khách hàng nam có cả người đồng tính, người dị tính, cả hai đối tượng đều tìm đối tác nữ để cùng có con.
Các phương pháp thụ thai khác nhau tùy thuộc vào việc hai bên thỏa thuận và những gì họ có thể chi trả, từ thụ thai theo cách tự nhiên đến thụ tinh trong ống nghiệm hoặc tử cung.
Tỷ lệ thành công là điều khó đo lường chính xác. Theo Harrison, PollenTree có khoảng 90.000 thành viên kể từ khi ra mắt vào năm 2012, với hơn 500 em bé chào đời nhờ kiểu “mai mối” này.
Đặc biệt, trong thời gian phong tỏa vì dịch bệnh, nhu cầu khách hàng tìm đến phương thức này tăng nhanh.
“Website của chúng tôi tăng gấp đôi lượng truy cập từ khi mọi người ở nhà. 5 năm trước, mọi người sẽ quả quyết muốn trở thành cha/mẹ đơn thân, nhưng điều đó đã không còn đúng trong những năm gần đây. Tâm lý và gánh nặng tài chính khiến họ không còn muốn đi một mình trong con đường nuôi dạy một đứa trẻ”, Fatovic đánh giá.
Pronoza quyết định không sử dụng tinh trùng của người hiến vì muốn con mình có cha.
“Quan trọng là đứa trẻ được cả người cha và người mẹ nuôi dạy. Người cha dạy đứa trẻ can đảm, sống có trách nhiệm còn mẹ dành tình yêu và sự chăm sóc. Đó là sự cân bằng mà tôi tìm kiếm”, cô nói.
Jenica Andersen và Stephan DuVal chuẩn bị đón con gái đầu lòng. Ảnh: WSJ.
Đứa trẻ không hiểu được giá trị gia đình
Với những người cùng hợp tác làm co-parents, việc người còn lại có bạn trai, bạn gái là điều bình thường.
Fatovic đã chứng kiến nhiều trường hợp tương tự, với lý do chủ yếu là đối tác của người nam “không thể có con hay đã có con riêng và không muốn sinh thêm”.
“Đối tác ấy cuối cùng đóng vai trò như một người ‘dì’ của đứa trẻ, còn bố mẹ hợp pháp vẫn là hai người tham gia co-parents”, Fatovic nói.
Tuy vậy, xu hướng này không phải được tất cả đồng tình. Những người phản đối cho rằng việc đứa trẻ sinh ra từ lựa chọn này có thể khiến đứa trẻ không hiểu được vai trò của tình yêu, gia đình.
“Nếu bạn coi đây chỉ như một sự trao đổi để có con, đứa trẻ có thể sẽ bỏ lỡ những bài học cơ bản được dạy trong một gia đình như tính gắn kết, yêu thương lẫn nhau”, Cherie Corso, người viết blog về nuôi dạy con, bình luận.
Nhưng đối với những người thật sự khao khát, việc có con vẫn là điều họ mong muốn nhất.
“Bạn chỉ cần chắc chắn rằng bạn đã chọn được người kết hợp phù hợp”, Jenica nói.
Jenica đang ở tuần thứ 17 của thai kỳ. Cha của con cô, Stephan DuVal, làm nghề quay phim ở Vancouver (Canada), cách nơi cô ở 10 tiếng lái xe.
Cả hai lần đầu gặp nhau vào tháng 6 năm ngoái, thông qua PollenTree, và quyết định có con với nhau vì thấy người kia sẽ là người phù hợp để nuôi dạy con cái mình.
Dù ban đầu cả hai đều khẳng định họ không gặp nhau vì tình yêu, cũng không có tình cảm với người còn lại, dần dà cặp đôi phải lòng nhau.
Chưa nghĩ đến việc về chung một nhà, cả hai cho hay mục tiêu có con vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trong lúc chuẩn bị đón con gái chào đời, cả hai dần tiến hành soạn thảo một hợp đồng pháp lý, trong đó ghi rõ trách nhiệm của từng người khi nuôi dạy con cái.
Hiền Thy (Theo Zing)