Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm tốt công tác bảo hộ công dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, và nhắc đến việc đưa bà con có nhu cầu về nước (ước khoảng 14.000 người). Việc tổ chức thực hiện như thế nào?
- Thêm nhiều ca bệnh bạch hầu: Người ở TP.HCM có nguy cơ mắc không?
- Hơn 11 triệu người mắc Covid-19, WHO kêu gọi các nước thức tỉnh
- Covid-19 tái bùng phát, WHO cảnh báo điều tồi tệ nhất chưa tới
Công dân Việt Nam tại Maldives quá cảnh ở Colombo (Sri Lanka) để về nước – Ảnh: Bộ Ngoại Giao
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết có 2 nhóm đối tượng từ nước ngoài về và cách ly 14 ngày theo quy định. Trong đó, theo thống kê của Bộ Ngoại giao, hiện có nhiều người Việt Nam đang ở nước ngoài có nhu cầu về nước, các bộ đã thống nhất tiêu chí cụ thể, trên cơ sở khả năng sắp xếp cách ly tập trung hiện có để 100% người về nước có thể cách ly tập trung ngay.
Có tiêu chí ưu tiên
* Tiêu chí sắp xếp cho về nước sớm như thế nào, thưa ông?
– Tiêu chí sắp xếp về nước sớm là người dưới 18 tuổi, người đi thăm thân, người già hoặc có bệnh mãn tính, công nhân/sinh viên hết hạn visa…
Qua thống kê của Bộ Ngoại giao, hiện có 14.000 người thuộc nhóm này. Thủ tướng đã đồng ý chủ trương, giao Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng phối hợp, trong đó Bộ Ngoại giao thống kê nhu cầu về nước của công dân, Bộ Quốc phòng thống kê về khả năng cách ly và đảm bảo đưa công dân về nước sẽ được đưa vào cách ly tập trung và xét nghiệm theo quy định.
* Thưa ông, hiện người dân có nhu cầu về nước rất quan tâm đến chủ trương cách ly tại khách sạn, có thu phí nhằm mở rộng diện được về nước. Vậy cách ly tại khách sạn như thế nào và mức phí ra sao, khả năng hiện nay như thế nào?
– Với cách ly tự nguyện có trả phí, Thủ tướng đã giao chủ tịch UBND các tỉnh, thành phối hợp với Bộ Công an để các khu cách ly tự nguyện này cũng thành lập ban quản lý và áp dụng biện pháp đúng như biện pháp cách ly tập trung. Tuy nhiên về mức phí thì sẽ tùy theo quyết định của từng tỉnh, thành.
Hiện đã có một số khu cách ly như vậy được thành lập tại Hà Nội, Quảng Ninh… Số này hiện chưa nhiều do thành lập một khu cách ly tập trung dù là tự nguyện cũng thay đổi nhịp sinh hoạt, làm việc của khách sạn và cũng phải đảm bảo các yếu tố như khu cách ly bên quân đội đang làm.
Chưa rõ thời điểm hoàn tất đưa 14.000 người về
* Với điều kiện các khu cách ly như hiện nay thì cùng lúc có thể có bao nhiêu người về nước, thưa ông?
– Những thời điểm cao điểm dịch COVID-19 thời gian qua thì có những lúc cũng có 2.000 – 3.000 người về nước và cách ly tập trung, có thời điểm cao hơn. Nhưng hiện nay bên quân đội sẽ sắp xếp, bên cạnh các khu cách ly tự nguyện các tỉnh sắp xếp.
Tất cả số lượng cách ly tập trung sẽ được thông báo cho Bộ Ngoại giao để đưa công dân về. Vì thế hiện chưa rõ thời điểm hoàn tất đưa 14.000 công dân này về, nhưng theo tôi thì sớm thôi.
* Còn với chuyên gia, người lao động tay nghề cao thì kế hoạch của họ như thế nào?
– Việc đưa chuyên gia, người lao động tay nghề cao vào Việt Nam làm việc phụ thuộc vào kế hoạch của doanh nghiệp. Doanh nghiệp, dự án sẽ báo với các tỉnh, thành để đưa chuyên gia vào.
Đây là nhóm cách ly tự nguyện, tại khách sạn, công ty nơi đến, khu ở công ty sắp xếp… nhưng phải báo với cơ quan chức năng và theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Nếu có người sốt hay ốm đau thì sẽ được đưa đi cách ly tập trung.
Mong từng ngày được về nước
Anh Trương Đình Triết (sinh năm 1995), học viên cao học của Trường đại học Nam Florida vui mừng cho biết anh vừa được chọn trở về trên chuyến bay đưa công dân hồi hương vào ngày 8-7 tới, xuất phát từ Washington, Mỹ. Quá trình đăng ký vé hồi hương của Triết từ tháng 5 đến nay mới thành công. Triết tốt nghiệp chương trình thạc sĩ của Đại học Nam Florida vào tháng 5-2020. Theo kế hoạch, Triết sẽ trở về Việt Nam ngay để kết hợp chữa bệnh nhưng từ tháng 3 đến tháng 5 việc mua vé không thành công, các hãng bay đều hủy chuyến. Nhà nơi Triết đang thuê hết hạn hợp đồng vào tháng 5-2020. Triết đề nghị chủ nhà gia hạn thêm 1-2 tháng nhưng họ đưa ra giá lên đến 2.000 USD/tháng nên bạn trẻ này phải xin người quen cho ở nhờ. Đã phải chuyển 2 chỗ ở nhờ vì mỗi nơi bạn ở được khoảng 2 tuần. Đang trị bệnh ở Việt Nam, cứ 4-5 tháng lại về nước tái khám một lần, do dịch COVID-19 Triết đã hết thuốc 2 tháng trong khi tiền sinh hoạt không còn nhiều. Triết cho biết rất vui mừng khi được trở về nước trong vài ngày sắp tới, và sẵn sàng tuân thủ quy định cách ly, cũng như mong muốn có thể trả phí để giảm bớt áp lực cho Chính phủ. Cùng hoàn cảnh với Triết, N. (sinh năm 2001) – du học sinh ngành quản trị kinh doanh tại Seattle, Mỹ – đã tìm cách mua vé và đăng ký vé về nước qua Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Mỹ từ tháng 3. Vé máy bay của N. liên tiếp bị hủy trong tháng 3, tháng 4 và tháng 5 liên quan đến lệnh cấm bay giữa các quốc gia. Hồng Vân |
Từ Úc tính bay qua Mỹ để về Việt Nam
Nhà quay phim Bob Nguyễn (trái) đang kẹt ở Úc – Ảnh: NVCC Nhà quay phim Bob Nguyễn (30 tuổi) cùng vợ và con trai 17 tháng tuổi bị kẹt tại Úc gần 4 tháng qua. Chi phí trang trải cuộc sống tại Úc lên đến hơn 200 triệu đồng và visa của cả hai vợ chồng đều hết hạn. Bob Nguyễn cho biết gia đình anh qua Úc du lịch từ ngày 8-3, hiện ở thành phố Perth. Gia đình định đi 2 tuần nhưng đã mắc kẹt gần 4 tháng. Hiện tại, vợ chồng anh không có nhà cửa, cũng như không thể đi làm tại Úc. Nhà quay phim cho biết đã 2 lần đăng ký về nước qua Đại sứ quán Việt Nam tại Úc nhưng chưa được xét duyệt. Anh chia sẻ “nếu có người khổ hơn mình nhiều, tôi sẵn sàng nhường cho họ”, nhưng cũng mong nếu không thể về cả gia đình, thì anh mong được về nước một mình để đi làm, gửi tiền qua để nuôi con. Bob Nguyễn phải hủy nhiều công việc tại Việt Nam do chưa thể về nước. Đến hôm 5-7, Bob Nguyễn chia sẻ với Tuổi Trẻ dự định từ Úc bay qua Mỹ để về Việt Nam, vì nghe nói ở Mỹ có nhiều khả năng được xét duyệt hơn. Mi Ly |
Theo Lan Anh – tuoitre.vn