Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã đi đến những kết luận rất thú vị về con người, có thể khiến bạn phải thốt lên “Hóa ra là như vậy”.
- Cách “bóp kem đánh răng” tiết lộ hàng loạt bí mật tính cách chưa ai nói về chính bạn
- 3 dấu hiệu của người đàn ông kém cỏi
- Tại sao phụ nữ thích đàn ông ôm từ phía sau?
Chúng ta chỉ có vài người bạn thực sự
Các nhà tâm lý học, xã hội học đã đưa ra một định nghĩa gọi là “con số Dunbar”. Con số này đã được lập trình sâu sắc trong cơ chế sinh học của con người. Đây là số lượng người tối đa mà bạn có thể duy trì liên lạc chặt chẽ. Vì thế, ngay cả khi bạn có cả ngàn người bạn trên mạng xã hội thì bạn cũng chỉ thực sự hình thành tương tác ý nghĩa với tối đa khoảng từ 50-200 người.
Cùng mất một khoảng thời gian như nhau để hoàn thành một việc nhưng nếu “bận rộn” chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Minh họa: Brightside.
Bạn cảm thấy hạnh phúc khi bận rộn
Hãy tưởng tượng như thế này: Trường hợp 1, bạn đang ở sân bay, bạn cần lấy hành lý. Bạn đi bộ ra nơi lấy hành lý và 10 phút sau bạn lấy được đồ. Trường hợp 2: Bạn chỉ đi mất 2 phút để đến băng chuyền, nhưng phải chờ đến 8 phút để lấy được vali của mình. Cả hai trường hợp đều mất 10 phút, nhưng trong trường hợp thứ hai, bạn thấy mình mất kiên nhẫn và chẳng hài lòng chút nào. Điều này chính là do não bộ của chúng ta không thích nhàn rỗi và yêu chuộng sự bận rộn hơn.
Điều thú vị là với mỗi nhiệm vụ mà chúng ta hoàn thành, não bộ sản sinh ra dopamine, một loại hormone mang lại cảm giác hạnh phúc.
Chúng ta chỉ có thể nhớ được 3-4 điều mỗi lần
Nghiên cứu cho thấy não bộ của chúng ta chỉ có thể lưu trữ được không quá 3-4 mẩu thông tin cùng một lúc. Ngoài ra, những thông tin này chỉ có thể được lưu trữ trong khoảng 20-30 giây. Sau khoảng thời gian này, chúng ta sẽ lập tức quên nó, trừ khi xem đi xem lại nhiều lần.
Đôi khi chúng ta ghi nhận hình ảnh khác thực tế
Nhận thức trực quan về mọi thứ khác với ngoại hình thực tế. Bộ não liên tục xử lý thông tin từ các giác quan. Ví dụ, chúng ta có thể đọc một văn bản nhanh chóng không phải là chúng ta đọc từng từ, mà chỉ chú ý đến từ đầu tiên, từ cuối cùng trong mỗi từ và bổ sung các từ còn lại bằng trực giác, dựa trên vốn từ mà bạn tích cóp trong nhiều năm.
Chúng ta dành 30% thời gian mỗi ngày để mơ mộng
Các nhà khoa học tại Đại học California, Mỹ đưa ra kết quả một nghiên cứu cho thấy: chúng ta dành 30% thời gian trong ngày để mơ mộng. Con số này có thể tăng lên tới 70%, nếu chúng ta không chịu bất cứ áp lực nào. Điều thú vị là, những người hay tưởng tượng có xu hướng sáng tạo hơn.
Chúng ta dành 30% thời gian trong ngày để mơ mộng. Minh họa: Brightside.
Ký ức của chúng ta thay đổi liên tục theo thời gian
Mỗi người chúng ta thường nghĩ rằng những kỷ niệm, những ký ức của bản thân giống như một cuốn phim, hoặc video clip, được “cất” trong đầu và không khi nào biến mất. Nhưng thực ra không phải vậy. Ký ức về những sự kiện trong quá khứ thay đổi mỗi khi chúng ta lục lại trong tâm trí. Ví dụ, bạn khó có thể nhớ được những người đã tham gia bữa tiệc nào đó của gia đình mình vài năm trước. Thậm chí bạn có thể lẫn lộn việc một người đã góp mặt trong bữa tiệc ấy, dù thực chất người đó không hề tham dự.
Ba điều chúng ta không bỏ qua trong cuộc sống
Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao người ta luôn dừng lại để xem các tai nạn giao thông? Lý do chính là sự tò mò. Sự tò mò này được kích hoạt bởi một phần não bộ của chúng ta, phần này chịu trách nhiệm liên tục quét môi trường và đặt câu hỏi: Tôi có thể ăn cái này không? Tôi có thể sex không? Tôi có thể bị chết vì mối nguy hiểm này không?
Nói cách khác, tình dục, thực phẩm, các mối nguy hiểm là nền tảng cho sự sống còn của chúng ta, vì thế não bộ không thể ngưng quan tâm đến điều đó.
Nhiều quyết định được đưa ra trong khi chúng ta không thực sự nghĩ về điều đó, mà chỉ đơn thuần là thực hiện nó. Minh họa: Brightside.
Hầu hết mọi quyết định đều là vô thức
Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng mọi quyết định mình đưa ra là kết quả của sự tính toán, cân nhắc cẩn thận. Tuy nhiên, thực tế, 60-80% các quyết định xuất phát từ tiềm thức. Tức là, các quyết định được đưa ra trong khi chúng ta không thực sự nghĩ về điều đó, mà chỉ đơn thuần là thực hiện nó.
Mỗi giây, não bộ của chúng ta tiếp nhận hàng triệu dữ liệu. Để tránh sự mệt mỏi quá mức, một số quyết định được hạ xuống mức “theo tiềm thức”, ví dụ bật quạt, tắt đèn, đóng cửa… Chúng ta thực hiện những động tác này mà chẳng cần suy nghĩ gì.
Hẳn nhiên điều này có nhược điểm của nó. Bạn dễ dẫn đến sự nghi ngờ bản thân. Ví dụ, khi đến văn phòng, bạn có thể sẽ lo thót tim không biết mình đã rút phích bàn là ra chưa.
Không thể đa nhiệm
Ta không thể cùng lúc thực hiện nhiều hoạt động nhận thức, ví dụ không thể vừa nghe audiobook mà vừa viết thư, công việc này sẽ không hiệu quả. Đương nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, nếu trong trường hợp một trong hai hoạt động đó không cần đến sự tập trung của não bộ. Ví dụ, bạn có thể vừa đi bộ vừa nghe điện thoại chẳng hạn. Nhưng đương nhiên, rủi ro có thể ngã là hoàn toàn có, đúng không nào?
Thùy Linh (Theo Vnexpress)