Bố mẹ không tự chăm sóc bản thân sẽ khiến đứa con học theo và thờ ơ với sức khỏe của nó.
- Hành trình đuổi bắt hạnh phúc của cô gái dị giới
- Nơi bình yên cho trẻ bất hạnh
- 11 điều mâu thuẫn khi dạy con
Những đứa trẻ tinh thần mạnh mẽ không chỉ có khả năng giải quyết tốt vấn đề mà còn dễ đạt thành tích cao trong học tập và cả công việc sau này. Dưới đây là bảy điều bố mẹ nên cố gắng tránh để đứa con phát triển khỏe mạnh về tinh thần.
Không coi trọng cảm xúc của con
Trẻ cần hiểu rằng biểu lộ và nói chuyện về cảm xúc là một điều lành mạnh. Khi nghe người lớn nói những câu như “đừng buồn” hay “chuyện đó có đáng gì đâu“, trẻ sẽ nhầm lẫn rằng cảm xúc không quan trọng và điều tốt nhất là dồn nén chúng.
Nếu con biểu lộ sự sợ hãi trong một cơn bão lớn, phụ huynh nên nói “bố mẹ biết con đang sợ”, sau đó hỏi con điều gì khiến bé cảm thấy khá hơn. Như vậy, đứa trẻ sẽ học được cách kiểm soát, đối phó với cảm xúc của mình và cách tư duy cho đến khi tìm ra giải pháp.
Luôn luôn cứu con khỏi thất bại
Đối với bố mẹ, thật khó khi nhìn con cái đối mặt với thử thách mà chúng ta có thể xử lý. Thế nhưng, hãy nghĩ như thế này: Nếu trẻ học kém, việc làm bài tập giúp chúng chẳng có tác dụng gì vì cuối cùng trẻ vẫn phải tự mình hoàn thành các bài kiểm tra trên lớp.
Thất bại là một phần lớn của thành công. Không cho trẻ thất bại là tước đi cơ hội nhận học hỏi của chúng. Sau này, đứa trẻ cũng sẽ không biết kiên trì để vươn lên.
Luôn luôn đáp ứng nhu cầu của con
Khi bố mẹ cho trẻ mọi thứ chúng muốn, trẻ sẽ bỏ lỡ các kỹ năng liên quan đến sức mạnh tinh thần, ví dụ như tính tự giác. Trước khi tặng trẻ một món đồ chơi, hãy yêu cầu con hoàn thành một nhiệm vụ nào đó như làm hết bài tập, giảm thời gian xem điện thoại hoặc làm việc vặt. Như vậy, đứa trẻ sẽ hiểu rằng phải cố gắng mới đạt được thứ mình muốn.
Ảnh: Shutterstock.
Mong đợi sự hoàn hảo
Muốn con giành được thành tích tốt là một điều tự nhiên, nhưng hãy nhớ rằng đạt mục tiêu quá cao có thể khiến trẻ tự ti, mất niềm tin vào bản thân.
Để xây dựng sức mạnh tinh thần ở trẻ, bố mẹ hãy đưa ra các kỳ vọng thực tế. Trường hợp con thất bại, đừng vội mắng mỏ mà hãy động viên và dạy chúng rằng “thất bại là mẹ thành công”.
Luôn luôn để con thoải mái
Có nhiều thứ khiến đứa trẻ không thoải mái, đặc biệt là khi phải làm những điều mới như ăn thức ăn mới, kết bạn mới, chuyển nhà hoặc chuyển trường.
Giống như thất bại, những thứ khiến trẻ không thoải mái có thể thúc đẩy sức mạnh tinh thần. Thay vì chiều ý con, hãy khuyến khích chúng thử cái mới. Một khi đã bắt đầu, trẻ có thể nhận ra mọi chuyện không khó khăn đến thế.
Không đặt ranh giới giữa bố mẹ và con cái
Trẻ cần biết người đưa ra quyết định cuối cùng luôn luôn là bố mẹ. Ví dụ, đứa con 12 tuổi phải nghe theo lệnh giới nghiêm do bố mẹ đưa ra. Đừng để con “mặc cả” vì nếu điều này diễn ra thường xuyên, trẻ sẽ không bớt tôn trọng luật lệ gia đình.
Không tự chăm sóc bản thân
Càng lớn tuổi, chúng ta càng khó duy trì các thói quen lành mạnh như ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên. Tuy nhiên, chứng kiến bố mẹ bỏ bê bản thân, đứa trẻ có thể sẽ học theo và thờ ơ với sức khỏe của nó.
Bên cạnh việc chăm sóc bản thân, bố mẹ cũng nên chia sẻ về các phương pháp bảo vệ sức khỏe trước mặt con cái. Ví dụ, khi căng thẳng vì công việc, bạn có thể nói: “Bố mẹ có một ngày tồi tệ ở cơ quan. Bây giờ bố mẹ sẽ thư giãn với một quyển sách và một tách trà”.
Thu Nguyệt (Theo Vnexpress)