Cô gái Việt của mẹ

Con luôn hào hứng và đầy mơ ước khi nghĩ đến những chuyến du lịch nước ngoài, làm sao để con yêu và thật sự trân trọng những điểm đến trên tổ quốc con?

Nhớ ngày cô gái nhỏ đầu lòng của mẹ còn học lớp một, trong một buổi đi dự sinh nhật bạn cùng lớp của con, mẹ đã vô tình nhìn thấy thoáng bối rối trong mắt con khi nhóm bạn cùng truyền tay nhau chơi chung một trò chơi trên điện thoại thông minh: gần như bạn nào cũng thành thục, chỉ riêng con lóng ngóng. Sự lóng ngóng của con là tất nhiên, bởi cho đến thời điểm đó, công nghệ chưa bao giờ là điều phổ biến trong nhà mình. Ba cô gái của mẹ hầu như không bao giờ được chơi điện thoại thông minh, nhà có một cái ipad chung nhưng các con cũng chỉ được chơi một tiếng vào cuối tuần. Mẹ vốn không nghĩ công nghệ có gì quan trọng lắm vì ngoài giờ học trên trường của con, bốn mẹ con vẫn luôn “bận rộn” với vô vàn những hoạt động vui chơi, thủ công, nấu nướng và cả những công việc nhà khác, không có phút giây nào đủ buồn chán để nghĩ đến công nghệ.

idy-01793Nhưng ngày hôm đó, suy nghĩ của mẹ đã thay đổi hoàn toàn! Mẹ chợt nhận ra rằng, gia đình mình và bản thân con không phải là những thực thể tách rời khỏi xã hội. Vậy câu hỏi chắc chắn không phải là “mình có cần công nghệ không” mà phải là “mình sẽ cân bằng sự có mặt của công nghệ và các hoạt động khác trong nhà như thế nào”, và trên hết là một câu hỏi lớn hơn “làm sao mẹ có thể nuôi dưỡng được những cô gái hiện đại, theo kịp xã hội mà vẫn giữ được nề nếp truyền thống”?

Con luôn cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi mặc những bộ váy áo năng động, làm sao để con không cảm thấy bị bó buộc khi nghĩ đến tà áo dài?

Con luôn dễ dàng cảm nhận được nhịp điệu của các bài hát quốc tế, làm sao để con nhận ra được những nốt nhạc hay, những nét độc đáo khi thưởng thức các loại hình âm nhạc dân gian?

Con luôn hào hứng và đầy mơ ước khi nghĩ đến những chuyến du lịch nước ngoài, làm sao để con yêu và thật sự trân trọng những điểm đến trên tổ quốc con?

Và con, sẽ luôn bận rộn khám phá thế giới, làm sao để con không cảm thấy nặng nề khi nhớ đến những lễ nghi truyền thống?

idy-01828Mười năm nỗ lực cân bằng những điều này, mẹ nhận ra rằng, bản thân mẹ trân trọng những giá trị xưa cũ vẫn là chưa đủ, thậm chí cố gắng xây dựng được nếp nhà đậm bản sắc cũng là chưa đủ, mẹ còn phải biết nói với con thật nhiều về những điều mẹ yêu, kể với con thật nhiều về những điều ông bà dạy…

… Rằng “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, xới cơm, gắp thức ăn đều phải từ tốn, ý tứ để ý mâm cơm, dựng xe ngoài đường cũng cần nép sát lề, tránh cửa nhà, đường hẻm…

idy-00937

… Rằng “lời chào cao hơn mâm cỗ”, nụ cười thăm hỏi sẽ luôn mang đến niềm vui, không phân biệt là người quen thân hay bác lao công, chú bảo vệ con gặp ở cửa nhà. “Đi thưa về trình” với ba mẹ là chuyện đương nhiên; xã hội hiện đại, quan hệ khắng khít giữa con và ba mẹ chỉ làm lời chào mang không khí tươi vui hơn và mang tính chất hai chiều – tức là ba mẹ cũng chào hỏi con – chứ mãi mãi không bao giờ đồng nghĩa với việc tự do, phóng khoáng, không quan tâm đến sự hiện diện của nhau dưới cùng mái nhà.

… Rằng “lời nói không mất tiền mua”, kiến thức và lý lẽ không phải lúc nào cũng quan trọng hơn sự cảm thông, lời ân cần và thứ bậc trên dưới. Môi trường học tập hiện đại sẽ xây dựng cho con sự tự tin khi nói lên chính kiến của mình. Nhưng là người Việt Nam, con sẽ không chỉ trân trọng duy nhất chữ “Tôi”: chính kiến của con sẽ luôn được nói ra trong sự cân bằng với “kính trên nhường dưới”.

… Rằng “cách cho hơn của đem cho”, quà quý đến đâu cũng không quý bằng cái tình. Tấm lòng của con sẽ là điều mọi người luôn nhớ đến và trân trọng.

IMG_6258… Rằng “nhập gia tùy tục”, gần gũi là tôn trọng nếp nhà của gia đình khác, lớn hơn là tôn trọng bản sắc của mọi vùng đất con đi qua. Nhưng trên hết, là trân trọng chính nếp nhà của con, phần lớn nhất tạo nên bản sắc của chính con.

“Ông bà dạy là cấm có sai” – thỉnh thoảng chính bản thân mẹ cũng giật mình và bật cười khi nhận ra đó là một trong những câu cửa miệng của mẹ – một người mẹ chỉ mới ngoài ba mươi, ở thế kỷ 21; một người mà nếu với cảm nhận ban đầu, sẽ được xếp ngay vào nhóm “bà mẹ hiện đại”.

IMG_6259Mẹ nhớ có lần, sau khi đi ăn tiệc chung ở công ty mẹ, cô trợ lý nói với mẹ rằng “Ông xã em thắc mắc ghê lắm, bảo lúc nãy trên bàn ăn, chị chỉ gọi tên con thôi, không thấy nói gì thêm, là tự động các bé biết điều chỉnh cái gì, một lần là cái muôi trong tô canh chung, một lần là ngồi thẳng lưng lại”. Không-cần-nhắc-cũng-biết-cần-chỉnh-gì chắc chắn là kết quả của vạn lần nhắc từng chút trong mọi bữa ăn trong nhà. Mẹ có lẽ chính xác là một bà mẹ “lắm quy tắc”, mẹ xin lỗi tụi con! Nhưng mà, mẹ sẽ vẫn tiếp tục làm vậy, sẽ vẫn nhắc từng li từng tí, cho đến khi nào nếp nhà trở thành thói quen của con – một nếp nhà phiền hà nhưng duyên dáng, và ấm áp… như chính những cô gái Việt của mẹ.

Tô Hồng Vân

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN