Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 282_VVM
Họ tên: Lê Minh Hải
Địa chỉ: Vĩnh Yên,Vĩnh Phúc
—————————————————
Mỗi khi nhắc đến mẹ là khi ấy trong tôi lại trào dâng niềm cảm xúc rưng rưng, ngọt ngào và dịu êm đến lạ. Những hình ảnh về mẹ vẫn nằm trọn vẹn trong kho ký ức của tôi. Đó là một thời nghèo khó nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và tình cảm ấm áp của mẹ.
Hồi đó tôi là một đứa trẻ yếu ớt, thường xuyên đau ốm. Có lẽ thế nên hình như tôi được mẹ dành cho nhiều ưu ái hơn. Nhớ khi tôi ốm, mẹ thức cả đêm bên tôi, mẹ thay khăn ướt, mẹ làm tất cả vì tôi. Sáng ra nhìn mẹ hốc hác hẳn đi, mắt mẹ quầng thâm vì thiếu ngủ. Lúc ấy tôi thương mẹ vô cùng.
Tôi còn nhớ lắm những cơn mưa rào xối xả, bóng mẹ như nhỏ bé và liêu xiêu trong mưa nhưng vẫn hồ hởi và vội vã đón tôi ở lớp học về. Đường quê lầy lội và trơn lắm, mẹ bước đi phải dùng ngón chân bấm xuống đất để không bị ngã. Tôi cũng nhớ lắm dáng mẹ lom khom đẩy dậm ( dụng cụ bắt tôm, cua, cá ở quê tôi) trên đồng, hòng kiếm con tôm, con tép để cải thiện bữa ăn cho chúng tôi. Ngày ấy, quê tôi còn nghèo lắm, thiếu đói triền miên, bữa cơm thường phải độn chuối xanh, độn sắn non, ở dưới thường chỉ có vài lưng cơm chủ yếu là ưu tiên người già và trẻ con. Trong bữa cơm, mẹ thường chỉ được ăn sắn và phần cháy còn sót lại. Có một lần mẹ cầm miếng cháy định đưa lên miệng thì chúng tôi nhao nhao: “Mẹ ơi,cháy con cũng ăn” .Thế là mẹ lại phải nhường cho chúng tôi. Chao ôi! Trẻ con mà, có biết gì đâu. Giờ mỗi lần nhớ lại, lại thấy thương Mẹ quá, nước mắt muốn trào ra. Có một kỷ niệm mà tôi chắc sẽ mãi không quên, đó là kỷ niệm về que kem ngày thơ ấu. Hồi ấy, lũ trẻ quê chúng tôi cứ thấy bác bán kem mút – sở dĩ gọi là kem mút vì là gọi theo âm thanh từ cây kèn mà người bán kem thổi và cũng vì cách ăn kem của chúng tôi – là chúng tôi lại chạy theo xem có ai mua không và xin mút vài cái. Mẹ gọi chúng tôi về không được. Thế là mẹ ra tận nơi lôi chúng tôi về cho mỗi đứa mấy roi. Tôi òa khóc. Thế là mẹ ôm chúng tôi vào lòng, mẹ khóc,và tôi im bặt. Tôi không hiểu tại sao mẹ khóc. Trong tâm hồn non nớt của chúng tôi làm sao có thể giải nghĩa được tiếng khóc kia vì đâu. Mãi sau này khi lớn lên tôi mới hiểu được điều ấy.
Kỷ niệm về mẹ cũng là những giây phút bình yên nằm nghe mẹ hát dân ca, nghe mẹ kể chuyện, được ăn bát canh cua mẹ nấu, được nhận những chiếc kẹo vừng thơm phức mỗi khi mẹ đi chợ về… Tất cả nằm gọn trong miền ký ức của tôi.
Giờ mẹ đã thành bà nội, bà ngoại và cũng không còn phải vất vả như trước nữa. Nhưng mỗi lần về quê tôi vẫn thấy mẹ thường dậy sớm quét sân vườn rồi lại lo bữa sáng cho cả nhà. Tôi thường bảo mẹ: “Mẹ cứ ngủ cho khoẻ, dậy sớm làm gì”. Mẹ lại cười: “Ấy, anh cứ kệ tôi, dậy sớm quen rồi”. Đấy, mẹ vậy đó, cả đời không chịu rảnh tay bao giờ. Và những năm tháng tảo tần, cực khổ ngày trước đã tạo cho mẹ cái thói quen ấy. Tuy đã trưởng thành, đã có gia đình, nhưng với tôi, mẹ vẫn là nơi chốn bình yên và vững chắc nhất. Những lúc vấp ngã, khó khăn trong cuộc đời, hình ảnh mẹ vẫn giúp tôi có niềm tin và mạnh mẽ để đứng lên bước tiếp và thành công.
Thật đúng như người ta nói: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”. Câu nói quả là chính xác và thấm thía. Chỉ khi người ta trưởng thành và có đủ trải ngiệm mới biết được hết những tình cảm mà mẹ dành cho mình. Với tôi, những năm tháng ấu thơ ở bên mẹ là tuyệt vời nhất. Tuy là nghèo đói đấy nhưng mà ấm áp yêu thương bởi vòng tay của mẹ. Bên mẹ ta có một cảm giác được che chở và bình yên. Con sẽ mãi lưu giữ những kỷ niệm đẹp về mẹ với cả lòng biết ơn và niềm yêu kính thiêng liêng nhất. Mẹ sẽ mãi là ánh trăng dịu hiền soi sáng tâm hồn con.
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!