Nhiều nguời vì lo ngại diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (nCoV) nên đã chủ động mua nhiều lương thực, thực phẩm tích trữ trong nhà. Tuy nhiên, nếu không biết cách bảo quản đôi khi sẽ khiến cho người dùng bị ngộ độc.
- Gà đen có thật dinh dưỡng hơn gà bình thường?
- Tại sao hệ miễn dịch có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa virus corona?
Nhiều nguời vì lo ngại diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 (nCoV) nên đã chủ động mua nhiều lương thực, thực phẩm tích trữ trong nhà. Tuy nhiên, không phải mọi loại thức ăn đều có cách bảo quản giống nhau. Nếu không biết cách bảo quản đôi khi sẽ khiến cho người dùng bị ngộ độc. Dưới đây là 4 gợi ích cho việc bảo quản thức ăn dùng dài ngày đảm bảo sức khỏe, các bà nội trợ nhớ ghi chú lại nhé!
Đối với thịt
Thông thường thịt mua về nếu bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh chỉ có thể dùng trong vòng 1 đến 2 ngày, nếu muốn trữ lâu hơn thì nên để ở ngăn đông. Dù ở ngăn nào đi nữa thì cũng nên lưu ý về cách bảo quản để thịt luôn được tươi mới, đồng thời không lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Bất kể là loại thịt gì thì khi mua về bạn cũng nên sơ chế cho sạch rồi dùng màng nhựa để bọc thực phẩm hoặc lấy giấy bạc thường được sử dụng để bọc kín (nên bọc nhiều lớp để tránh nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh đồng thời không bị đông đá quá mức, mất đi mùi vị thơm ngon vốn có).
Cá/hải sản
Cũng bảo quản tương tự như các loại thịt (bọc kín nhiều lớp) nhưng vì cá/hải sản thường có mùi tanh đặc trưng vì thế để tránh ảnh hưởng mùi sang các thực phẩm khác trong tủ lạnh, bạn nên sử dụng thêm hộp kín để bảo quản.
Ngoài ra, để giảm mùi tanh nhưng vẫn giữ được độ tươi cùng các chất dinh dưỡng thì sau khi làm cá xong bạn có thể pha loãng giấm và đổ trực tiếp lên mình cá.
Rau củ
Rau củ cũng là một trong những thực phẩm được nhiều bà nội trợ chọn mua tích trữ nhằm hạn chế việc ra ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là loại khó bảo quản trong nhiều ngày, dễ hư úng nếu không biết cách.
Để bảo quản được nhiều ngày, rau mua về nên loại bỏ các lá sâu và hư nhưng không được ngâm rửa (nếu muốn sạch thì dùng khăn giấy lau sơ qua) rồi cho ngay vào túi zip hoặc hộp đựng có lót giấy nhằm đảm bảo rau không bị ẩm ướt.
Khi sắp xếp vào tủ lạnh, nên lưu ý đến thứ tự để các loại rau. Những loại rau củ nặng hơn như cà rốt, su hào, bắp cải…thì để phía dưới, sau đó đặt các loại rau ăn lá lên trên. Chỉ cần biết cách bảo quản thì bạn hoàn toàn có thể dự trữ rau từ 10 đến 14 ngày.
Thức ăn thừa
Thức ăn thừa thường được bảo quản trong tủ lạnh, nhưng cần được chứa trong hộp, túi kín để không bị nhiễm khuẩn từ thức ăn sống, tốt nhất nên chia theo ngăn đồ ăn sống và chín. Các bà nội trợ nên lưu trữ thức ăn thừa vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu ăn, tránh để quá lâu ở ngoài làm mất đi chất dinh dưỡng hoặc gây biến chất, có hại cho cơ thể.
Sử dụng đồ ăn tươi, mua – chế biến trong ngày bao giờ cũng tốt hơn dự trữ lâu ngày. Tuy nhiên nếu điều kiện không cho phép thì đừng quên các lưu ý trên để vừa có thể bảo quản đồ ăn lại vừa đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình nhé!
QP tổng hợp