Thời điểm này, dành thời gian leo núi Bà Đen hay núi Chứa Chan vừa được ngắm cảnh đẹp, vừa giúp bạn rèn luyện sức khỏe tốt.
Thể chất và tinh thần có một mối liên kết rất chặt chẽ. Khi rơi vào trạng thái lo lắng, bồn chồn, bạn sẽ nhanh chóng cảm nhận được sự thay đổi trong cơ thể, thậm chí đôi lúc khiến chân tay mỏi mệt. Sự căng thẳng kéo dài cũng có thể gây áp lực lên phổi, làm khó thở. Do đó, theo một nghiên cứu, các hoạt động thể dục ngoài trời là liệu pháp tốt để giảm chứng lo âu và trầm cảm, giúp rèn luyện sức khỏe, sức chịu đựng. Đặc biệt, đa phần người mê leo núi chia sẻ rằng, lên đến đỉnh, điều tuyệt vời nhất mà họ cảm nhận được chính là tràn đầy năng lượng, thư thái và hạnh phúc khi chinh phục đỉnh núi, hòa mình với thiên nhiên. Bên cạnh đó, hoạt động leo núi không phải lúc nào cũng đông khách, bạn vừa có thể tránh đám đông, lại vừa được hít thở không khí trong lành, đỡ bức bối. Vì thế, trong thời điểm cần giữ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, thì dành một ngày nghỉ để leo núi là gợi ý không tồi chút nào. Và dù là dân không chuyên, vẫn có hai đỉnh núi gần Sài Gòn cho bạn khám phá.
Núi Bà Đen
Được mệnh danh “nóc nhà vùng Đông Nam Bộ”, núi Bà Đen là một trong những điểm điểm đến được ưa thích nhất của dân phượt phía Nam. Núi nằm trong quần thể di tích văn hóa lịch sử núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Thời điểm xuất phát lý tưởng nhất là buổi sáng sớm dành cho chuyến đi về trong ngày hoặc đầu giờ chiều nếu bạn muốn nghỉ qua đên trên đỉnh núi. Bạn sẽ mất khoảng nửa ngày để lên đến đỉnh, cắm lều để dậy sớm đón bình minh. Tránh leo vào mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 11, dù đây là thời điểm đẹp để săn mây. Có nhiều cung đường chia theo cấp độ khác nhau cho bạn tự lượng sức, trong đó phổ biến nhất là ba cung sau:
Cung đường chùa dễ leo nhất. Sau khi vào chùa dưới chân núi, nằm trong khu du lịch, leo hàng trăm bậc thang lên chùa, bạn men theo đường mòn để lên đến đỉnh. Trên đường đi ghé qua chùa Bà khá nổi tiếng, hút nhiều du khách. Vì thế, cung đường này đông dân leo núi lẫn người đi hành hương.
Cung men theo đường cột điện ở độ khó trung bình, mất khoảng 4 -5 giờ leo, phù hợp với người mới “vào nghề” trekking muốn thử sức. Dọc đường cây cối mát mẻ bao phủ, được đánh dấu chỉ dẫn khá rõ. Bạn chỉ cần tham khảo trước đường đi và chuẩn bị sẵn đồ ăn là ổn. Đối với những ai mới leo núi lần đầu, vẫn nên đi nhóm đông cho chắc ăn.
Cung Ma Thiên Lãnh là một trong những cung nhiều thử thách, khiến dân phượt mê mệt. Thông thường, bạn phải bỏ ra ít nhất hai ngày một đêm cho một chuyến leo núi theo đường này. Đường khó đi, qua nhiều dốc núi toàn bụi rậm, đá tảng trơn nhẵn, buộc phải có potter vì rất dễ bị lạc nên chỉ phù hợp với những ai đã có kinh nghiệm leo núi. Bạn đến thung lũng Ma Thiên Lãnh nằm dưới chân núi, gởi xe máy tại đây và tìm người dẫn đường địa phương.
Núi Chứa Chan
Cách TP HCM khoảng 90 km, núi Chứa Chan thuộc tỉnh Đồng Nai chỉ cao sau núi Bà Đen, cũng là sự lựa chọn không tồi dành cho bạn. Khu vực núi có nhiều rừng rậm, vách đá dựng đứng, khung cảnh hoang sơ rất đẹp. Đỉnh núi là một trong những điểm cắm trại ngắm bình minh đẹp nhất miền Đông Nam Bộ. Có hai cung đường đi phổ biến:
Cung đường chùa, tương tự như ở núi Bà Đen khá dễ leo và cũng quen thuộc đối với các bạn trẻ vào mỗi cuối tuần. Với thể lực bình thường, bạn mất khoảng 3 tiếng để chinh phục đỉnh núi. Bạn chỉ việc đi theo bậc thang có sẵn từ chân núi, một số đoạn dốc cao nhưng đa phần không khó di chuyển. Đến chùa Đức Vân, bạn nên tranh thủ mua theo thức ăn nếu không chuẩn bị sẵn, nghỉ ngơi một lát.
Cung men theo đường cột điện được dân phượt ưa chuộng hơn. Cung này có đoạn dốc khiến bạn phải dùng cả tay chân bám vào núi, khó đi hơn đường chùa nhưng bù lại cây cối mát mẻ, chuẩn cung trekking dành cho người mê vận động. Nếu chọn cung đường này, bạn nên dành nhiều thời gian men theo lối Linh Sơn Cổ Tự, lên chùa Bửu Quang ngắm cảnh. Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận và tìm hiểu thật kĩ vì đường ngang nhiều đồng cỏ lau cao, rừng trúc rậm rạp, dễ bị lạc nếu thiếu quan sát.
Theo Vi Yến (ngoisao.net)