Viết về mẹ: Việc làm của mẹ

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 257_VVM

Họ tên: Trà Kim Long

 —————————————————

Tôi đọc được một mẩu chuyện nhỏ trên báo LC thật cảm động có thể tóm lược như sau:

Một nhóm sinh viên trong một lần đi thực tập trở về đã đến nhà vị giáo sư hướng dẫn để liên hoan. Buổi tiệc kết thúc, vị giáo sư không cho các sinh viên dọn dẹp chén bát mà tự mình gom hết đem bỏ vào bồn nước nơi nhà bếp rồi nhờ mẹ già đã trên bảy mươi tuổi rửa giùm sau khi đã dội hết lớp dầu mỡ. Người mẹ rất vui vẻ khi làm chuyện ấy. Sau khi rửa xong, vị giáo sư dùng khăn lau sạch tay cho mẹ, dìu mẹ vào phòng nghỉ, rồi quay vào bếp rửa lại số chén bát ấy. Trước sự ngỡ ngàng của các sinh viên, vị giáo sư đã mỉm cười giải thích: “Mẹ thì lúc nào cũng muốn làm được một chút gì đó cho con dù tuổi đã già rồi”.

Tôi bất hạnh mất mẹ từ thuở vừa mới lọt lòng nên không nhìn thấy được tấm lòng của mẹ đối với con từ những công việc nhỏ nhặt. Nhưng tôi vẫn có những người quen biết còn mẹ cho đến lúc tóc trên đầu đã bạc. Tóc con đã bạc thì tuổi mẹ cũng đã vào độ mắt mờ tay run, không còn có khả năng linh hoạt như trước nữa. Nhưng người già lại không muốn ngồi yên một chỗ, mà phải làm một việc gì đó để thấy mình vẫn tồn tại, để thấy mình vẫn còn có ích cho con cháu chớ không phải là để bảo cơ. Mẹ không còn gánh vác được những công việc nặng nhọc nên chỉ chăm sóc những điều nhỏ nhặt trong gia đình, đó là niềm vui của tuổi già khi nghĩ mình cũng có thể đỡ đần cho cháu con, mà đó cũng chính là ý nghĩ thiêng liêng phát xuất từ tâm can của mẹ: con mãi mãi cần có sự nâng đỡ của mẹ. Trong mắt mẹ, con lúc nào cũng vẫn là con, dù có đã là lão niên hay địa vị cao sang trong xã hội thì với mẹ cũng chỉ là một đứa trẻ con không thể buông rời ra được. Nhưng tay mẹ run, mắt mẹ mờ nên việc làm nhiều khi không được như ý muốn, đôi lúc đưa đến điều phản tác dụng.

Những người quen biết của tôi được có diễm phúc còn mẹ đã đối xử với mẹ già mỗi người một cách khác nhau, nhưng cũng có thể phân ra được ba trường hợp:

Hoặc tỏ rõ thái độ không vừa ý, nhiều khi gắt gỏng ra mặt khi thấy việc làm của mẹ “đã không có lợi mà còn có hại” nên cấm không để cho mẹ nhúng tay vào bất cứ công việc làm nhỏ nhặt nào. Hoặc cẩn thận kê cao, giữ kín các vật dụng dễ vỡ, có giá trị trong gia đình. Mẹ chỉ còn có thể nhúng tay vào những công việc lặt vặt, muốn làm gì thì làm để tránh được sự phiền phức. Hoặc mời mẹ tham gia vào một số công việc nhẹ nhàng trong gia đình để mẹ không cảm thấy đơn độc, tách rời với con cháu, vẫn hiểu được trong mắt mẹ con lúc nào cũng vẫn là con.

Có thái độ không vừa ý, gắt gỏng, không để cho mẹ nhúng tay vào bất cứ công việc làm nào trong gia đình là đẩy mẹ vào chỗ như người xa lạ. Không thể nghĩ đến điều lợi hại của vật chất mà đối xử với mẹ như người dưng nước lã. Như thế, nói đến chữ hiếu trong trường hợp này chỉ là điều không tưởng. Kê cao giữ kín vật dụng có giá trị trong gia đình là làm tổn thương tinh thần nhạy cảm của mẹ, đẩy mẹ vào chỗ tủi thân giữa lúc tuổi già cần phải quan tâm nhiều hơn lúc nào hết. Mời mẹ tham gia một số công việc nhẹ nhàng trong gia đình một cách chân thành đã làm niềm vui của mẹ không phải bị hao mòn mà còn là điều ngược lại. Nhưng điều này đã mấy ai có lối hành xử như vị giáo sư mà tôi đã đọc được nơi mẩu chuyện nhỏ trên báo LC?

Ai cũng biết rất rõ, không có mẹ thì không có ta trên cõi đời này. Mẹ đã suốt đời tận tụy lo cho con. Trong mắt mẹ dù con ở địa vị nào trong xã hội, ở lứa tuổi nào trên cõi đời này thì cũng vẫn chỉ là đứa con bé bỏng mà mẹ đã từng mang nặng đẻ đau! Đừng bao giờ để tổn thương tình mẹ cao cả đối với con.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN