Những người nói không với máy bay đều cho rằng việc đi lại bằng phương tiện an toàn nhất thế giới này góp phần làm ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
- Từ flycam, làng hoa cạnh lò gạch cũ ở Cái Mơn đẹp ngẩn ngơ
- Đồ trang trí treo tường giúp tống cựu nghinh tân
Kết quả khảo sát của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) công bố ngày 14-1 cho thấy số người nói không với máy bay đang tăng mạnh trên toàn thế giới. Cuộc khảo sát tiến hành tại 28 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc với hơn 30.000 người tham gia.
Phần lớn những người “tẩy chay” máy bay đều cho rằng loại phương tiện này đang thải ra quá nhiều khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính, dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Tính trên toàn cầu, ngành hàng không thải ra khoảng 2% khí gây hiệu ứng nhà kính.
Khoảng 36% người châu Âu được hỏi cho biết họ đã hạn chế đi lại bằng máy bay trong các kỳ nghỉ dài ngày gần đây. 75% khẳng định sẽ không đi máy bay trong năm 2020, trừ trường hợp bất đắc dĩ. Tỉ lệ này là 69% ở Mỹ.
Trung Quốc đứng đầu các khu vực khảo sát, theo Hãng tin Reuters, với 94% người được hỏi đã trả lời rằng sẽ hạn chế hoặc không đi máy bay trong các kỳ nghỉ năm nay, gồm cả dịp Tết Nguyên đán.
93% người Trung Quốc khi được hỏi cũng cho biết họ thích di chuyển bằng các phương tiện công cộng thay cho xe cá nhân vì muốn bảo vệ môi trường. Tỉ lệ này là 64% tại EU và 49% tại Mỹ.
Theo Reuters, ngành hàng không thế giới thải ra khoảng 2% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính và được dự báo sẽ còn tăng khi nhu cầu đi lại bằng hàng không bùng nổ trước sự cạnh tranh của các hãng bay giá rẻ.
Cuộc khảo sát của EIB cũng cho thấy người châu Âu và Trung Quốc xem biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất mà họ sẽ gặp phải, trên cả các vấn đề như chi phí y tế, thất nghiệp và khủng hoảng tài chính.
Người Mỹ lại xem những khó khăn trong việc tiếp cận y tế có giá phải chăng là thách thức lớn nhất. Kế đến là biến đổi khí hậu. Bất ổn định chính trị xếp thứ ba trong những thứ khiến người Mỹ lo âu nhất.
Phần lớn những người tham gia khảo sát (hơn 2/3) đều tin rằng những thay đổi nhỏ từ cá nhân của họ có thể làm thay đổi phần nào hậu quả của biến đổi khí hậu. 98% người Trung Quốc, 93% người châu Âu và 81% người Mỹ khẳng định sẽ bớt mua các đồ dùng từ nhựa trong năm mới.
Theo Bảo Duy (tuoitre.vn)