Viết về mẹ: Mẹ tôi   

Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.

Mã số: 227_VVM

Họ tên: Phạm Thị Ngọc Dung

Địa chỉ: Q. 9, TP. HCM

—————————————————

Tôi sanh ra trong một gia đình có mười anh chị em, vào cái thời đất nước mới giải phóng. Tôi là con út trong nhà. Lẽ đương nhiên út luôn được ưu ái hơn các anh chị, từ miếng ăn cho tới tấm áo.

Nhà tôi nghèo lắm, các anh chị tôi mỗi người mỗi việc, tôi thì theo mẹ ra chợ buôn bán từ rất bé. Tôi phụ được gì thì phụ. Nhưng cái chính là mẹ không nỡ bỏ tôi ở nhà một mình. Phụ thì ít, vòi quà thì nhiều. Tôi lại rất xinh, ai đi ngang cũng khen một tiếng. Nên mẹ tôi thích làm điệu cho tôi lắm. Cứ bán hàng xong mẹ lại dắt tôi vòng quanh chợ sắm vài đôi hoa tai nhựa hay đôi guốc gỗ… Riết rồi tôi điệu đến mức vòi mẹ mua luôn. Có hôm chợ ế, hàng hết muộn, thấy tôi vòi mua mẹ lại tất tả đi rồi nhanh nhanh về nhà nấu cơm trưa cho cả nhà.

Cứ thế tôi lớn dần trong sự yêu thương cưng chìu của mẹ mà không một chút ấn tượng nào, tôi cứ vô tư hưởng, cứ như đó là đương nhiên.

Rồi các anh chị tôi lập nghiệp, lập gia đình tứ phương. Tôi cũng thế.

Mẹ và bố hủ hỷ bên nhau được hơn năm sau khi tôi về nhà chồng thì bố tôi mất.

Mẹ sống một mình, không gọi hay nhờ đứa con nào về phụng dưỡng.

Chúng tôi xuất thân từ con nhà nghèo, nên ai nấy nuôi chí lập nghiệp. Có tiền gửi về cho mẹ. Mà rất ít khi ghé về thăm nhà thăm mẹ. Dù rất nhớ bữa cơm mẹ nấu.

Một ngày kia nhân đi công tác ngang nhà lúc mười giờ tối, anh tôi gọi cửa mãi không thấy mẹ ra mở cửa. Phá cửa vào nhà thì mẹ tôi đã nằm gục cứng người. Anh gọi cấp cứu, nhưng đã không kịp chữa trị. Từ đó mẹ tôi liệt nửa người. Năm anh em ở Việt Nam thay phiên nhau về chăm mẹ một ngày. Nghe hàng xóm qua thăm kể, ngày nào mẹ tôi cũng đứng trong hiên nhà ngó ra cửa xem có ai đi ngang qua không rủ vào nhà chơi nói chuyện cho vui, nhưng ai cũng bận nên cũng ít ghé. Mà ghé vào là mẹ tôi lại khoe các con gửi quà về, nhưng nhìn vẻ mặt bà rất buồn, buồn vì chỉ thấy quà mà không thấy con.

Tôi lấy chồng không mấy hạnh phúc, lại thêm con cái không được ngoan ngoãn vâng lời, nên mỗi ngày đến phiên tôi về, tôi thường rúc vào người mẹ len lén khóc, chứ tôi không dám nói sợ mẹ nghe mẹ buồn. Nhưng bằng cảm nhận từ tấm lòng người mẹ, hình như mẹ hiểu lòng tôi. Bà cố cúi đầu xuống đầu tôi, một cánh tay còn hoạt động được vỗ vỗ lưng tôi như an ủi xoa dịu mà không nói được lời nào (do mẹ tôi bị á khẩu). Ẩy nhẹ tôi ra, bà nhìn tôi rất hiền từ, như muốn đem hết sinh lực còn lại tưới mát lên cái nỗi đau trong tôi, rồi vừa ú ớ vừa gật gà gật gù như muốn khuyên điều gì đó mà mãi tôi vẫn không thể nào hiểu được.

Càng chăm nuôi dạy dỗ con cái tôi càng ngộ ra nhiều điều là mẹ thương tôi vô bờ bến , bất kể lúc bà đau yếu hay bệnh tật. Giờ tôi cũng thành đạt, tôi muốn đền đáp công ơn sinh dưỡng lớn lao đó, nhưng không nơi nào, không một bác sĩ nào có thể chữa cho mẹ tôi mạnh khỏe trở lại. Sức mẹ cạn dần, tôi muốn mua cao lương mỹ vị cho mẹ dùng mẹ cũng không dùng được bao nhiều nữa rồi.

Rồi một dạo, ngày nào mẹ cũng nói một tràng dài không ai trong năm anh chị em chúng tôi (ở Việt Nam) hiểu được. Chúng tôi đặt ra nhiều câu hỏi lại ý mẹ có đúng thế không thì đến câu: Mẹ muốn gặp năm anh chị bên nước ngoài phải không? Thì bà gật lia lịa.

Các anh chị ở nước ngoài đi đã hơn hai mươi năm, chưa về Việt Nam lần nào. Lần này quyết định rủ nhau cùng về vào ngày 6/9 để mừng sinh nhật mẹ ngày 10/9. Mẹ tôi vui lắm. Nhưng đáng lẽ vui thì phải khỏe hơn thì trời xui sao mẹ tôi lại yếu dần. Ngày càng khó thở. Ăn không tiêu, bụng lình xình. Càng không ăn càng đuối dần. Tôi động viên mẹ: Mẹ ơi, mẹ ráng uống chút sữa, mẹ ráng húp tí cháo lấy sức, các anh chị sắp về rồi. Mẹ tôi cũng ráng, phải nói là rất ráng sức nuốt từng ngụm sữa.

Bà nằm thở thoi thóp, nhưng ai kêu cửa cũng ráng nhướn mắt nhìn ra.Cho tới ngày 5/9 thì bà trút hơi thở cuối cùng. Cũng là ngày các anh chị tôi còn đang bay trên bầu trời để về Việt Nam. Mẹ đã không thể nhìn đủ mặt các con. Và dĩ nhiên cái sinh nhật đầu tiên và cuối cùng dành cho mẹ, chúng tôi cũng không kịp tổ chức, mà là ngày đưa linh cửu mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Qua bài viết này tôi mong rằng những ai còn cha mẹ hãy mau quay về bên người, đừng bao giờ để quá muộn như chúng tôi, đừng bao giờ để đến lúc “có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” như tôi.

Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết  về  mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!

Bài viết cộng tác độc giả vui lòng gửi về email bientap@pnnn.vn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN