Con sinh vào tháng 12 sẽ “non” so với các bạn sinh đầu năm, con nhút nhát hoặc suy dinh dưỡng… là những lý do khiến nhiều bố mẹ băn khoăn trước quyết định có nên cho con học chậm 1 năm.
- Những lời khuyên cha mẹ nên dành cho con khi đối mặt với mâu thuẫn
- Lời khuyên dành cho phụ nữ mang thai
- 12 lời khuyên hữu ích khi đi du lịch cùng trẻ nhỏ
Một mùa tuyển sinh chuẩn bị đến gần và đây là thời điểm phù hợp để cha mẹ tìm hiểu trước khi quyết định cho con học ở đâu, trường nào, chương trình học gì… Bên cạnh đó, vấn đề cha mẹ băn khoăn không kém là việc có nên cho con học lại mẫu giáo, bước vào Tiểu học chậm 1 năm hay không.
Chị Trang băn khoăn không biết con sinh cuối tháng 12/2014 thì có nên cho con học với các bạn sinh năm 2015 hay không?
Chị Đào Huyền Trang ở Thanh Xuân, Hà Nội, có con trai là bé Bi đang học lớp mẫu giáo lớn chia sẻ: “Em có con sinh ngày 28/12/2014 và năm tới con vào lớp 1. Tuy nhiên em thấy con hơi non so với các bạn nên đang có ý định cho con học muộn lớp 1 lại 1 năm.
Không biết quy định, giấy tờ hay điều kiện gì để cha mẹ xin cho con học chậm lại 1 năm với ạ? Và có nên cho con học lại mẫu giáo với các bạn 2015 không ạ?”.
Đây cũng là tâm tư của không ít bậc cha mẹ khi cảm thấy không tự tin cho con bước vào lớp 1 theo đúng độ tuổi. Thực tế, có rất nhiều lý do như con sinh vào cuối năm, con nhút nhát, suy dinh dưỡng… và cũng đã có nhiều trường hợp cha mẹ quyết định cho con học lớp 1 chậm 1 năm.
Nên hay không cho con học chậm?
Theo Chuyên gia Vũ Thu Hương, nguyên Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, tùy vào thể trạng của con để cha mẹ quyết định có nên cho con học chậm hay không.
“Ở nước ngoài, cụ thể là châu Âu, sẽ không có quy định mấy tuổi bắt đầu học lớp 1. Khi 6 tuổi, học sinh sẽ được kiểm tra sức khỏe, tâm sinh lý và ngôn ngữ mẹ đẻ. Sau đó, tùy thuộc vào thể trạng của con, thầy cô và nhà trường sẽ có lời khuyên cho cha mẹ rằng con đủ điều kiện vào lớp 1 hay nên học chậm lại 1 năm.
Ở Việt Nam, nhiều cha mẹ sợ con học chậm sẽ lỡ mất 1 năm hay sợ bị các bạn trêu chọc… Tuy nhiên, sự phát triển của con mới là điều quan trọng nhất.
Thực tế nhiều cha mẹ quan trọng chuyện học hành của con, ép con học chữ ngay trước khi bước vào lớp 1 nhưng lại chiều nên con không biết tự chăm sóc bản thân. Việc học chữ trước khiến con thiếu tập trung khi cô giáo giảng bài và hậu quả là con bị kém dần đi.
Do vậy, cha mẹ không nên vội vàng nếu cảm thấy con mình quá non kém, không đáp ứng được khi vào lớp 1. Dù học đúng tuổi hay học chậm thì đến 18-20 tuổi con cũng đã là người trưởng thành. Đó mới là điều quan trọng”, bà Hương nhấn mạnh.
Chuyên gia Vũ Thu Hương cũng cho biết: “Trong thời gian 1 năm ở lại chưa vào lớp 1 này, cha mẹ nên tìm cho con các trung tâm dạy kỹ năng hoặc học lại tại mầm non, tùy vào điều kiện gia đình. Thế nhưng, cho con học lại không có nghĩa là cha mẹ buông bỏ, ỷ lại vào nhà trường, thầy cô. Cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn với con khi ở nhà để các con vững vàng kỹ năng, sức khỏe bước vào lớp 1″.
Về việc có nên cho con theo học trước tuổi hay không, bà Hương chia sẻ: “Nhà trường không khuyến khích các con học sớm trước tuổi. Thông minh chỉ là một khía cạnh để đánh giá năng lực học sinh. Trong quá trình học lâu dài sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Vì vậy, cha mẹ nên cho con học đúng tuổi”.
Theo khoản 2, điều 86 Luật Giáo dục có quy định quyền của người đi học là: “Được học trước tuổi, học vượt lớp, học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban”. |
Theo helino.ttvn.vn