Chỉ số mức độ an toàn không khí Hà Nội duy trì ở mức “rất xấu” trong nhiều ngày liên tiếp.
- Hà Nội: giảm dần số lượng lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi
- Động đất ở Cao Bằng, Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc rung lắc
- Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội trời rét, có nơi xuống dưới 16 độ C
Sáng 13/12, hệ thống 11 điểm quan trắc của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội ghi nhận 10 điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức màu tím – trên 200, tương đương với đánh giá “rất xấu”. Đây là mức không khí được cảnh báo sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mọi người, nghiêm trọng hơn so với mức “xấu”.
Bầu trời Hà Nội nhìn từ đường Phạm Văn Đồng sáng 13/12. Ảnh: Gia Nghĩa
Lúc 8h sáng nay, chỉ số AQI tại trạm đo Minh Khai (Bắc Từ Liêm) là 261; đại sứ quán Pháp 266; các trạm đo tại Chi cục bảo vệ môi trường, Hàng Đậu, Thành Công, Phạm Văn Đồng đều có chỉ số AQI trên 240.
Trong ba ngày trước (từ 10 đến 12/12), chỉ số AQI ghi nhận tại các trạm đo trên cũng duy trì nhiều giờ ở mức từ 200. Lúc 4h ngày 10/12, chỉ số AQI ở trạm đo đại sứ quán Pháp lên tới ngưỡng nguy hại (ngưỡng cao nhất) với mức 336.
Theo thống kê, chỉ số AQI cao thường xuất hiện trong khoảng từ 0h đến 12h hàng ngày.
Cũng trong sáng nay, trang Airvisual xếp Hà Nội đứng đầu trong 10 thành phố trên thế giới có chỉ số AQI cao nhất – 316. Trong đó, điểm đo tại Tây Hồ có chỉ số AQI là 405. Hơn 40 điểm đo của tổ chức PamAir cũng ghi nhận chỉ số AQI ở mức cao, phần lớn các điểm có chỉ số trên 200.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch nhận xét, không khí Hà Nội chuyển biến xấu từ ngày 8/12, sau đó mức độ ô nhiễm liên tục tăng theo từng ngày.
“Có thể thấy không khí Hà Nội trong năm nay ô nhiễm liên tục, kéo dài chứ không còn theo đợt nữa. Tôi nghĩ thành phố cần nghiêm túc đánh giá về các nguồn thải và tìm biện pháp khẩn cấp. Chúng ta không thể cứ trông mong vào ông trời để có một số ngày trong lành”, ông Tùng nói.
Theo Gia Chính (vnexpress.net)