Bài dự thi cuộc thi ” Viết về mẹ” do Phụ Nữ Ngày Nay tổ chức.
Mã số: 199_VVM
Họ tên: Nguyễn Huỳnh Đức Toàn
Địa chỉ: Quy Nhơn, Bình Định
—————————————————
“Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”
Đúng vậy, chắc chắc đã là một người con thì ai cũng đều yêu quý và kính trọng Mẹ của mình. Từ lúc mới biết nói, cũng như các anh trai, tôi gọi Mẹ bằng Má. Ông trời thật không công bằng vì chỉ cho Má tôi những đứa con trai, niềm khát khao cháy bỏng cuối cùng cũng bị dập tắt khi đứa em tôi ra đời. Má mỉm cười bằng lòng với cuộc sống và nuôi sáu anh em tôi nên người. Nhà toàn đàn ông, con trai khiến Má chẳng biết tâm sự với ai, nhìn những chiếc váy đẹp lộng lẫy chỉ biết ngắm mà thôi.
Năm hai mươi ba tuổi, Má theo ba tôi về cái nơi “khỉ ho cò gáy” để sinh sống. Lúc trước khi cưới, bà nội chẳng ưa gì đứa con dâu này, giờ lại phát hiện Má không biết chữ lại càng thêm ghét. Tính tình của Má cũng hay đơn giản, dễ dãi nên thường bị nội la mắng, biết phận làm dâu chưa tròn Má không một lời oán thán, chỉ mong sống sao cho vừa lòng. Cuộc sống lúc ấy thiếu thốn trăm bề, mỗi lần ba đi công tác, Má ở nhà cùng các các con trong một cái chòi tranh, dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn hột vịt vặn nhỏ, ngoài trời là tiếng kêu của ếch nhái, rắn rết… Sợ lắm, Má tôi chỉ biết ôm con vào lòng đợi trời sáng.
Bên cạnh công việc nhà, Má còn buôn bán nhỏ hằng mong kiếm thêm cái bánh, cái kẹo cho con. Tính Má quá thật thà đã bị người ta lừa gạt, bao nhiêu vốn liếng tiêu tan, lại đẻ thêm nợ. Ba tức giận xuống tóc lên đường phiêu bạc. Bà con hàng xóm lại xì xào nhỏ to bảo Má đem của về cho nhà ngoại. Cái khổ cứ thế chồng chất lên người, những đứa con ngây thơ còn tuổi ăn chơi đâu hiểu được gì. Rồi ba nguôi giận quay về cùng Má ngược xuôi trả nợ. Ôi! Cái quá khứ thật đáng buồn, chắc Má cũng không còn muốn nhớ làm gì.
Má cũng thật lạ, làm cậu mợ năm mừng hụt mấy lần. Vợ chồng cậu mợ không được trời thương nên chẳng có đứa con nào. Khi nghe tin Má có bầu đứa thứ tư, cậu đã ngỏ ý muốn xin về nuôi. Má cũng gật đầu đồng ý cho qua chuyện, lúc đã “mẹ tròn con vuông” cậu mợ hớn hở đến đưa cháu về nhà. Má lại trả lời đơn giản “Con gì mà con cho! Khổ mấy tôi cũng nuôi”, đến lượt con và thằng út kịch bản cũ lại tái diễn. Có như vậy mới biết được tình yêu của Má dành cho mấy đứa con trai của mình như thế nào. Dù chưa làm được gì cho Má, nhưng Má vẫn luôn tự hào về tụi con, mỗi khi có đứa nào tặng thứ gì là Má đều đem khoe với bà con lối xóm. Tuổi đã xế chiều, Má mới biết thế nào là đầm váy. Nhìn Má vui xen lẫn ngại ngùng khi mặc lên người chiếc đầm ba mới tặng để đi dự tiệc cưới, làm con mới nhận ra đời Má thiếu thốn quá nhiều.
Giờ đây, Má đã sáu mươi hai tuổi, những đốm đồi mồi ghi dấu thời gian đã xuất hiện trên khuôn mặt đen sạm vì rám nắng. Ở cái tuổi này, Má vẫn còn lặn hụp dưới dòng nước lạnh ngắt không kể ngày đêm để mò phễn, bắt hàu. Đó là chưa nói những ngày động giá lạnh, trời mưa lâm thâm, trai tráng như tôi ở trong nhà còn thấy ớn huống hồ Má phải bận áo tơi đi làm để mong có được năm ba chục. Những vết cứa rỉ máu trên đôi bàn tay thô kệch làm Má luôn đau nhức hằng đêm cộng với căn bệnh thấp khớp có lúc khiến Má không bước đi được. Mấy anh em tôi thấy thế xót lắm mà chẳng biết làm sao, mỗi lần khuyên, Má lại bảo:
– Má còn làm được thì cứ để má làm, khi nào má hết sức thì các con lo vẫn chưa muộn. Nhà mình còn nghèo chứ có cao sang gì mà làm chảnh hả con!
Tụi tôi chỉ biết nghẹn ngào nghe theo lời Má, mà tự thấy mình mang tội bất hiếu, giá như chúng tôi tài năng hơn, giàu có hơn thì đời Má đâu đến mức khổ như thế này.
Hiện trên cổ Má đang có một cái bướu, đi khám bác sĩ bảo là bướu lành có thể mổ được. Anh em chúng tôi cầu trời nuôi tôm trúng một vụ để có điều kiện đưa Má đến những bệnh viện chuyên khoa để khám kĩ hơn mà mãi ba năm vẫn chưa làm được. Mấy lần định vay mượn để đưa Má đi chữa trị, Má lại bảo:
– Sống chết có số cả rồi với lại má sợ lắm chẳng dám đi đâu.
Tôi biết chữ “sợ” của Má là gì, thật đắng lòng cho những đứa con không lo được cho Má. Và tôi cũng thật sự sợ, sợ lắm, sợ cái điều kinh khủng mà bất cứ đứa con nào yêu thương Mẹ mình đều sợ. Má ơi! Má hãy luôn ở bên con Má nhé!
Thật buồn, khi chúng ta vẫn thường nghe hay trực tiếp bắt gặp ở đâu đó những hành động vô nhân tính: Mẹ bị con bỏ đói, con đuổi Mẹ ra khỏi nhà, con đánh đập, ngượi đãi mẹ thậm chí con còn giết cả mẹ… những người con như vậy không chỉ có pháp luật trừng trị mà luôn bị tòa án lương tâm phán xét, rồi cuối cùng cuộc đời họ cũng chẳng đi đâu về đâu. Bởi lẽ loại người ấy làm sao có được nhân cách sống, nhân cách để làm người, nhân cách để được cộng đồng thừa nhận. Hãy biết yêu quý, trân trọng Mẹ khi còn có thể. Đừng nghĩ làm những gì to tát mà hãy dành tặng Mẹ những lời yêu thương, những sự quan tâm, những món quà tuy rẻ tiền nhưng chứa chan tình mẫu – tử cao đẹp và thiêng liêng.
Xin nguyện cầu cho tất cả các MẸ trên thế gian này luôn tràn đầy sức khỏe và hạnh phúc!
Mời bạn đọc tham gia cuộc thi ” Viết về mẹ” để chia sẻ yêu thương và đón nhận những phần quà hấp dẫn!