Dưa chuột và kiwi ăn cả vỏ, đậu cần ngâm qua đêm hay sushi nên ăn bằng tay là kinh nghiệm không phải ai cũng biết.
Sushi
Hầu hết mọi người ăn sushi không đúng cách. Khi chấm sushi, bạn nên chấm quay mặt có cá, thịt, hải sản xuống dưới nước tương, thay vì quay mặt cơm xuống vì sẽ làm miếng sushi bị mặn quá. Gừng cũng cần được ăn riêng để làm sạch vòm miệng chứ không phải để ăn kèm. Wasabi cần được cho một lượng nhỏ, đặt trực tiếp lên miếng cá trước khi ăn chứ không phải là chấm miếng sushi vào đĩa mù tạt. Ngoài ra, cách tốt nhất để ăn sushi là rửa tay thật sạch và dùng tay ăn.
Tỏi
Tỏi chứa allicin – một loại enzyme chống ung thư. Allicin sẽ phát huy tác dụng nếu tiếp xúc với không khí. Do đó, thay vì xào hay phi thơm tỏi, bạn nên băm nhỏ tỏi để chúng tiếp xúc tối đa với không khí, sau đó để yên trong 10 phút trước khi ăn. Bằng cách đó, lợi ích tăng lên nhiều lần.
Sữa chua
Khi mở hộp sữa chua, bạn thường thấy chúng có một ít chất lỏng phía trên bề mặt, chúng có chứa protein và vitamin B12. Do đó, bạn không nên lãng phí chúng mà nên ăn kèm để nạp thêm nhiều chất bổ dưỡng.
Hạt lanh
Hạt lanh chứa chất xơ, omega-3, lignans và phytonutrients. Tất cả đều là những chất có ích cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu ăn thô, hạt lanh sẽ không có tác dụng vì cơ thể không thể tiêu hóa. Đó là lý do tại sao bạn nên xay hạt lanh trước khi ăn hoặc làm bánh.
Măng tây
Không bao giờ nên nấu măng tây trong lò vi sóng, ngay cả khi bạn không có nhiều thời gian vì việc này lấy đi hàm lượng vitamin C lớn. Cách lý tưởng để nấu măng tây là hấp hoặc chiên chúng sao cho mềm.
Kiwi
Nghe có vẻ điên rồ nhưng bạn nên ăn kiwi cả vỏ bởi phần vỏ chứa một lượng chất dinh dưỡng cao, đặc biệt là chất xơ, folate và vitamin E. Tiêu thụ toàn bộ quả kiwi cả vỏ sẽ làm tăng hàm lượng chất xơ, vitamin E và folate lên 50%, 32% và 34%. Tuy nhiên, đừng quên rửa sạch và ngâm kỹ vì lớp vỏ lông có thể bám bụi bẩn.
Cà chua
Nhiều người có thói quen ăn cà chua sống và nghĩ rằng việc này có lợi cho sức khỏe nhưng thực tế, các chất dinh dưỡng trong cà chua sẽ tăng lên nhiều lần nếu chúng đạt nhiệt độ 90 độ C. Cà chua là một trong những loại rau củ nấu chín chứa lycopene giúp bảo vệ chống lại các khối u và bệnh tim.
Trà đen
Trà đen là một trong những đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất nhưng đừng pha chung với sữa. Sữa không ảnh hưởng đến các chất chống oxy hóa của trà đen nhưng sẽ ngăn chặn trà đen phát huy tác dụng với bệnh tim mạch. Lý do là vì protein có trong sữa làm cho chất dinh dưỡng của trà khó hấp thụ hơn.
Dâu tây
Dâu tây rất giàu chất xơ, chất chống oxy hóa và vitamin C, giống như hầu hết các loại trái cây màu đỏ. Tuy nhiên, bạn không nên cắt dâu tây và bảo quản và tốt nhất là nên ăn ngay. Khi bị cắt, dâu trở nên nhạy cảm với ánh sáng và oxy, khiến chúng dễ dàng mất đi dinh dưỡng.
Bông cải xanh
Bông cải xanh (súp lơ xanh) là một trong những thực phẩm nên được ăn sống, cùng lắm là hấp. Vì trên thực tế, nếu đun sôi hoặc chiên xào, súp lơ sẽ mất vitamin C, diệp lục, chất chống oxy hóa và các hợp chất chống ung thư.
Đậu
Hạt đậu chứa các hợp chất chống oxy hóa gọi là phytates nhưng những chất này liên kết với vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm, làm cơ thể khó hấp thụ. Sẽ tốt hơn nếu bạn ngâm chúng qua đêm để các chất bên ngoài phai bớt.
Dưa chuột
Dưa chuột tốt nhất là nên ăn cả vỏ vì phần này có hàm lượng chất xơ cao. Tuy nhiên, nếu không chắc chắn về nguồn gốc của dưa chuột, bạn nên gọt vỏ để tránh thuốc trừ sâu hoặc vi khuẩn nào còn sót lại.
Theo Hà Nguyên (ngoisao.net)