Từ những người chỉ cần một chỗ ở đủ tiện ích, cho đến những vị khách có cá tính mạnh muốn đưa nhiều dấu ấn riêng vào căn hộ của mình, tất cả đều cần sự tương tác và chia sẻ về mặt chuyên môn của nhà thiết kế.
Việc sống trong căn hộ chung cư đang rất phổ biến, một phần là nhờ khả năng đáp ứng rộng, phù hợp cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Gia chủ thuộc nhiều thành phần đều có thể chạm đến chất lượng sống tương đối tốt trong các căn hộ chung cư mới. Từ đó dẫn đến sự đa dạng trong nếp sống chung cư. Và chính những đặc thù của nếp sống đã tạo nên sự đa dạng, nhiều cung bậc cho các loại hình, giải pháp thiết kế, xử lý không gian, bố trí công năng… như hiện nay ở mô hình không gian sống này.
Với nhà thiết kế trẻ tuổi, cập nhật các xu hướng mới nhất là điều dễ dàng, nhưng để chuyển hóa các xu hướng, phong cách ấy vào thiết kế cho từng khách hàng cụ thể thì lại cần đến quá trình tương tác. Làm sao để ý tưởng của nhà thiết kế “gặp trúng ý” gia chủ mà người thiết kế không bị “cuốn theo” đòi hỏi của gia chủ, làm sao để giải pháp nội thất chung cư mang tính phối kết hài hòa nhiều thành phần trong không gian chứ không phải là trang trí cho các bức tường và mua vật dụng kê vào? Những câu hỏi này sẽ trả lời được khi nhà thiết kế có quy trình làm việc khoa học, tuần tự các bước và gắn kết tốt giữa thiết kế và thi công, cung cấp trang thiết bị một cách đồng bộ và thống nhất.
Thị trường căn hộ chung cư theo tôi đến một lúc nào đó cũng sẽ đạt điểm bão hòa, cho nên sự khác biệt trong quan niệm sống từ ngoài vào trong sẽ ảnh hưởng lớn đến chọn lựa của người mua nhà và làm nội thất. Các nhà thiết kế chuyên sâu về căn hộ hầu như thuộc lòng các kiểu bố trí công năng và tiêu chuẩn về tiện ích, vật dụng; hầu như đã tạo thành các “combo” để khách hàng dễ bề chọn lựa. Sự khác biệt giữa các căn hộ cuối cùng chỉ còn nằm ở phong cách sống. Nhưng phong cách sống lại là khái niệm rất dễ biến đổi và khó nắm bắt. Phong cách sống đưa vào nội thất cũng là yếu tố dễ nhầm lẫn với nghệ thuật xếp đặt hay sở thích mua sắm đơn thuần, nên khi chuyển hóa thành cách thức xử lý không gian sẽ phải giải quyết các mâu thuẫn mang tính cá nhân, trong cá tính của chủ đầu tư.
Tôi đã từng làm việc với một anh chuyên về kinh doanh gỗ công nghiệp nhưng làm nhà cho mình lại chỉ ưa dùng gỗ tự nhiên, hay một chị mê sống gần thiên nhiên nhưng lại không có thời gian chăm sóc cây xanh, đành phải dùng cây giả như cách “làm cho mướt mắt”… Những ví dụ đó cũng phần nào cho thấy rằng để hình thành nên một thế hệ gia chủ có gu sống nhiều sáng tạo đôi khi phải trải qua thời gian dài, song hành với nâng tầm văn hóa và nâng cao điều kiện kinh tế.
Nhưng rồi thời đại thay đổi, cơ cấu kinh tế biến chuyển, những người trẻ có thu nhập khá và ưa cuộc sống năng động phóng khoáng ngày càng nhiều, đã góp phần thay đổi cái nhìn về nhà chung cư. Tiếp đến là nhóm người hưu trí hoặc không có nhiều hoạt động giao tiếp kiểu nhà phố – nhà vườn đã chọn chung cư cao cấp là nơi ở (còn nhà phố hay biệt thự thì cho thuê để cân đối thu nhập và đỡ phải… leo cầu thang). Đối tượng tiếp theo là các chuyên gia người nước ngoài, nghệ sỹ, Việt kiều… ở chung cư nhằm giúp đi về tiện lợi và không quá tốn kém vào chi phí duy tu bảo dưỡng, bảo vệ… khi vắng nhà. Những đối tượng người thu nhập thấp, chung cư cho sinh viên hay công nhân thuê thì đang là vấn đề nan giải mà thiết kế hiện nay chưa giải quyết được, hay nói cách khác là ngoài tầm kiểm soát bởi vấn đề không nằm trong tay người chuyên môn mà là bài toán cân đối về đầu tư, chính sách, quy hoạch mang tầm vĩ mô.
Tuy vậy, sự phong phú về đối tượng sở hữu (mua để ở, cho thuê, khai thác dịch vụ…) đã tăng cao sau hai thập kỷ qua, và với cơ cấu dân số khá trẻ, xã hội bắt đầu bùng nổ phát triển về công nghệ thì căn hộ chung cư dường như là lựa chọn vừa tầm cho đại đa số người dân. Các tiện lợi của việc ở chung cư có lẽ không cần nhắc lại, mà rõ nét nhất qua kinh nghiệm của tôi là tính an ninh, sử dụng diện tích hiệu quả, chi phí hợp lý và giảm thiểu các bất tiện so với kiểu nhà khác. Một số ý kiến có cho rằng ở nhà chung cư thì tình làng nghĩa xóm không được như nhà liền thổ, tôi thấy lại không hoàn toàn vậy. Khu căn hộ nào tôi từng ở cũng đều có hàng xóm láng giềng rất tình nghĩa, đi đâu về còn biếu quả hay thăm hỏi nhau còn “xôm tụ” hơn là nhà mặt phố, nhất là các trục phố thương mại hoặc khu đô thị mới làm kiểu kín cổng cao tường chẳng nhà nào ngó ngàng đến nhà nào.
Một tiện lợi có thể nhỏ, nhưng với tôi khá coi trọng, đó là sự sạch sẽ. Căn hộ chung cư trên cao tôi thấy rất ít các loại côn trùng, muỗi và nhất là chuột, gián so với nhà phố, nhà hẻm. Còn vấn đề bếp thoáng mở trong chung cư khiến cách nấu nướng nặng mùi của người Việt không phù hợp thì sẽ tùy từng nhà mà xử lý. Nhà kiểu gia chủ trẻ tuổi, ít nấu nướng tại nhà thì làm bếp mở, bếp đảo, bếp quầy bar. Còn nhà hay nấu nướng kiểu truyền thống mà ngại mùi thức ăn lan tỏa thì có thể làm vách ngăn kính cho khu bếp nấu nướng xong lại lùa ra hay cửa gấp dồn vào góc, dễ dàng và tiện lợi.
Trần chung cư cũng là câu chuyện “nhỏ mà không nhỏ” khi tôi thấy nhiều thiết kế gần đây đóng trần hầu như toàn bộ. Để làm chi vậy, trong khi thiết kế ô sàn đã tính toán khá sít sao, hầu như có ít đà băng qua phòng, thậm chí có chung cư còn làm dầm bẹp hoặc sàn không dầm nên chỉ cần đóng trần như điểm nhấn là đã khá ổn rồi. Phần dầm đà và sàn bê tông nếu để lộ ra được thì không chỉ tiết kiệm chi phí, tạo được sự phân chia cao thấp trong không gian, mà còn phân biệt khu chức năng tốt hơn là đóng trần toàn bộ. Tôi cũng không đồng tình với kiểu hoàn thiện căn hộ mới mà làm cổ điển diêm dúa nhiều gờ chỉ vòm cong đèn chùm các loại, vì hầu hết chung cư hiện nay đều thiết kế khá hiện đại, đơn giản, không phù hợp với dạng thức này, dẫn đến phải “đắp đồ giả” rất nhiều, vừa lãng phí không gian, chi phí, mà vừa “không đúng catalogue” (trừ dạng chung cư mà ngay từ đầu chủ đầu tư đã theo đuổi trường phái cổ điển).
Dĩ nhiên, cái gì cũng có ngoại lệ và tôi không phản đối các chủ nhà có nhiều chi phí để “đắp đồ” vào bằng kiểu vật dụng cổ điển, hoặc đồ xưa. Nhưng nói thiệt tình, những món đồ đó sẽ “tỏa sáng” hơn ở không gian nhà vườn, biệt thự cổ điển hoặc ít ra cũng phải là nhà phố diện tích rộng. Thử hình dung một bộ ghế chạm trổ hoành tráng không thể nào tồn tại phù hợp trong bối cảnh căn hộ hiện đại, đơn giản, trần chi cao chừng 3m. Cho dù đó là lối sống, là phong cách hay sở thích của chủ đầu tư, thì người chuyên môn cần phải thuyết phục sao cho chủ đầu tư thấu hiểu các khía cạnh khác nhau của mỗi kiểu thức nội thất, không thể cứ nói “tôi thích” là xong. Suy cho cùng dạng nhà ở nào đó thì sẽ có những giới hạn nhất định về cấu trúc, nội thất và vật dụng, không nên thỏa hiệp với cái riêng để tạo ra các sản phẩm gượng ép, khập khiễng với quy luật, xu thế, hệ thống chung được.
Theo tcnhadep.com